Cụ ông lái tàu hỏa răng cưa tuyến Tháp Chàm - Đà Lạt ra đi ở tuổi 102

09:01, 12/01/2022
(LĐ online) - Một trong những người lái tàu hỏa răng cưa kỳ cựu tuyến Tháp Chàm - Đà Lạt, cụ Nguyễn Văn Viễn, vừa ra đi ở tuổi 102, tại cư xá Hỏa xa, gần nhà ga xe lửa Đà Lạt.
 
Cụ Viễn kể lại hành trình lái tàu với tác giả
Cụ Viễn kể lại hành trình lái tàu với tác giả
 
Cụ Nguyễn Văn Viễn quê ở Hải Hậu, tỉnh Nam Định, vào Đà Lạt năm 1942, hai ông bà có 11 người con (8 gái, 3 trai). Buổi đầu cụ làm tại Sở trà Cầu Đất, năm 1947 cụ được tuyển dụng vào ngành hỏa xa. Trong 5 năm đầu, cụ chỉ được giao nhiệm vụ đốt than, củi; đến năm 1953 mới được phụ lái tàu rồi lái chính cho đến lúc tuyến đường này ngưng hoạt động vào năm 1977.
 
Cô Nguyễn Thị Út (con út cụ Viễn) cho biết cụ Viễn mất sáng 10/1/2022. Theo cô Út, khi còn đi lại được, mỗi sáng thức dậy, cụ Viễn tự pha chế cà phê để uống, rồi ngồi xem tin tức trên VTV1, đọc báo... Đặc biệt, cụ Viễn không bỏ sót trận bóng đá nào có đội tuyển Việt Nam đá, mới nhất là giải AFF Cup 2020 diễn ra ở Singapore… 
 
Cụ bà Trần Thị Lạng (89 tuổi, vợ cụ Viễn) cho biết tháng 9/2021, cụ ông vấp té bị gãy chân, từ đó không còn tự đi lại được, chủ yếu nằm trên giường nhưng rất minh mẫn; ngày nào cụ cũng chờ bưu tá đưa báo tới để đọc không bỏ sót trang nào.
Trước khi ra đi, cụ Viễn đang có ước nguyện Nhà nước sớm khôi phục lại tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
 
Nhớ khi biết chúng tôi đến tìm hiểu về tuyến đường xe lửa răng cưa, cụ Viễn hào hứng vào phòng lấy ra tập tài liệu, trong đó có cả bản đồ, họa đồ, lịch trình, nhật ký những chuyến tàu do cụ lái.
 
Cụ kể vanh vách, con đường xe lửa răng cưa từ Tháp Chàm (Ninh Thuận) lên Đà Lạt dài 84 km do người Pháp khởi công xây dựng từ năm 1903, theo lệnh của Toàn quyền Paul Doumer, đến năm 1932 mới hoàn thành với tổng kinh phí xây dựng trên 200 triệu franc vào lúc bấy giờ. 
 
Đoạn Tháp Chàm - Krông Pha (Sông Pha) đường bằng, dài 41 km, thi công đến năm 1919 thì hoàn thành. Còn đoạn Sông Pha - Đà Lạt dài 43 km phải thi công trong 13 năm. Việc thi công đoạn đường sắt này rất gian nan vì rừng núi hiểm trở và có độ dốc lớn, chỉ 43 km nhưng độ cao lên tới gần 1.400 m (Sông Pha cao 186 m, Đà Lạt cao 1.550 m so với mực nước biển). Theo cụ Viễn, nhiều công nhân người Việt, người dân tộc đã chết vì bệnh sốt rét, vì hổ vồ hoặc bị tai nạn sập hầm đá. Phía trên hầm đá số 1 gần ga Sông Pha hiện vẫn còn một nghĩa trang chôn cất những công nhân xấu số.
 
Về đường sắt răng cưa, cụ Viễn chỉ vào họa đồ giải thích: “Toàn tuyến có 16 km đường sắt răng cưa, chia làm 3 đoạn, bố trí tại những nơi dốc cao từ 12 độ. Những đoạn này được thiết kế thêm đường ray răng cưa ở giữa hai đường ray chính rộng 1 m; đồng thời, đầu máy xe lửa phải gắn thêm bánh răng để bám vào đường ray răng cưa. Bánh răng được thiết kế chỉ quay một chiều, để nếu khi tàu chết máy thì tàu không bị tuột dốc”. Cụ Viễn còn cho biết toàn tuyến có 5 hầm chui xuyên qua núi, hầm dài nhất hơn 600 m và nhiều cầu xe lửa. 
 
Tôi nhớ mãi lời nói của cụ Viện khi cụ đọc báo biết Bộ Giao thông Vận tải có kế hoạch khôi phục lại tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt. “Nếu trước khi chết tôi được nhìn thấy tuyến đường sắt mà mình từng lái tàu được khôi phục lại thì sẽ hạnh phúc, sung sướng vô cùng”- cụ Viễn tâm tình.
 
LÂM VIÊN