Hiệu quả và những bất cập cần khắc phục

05:05, 10/05/2022
Hệ thống đèn xanh, đèn đỏ ra đời với sự kết nối, phân luồng hợp lý luôn là sự lựa chọn cần thiết và đúng đắn để xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại. Qua đó, người dân tham gia giao thông dù đến địa phương lần đầu cũng vẫn nhận biết được quy tắc đi lại trên một tuyến đường, vì vậy, sự di chuyển diễn ra thuận lợi hơn, công tác quản lý của nhà chức trách hiệu quả hơn và cuộc sống do đó trở nên tốt đẹp hơn. 
 
Người dân chờ đèn xanh tại nút giao thông Kim Cúc.
Người dân chờ đèn xanh tại nút giao thông Kim Cúc.
 
Tại Đà Lạt, sau một thời gian đưa vào sử dụng hệ thống đèn tín hiệu giao thông cùng những điều chỉnh phân làn và cài đặt thời gian để phù hợp với đặc thù của hệ thống đường sá và lưu lượng giao thông của thành phố, đến nay, có thể khẳng định rằng, hệ thống đèn tín hiệu giao thông đã phát huy hiệu quả và làm tốt chức năng phân luồng, điều tiết giao thông. 
 
Anh Vũ, tài xế taxi chia sẻ: Từ khi có đèn giao thông, càng ngày tôi càng nhận thấy việc lắp đặt đèn tín hiệu là hợp lý và nên làm. Bởi vào những lúc đông người, đèn tín hiệu rõ ràng đã giúp ngăn ngừa tai nạn hoặc sự hỗn loạn của các dòng giao thông qua các nút giao thông đông đúc vào giờ cao điểm.
 
Rõ ràng, theo lí thuyết việc lắp đặt đèn giao thông là để điều phối các luồng phương tiện tại các nút giao thông nhằm ngăn ngừa tai nạn hoặc sự hỗn loạn của các dòng giao thông qua nút. Chúng cũng được sử dụng để điều tiết lưu lượng giao thông trên các tuyến kết nối với các nút giao thông. Thời gian qua, hệ thống đèn xanh, đèn đỏ ở Đà Lạt sau những lần tiếp thu ý kiến và điều chỉnh, lắp đặt thêm 1 số trụ đèn ở một số điểm trở nên hợp lý và khoa học, đã phát huy được ưu điểm của nó. Dù cho vẫn còn một số ý kiến trái chiều, nhưng trên hết, phải khẳng định rằng, đèn tín hiệu giao thông đã giúp giao thông ở thành phố Đà Lạt trở nên khoa học và đỡ ùn tắc hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng nảy sinh một số vấn đề người dân mong muốn được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, kiểm tra điều chỉnh để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân vào mọi thời điểm.
 
Đơn cử, tại bùng binh Kim Cúc cũ, sau khi cơ quan chức năng tháo bỏ bùng binh lắp đặt đèn tín hiệu giao thông phân làn, phân luồng và điều tiết giao thông, đặc biệt, gần đây đã lắp đặt thêm các trụ đèn tín hiệu phụ ở phía đường nhánh: đường 3 Tháng 4 rẽ qua Trần Hưng Đạo và trước đoạn giao đường Trần Hưng Đạo vào Hồ Tùng Mậu, đường 3 Tháng 4 và Trần Phú thì việc điều tiết, phân luồng giao thông ở khu vực này đã khá hợp lý. Tuy nhiên, một số người dân thường xuyên phải đi qua lại khu vực này vào tối khuya nêu ý kiến, vào ban đêm, hệ thống đèn tín hiệu giao thông ngắt khá sớm mà nút giao thông này có rất nhiều ngã rẽ băng qua nên đã gây ra tình trạng khá hỗn loạn, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần hay ngày lễ. Mỗi khi tắt đèn tín hiệu giao thông, do phương tiện giao thông còn khá đông nên các phương tiện chạy không theo trật tự, không biết phải rẽ phía trong, rẽ ngoài, nhường xe bên trái hay nhường xe bên phải nên đã giành nhau khá nguy hiểm. Một số người đề xuất nên chăng giữ đèn tín hiệu giao thông tại các khu vực ngã 5, ngã 6 muộn hơn hoặc có thể kẻ thêm các đường sơn mềm điều chỉnh hướng, phân luồng ở giữa ngã 5, ngã 6 để người dân có thể theo hướng dẫn ấy khi hệ thống tín hiệu tắt vì ở khu vực này ko còn bùng binh.
 
Ngoài ra, hiện nay còn tình trạng một số người tham gia giao thông nhưng ý thức còn kém. Vẫn còn tình trạng cố tình phóng nhanh vượt đèn đỏ rất nguy hiểm, cần lực lượng chức năng xử lý nghiêm để răn đe. Một số người khi dừng đèn đỏ không đứng đúng làn, lấn vào làn ưu tiên rẽ phải khiến cho một số phương tiện lẽ ra được tiếp tục lưu thông nhưng bị chặn lại... 
 
Từ các vấn đề đã nêu, người tham gia giao thông mong muốn các cơ quan chức năng cần lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp để rà soát, điều chỉnh những bất cập về đèn tín hiệu giao thông tại một số nút giao. Cơ quan chức năng cần khảo sát, có thêm sự tính toán, điều chỉnh tín hiệu giao thông phù hợp với sự biến động do nhu cầu giao thông tại từng nút giao vào từng thời điểm. Cùng với đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý hạ tầng giao thông là Sở Giao thông vận tải và lực lượng Cảnh sát giao thông có nhiệm vụ thực thi, cưỡng chế, xử phạt những hành vi vi phạm an toàn giao thông.   
 
  NGUYÊN THI