Phụ nữ chủ động xóa bỏ hủ tục

05:11, 26/11/2021

Đạ Long là xã vùng sâu của huyện Đam Rông. Nơi đây có trên 93% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên với chế độ mẫu hệ...

Đạ Long là xã vùng sâu của huyện Đam Rông. Nơi đây có trên 93% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên với chế độ mẫu hệ. Tuy nhiên, hủ tục ở vùng đất này lại được chính những người phụ nữ chủ động đẩy lùi.
 
Tổ phụ nữ dệt thổ cẩm là một trong những mô hình thu hút phụ nữ tiến bộ ở Đạ Long
Tổ phụ nữ dệt thổ cẩm là một trong những mô hình thu hút phụ nữ tiến bộ ở Đạ Long
 
Chị M’Bon K’Thương - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đạ Long tâm sự rằng: Kinh tế Đạ Long chưa phát triển, đời sống bà con còn khó khăn bởi nhiều nguyên nhân; trong đó, có sự tồn tại của những hủ tục. Các quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ” nên đẻ nhiều con, ốm đau bệnh tật thì tìm thầy cúng để chữa bệnh… và những hủ tục còn nặng nề như thách cưới dẫn đến việc có gia đình phải cầm cố nhà, bán đất, bán vườn, thậm chí còn vay nặng lãi để tổ chức đám cưới cho con gái hay nạn tảo hôn vẫn còn xảy ra… đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Bởi vậy, muốn thay đổi cuộc sống trước hết cần đẩy lùi hủ tục để dành chỗ cho văn minh, cho khoa học kỹ thuật, từ đó mới có cơ hội để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống.
 
Tinh thần đó cũng đã được chị M’Bon K’Thương nói riêng và Hội LHPN xã Đạ Long nói chung lan tỏa sâu rộng trên 610 hội viên. Để hiện thực hóa điều này, Hội LHPN xã Đạ Long đã thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và các lễ hội.…
 
Bên cạnh đó, việc thực hiện tốt các phong trào thi đua của phụ nữ như: Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; vận động thực hiện tốt Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam với 4 phẩm chất “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”… cũng đã từng bước góp phần xóa bỏ tư tưởng tự ti, an phận, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước của phụ nữ. Hội LHPN xã Đạ Long cũng đã xây dựng các mô hình ở các chi hội. Và thực tiễn của các mô hình “Không sinh con thứ 3 trở lên” ở Chi hội 3 và 4; trồng rau sạch, bảo vệ môi trường, tổ phụ nữ dệt thổ cẩm ở Chi hội 2... đã chứng minh hiệu quả trong nâng cao chất lượng đời sống phụ nữ. Đồng thời, thể hiện rõ sự chủ động và tiến bộ của phụ nữ. Điều đó đã tạo sự lan tỏa lớn để chị em phụ nữ chủ động tham gia. 
 
Sau nhiều năm liền nỗ lực thực hiện, sự đổi thay đã thấy rõ trong những người phụ nữ ở mảnh đất này. Chị M’Bon K’Thương cho biết thêm: Đến nay, cơ bản 85% gia đình hội viên nêu gương điển hình tiêu biểu trong việc xóa bỏ hủ tục, 100% hội viên không sinh con tại nhà, 80% hội viên thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, không phân biệt đối xử giữa con trai và con gái, không kết hôn cận huyết thống, không tảo hôn. 
 
Bà Nguyễn Thị Hồng Thuyên - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đam Rông khẳng định: Hội Phụ nữ cơ sở là đầu mối nắm rõ nhất tâm tư tình cảm, chất lượng đời sống của từng hội viên cũng như phong tục tập quán của từng vùng đất. Bởi vậy, Hội Phụ nữ cơ sở sẽ nắm rõ nhất thế mạnh và điểm yếu của từng vùng đất để triển khai nhiệm vụ của Tỉnh hội, Huyện hội có hiệu quả, mang lại sự đổi thay thiết thực về tư tưởng cũng như chất lượng đời sống hội viên. Và việc từng bước đẩy lùi hủ tục trong vùng đồng bào DTTS ở xã Đạ Long của Hội LHPN xã Đạ Long là minh chứng sống động cho điều đó. Qua các hoạt động của Hội LHPN xã đã góp phần quan trọng vào việc hội viên và Nhân dân trong xã nhận thức sâu sắc và chấp hành tốt những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chị em đã mạnh dạn tham gia các hoạt động phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn minh phát triển ở địa phương.
 
Sự đổi thay trong suy nghĩ của người dân Đạ Long đã dần xuất hiện. Khi hiện đã có nhiều gia đình đăng ký tham gia thoát nghèo. Những người phụ nữ ở Đạ Long đã chủ động hơn trong việc xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh. Đó là những tín hiệu đáng mừng, song hủ tục vẫn còn tồn tại và đời sống của bà con chưa hết hẳn những khó khăn, chặng đường phía trước còn dài, đòi hỏi những người phụ nữ ở vùng đất này cần tiếp tục cố gắng trong sự vươn lên chung của cả hệ thống chính trị, vì một ngày mai của Đạ Long tươi đẹp, văn minh.
 
NGỌC NGÀ