Đà Lạt: Phát động ra quân thu gom, xử lý rác thải nông nghiệp

12:05, 29/05/2022
(LĐ online) - Sáng 29/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tỉnh Đoàn Lâm Đồng và UBND TP Đà Lạt tổ chức lễ phát động ra quân thu gom, xử lý rác thải nông nghiệp trên địa bàn thành phố.
 
Đoàn viên, thanh niên thu gom, phân loại rác thải tại khu vực hồ Than Thở
Đoàn viên, thanh niên thu gom, phân loại rác thải tại khu vực hồ Than Thở
 
Bà Trần Thị Vũ Loan – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết: Đà Lạt là địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đứng đầu cả nước, đặc biệt là các sản phẩm rau, hoa chất lượng cao. Chương trình nông nghiệp công nghệ cao góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, góp phần đáng kể trong tăng trưởng kinh tế của thành phố.
 
Tuy nhiên, việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cũng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến mỹ quan, cảnh quan môi trường. Một bộ phận người dân còn lạm dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các chất kích thích sinh trưởng gây thoái hóa đất, ô nhiễm nguồn nước. Rác thải từ bao gói thuốc bảo vệ thực vật và phụ phế phẩm nông nghiệp chưa được thu gom, xử lý theo quy định.
 
Thời gian qua, UBND TP Đà Lạt đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức nhiều đợt tuyên truyền qua nhiều hình thức như: Phát hành tờ rơi hướng dẫn sử dụng và công tác thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, xây dựng đề án thí điểm thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, ra quân thu gom rác thải nông nghiệp, đổi rác thải lấy quà tặng, tập huấn kiến thức về bảo vệ môi trường, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng... 
 
Từ những hoạt động này, nhận thức của cộng đồng, của người nông dân trong việc thu gom xử lý rác thải nói chung và rác thải nông nghiệp nói riêng đã có những chuyển biến tích cực, góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan của thành phố. 
 
Trong 5 năm qua, thành phố đã lắp đặt và đưa vào sử dụng 243 bể chứa, thùng chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; đã thu gom và xử lý theo quy trình rác thải nguy hại trên 25 tấn bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Số lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật được thu gom, xử lý hàng năm đều tăng lên. Điều đó khẳng định ý thức của người dân trong việc thu gom, tập kết rác thải đã được nâng lên đáng kể.
 
Tuy đạt được nhiều kết quả nhưng ý thức chấp hành công tác phân loại, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng của một bộ phận người dân vẫn chưa tốt. Vẫn còn tình trạng vứt rác thải nông nghiệp không đúng nơi quy định, bỏ trực tiếp xuống lòng suối; gây khó khăn trong công tác thu gom, xử lý và gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan, mỹ quan đô thị của thành phố.
 
Phát biểu tại lễ phát động, ông Hà Ngọc Chiến - Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân cùng chung tay hành động, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp về tác hại của việc vứt bỏ rác thải nông nghiệp đối với môi trường cũng như sức khỏe con người, từ đó thay đổi thói quen, từng bước giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thực hiện thu gom, xử lý theo đúng quy định. Chính quyền địa phương cần tiếp tục lắp đặt, bảo vệ tốt hệ thống bể thu gom thuốc bảo vệ thực vật trên các trục đường nội đồng, đưa quy định về thu gom rác thải nông nghiệp thành hương ước, hương ước tại khu dân cư…
 
Sau lễ phát động, lãnh đạo các đơn vị cùng đoàn viên, thanh niên và người dân đã tiến hành thu gom, phân loại rác thải nông nghiệp tại các khu vực dọc đường Thái Phiên, hồ Thái Phiên, hồ Than Thở.
 
HỒNG THẮM