Đẩy mạnh hoạt động khám, chữa bệnh từ xa

06:05, 09/05/2022
Theo kế hoạch triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025 có tổng kinh phí gần 29 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2021 - 2022 hơn 11,6 tỷ đồng và giai đoạn 2023 - 2025 hơn 17,3 tỷ đồng. Sở Y tế Lâm Đồng vừa chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trong ngành đẩy mạnh thực hiện hoạt động khám, chữa bệnh từ xa kết hợp chỉ đạo tuyến. 
 
Khai trương hệ thống chỉ đạo tuyến và hội chẩn từ xa, khám, chữa bệnh từ xa của ngành Y tế Lâm Đồng  tại đầu cầu Sở Y tế tỉnh
Khai trương hệ thống chỉ đạo tuyến và hội chẩn từ xa, khám, chữa bệnh từ xa của ngành Y tế Lâm Đồng tại đầu cầu Sở Y tế tỉnh
 
Ngày 23/5/2021, Sở Y tế tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025. Để công tác “Khám, chữa bệnh từ xa” cũng như công tác chỉ đạo tuyến đi vào nền nếp, thực hiện có hiệu quả, Sở Y tế tỉnh yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 của đơn vị sát với tình hình thực tế và thống nhất giữa các đơn vị y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện.
 
Các cơ sở khám chữa bệnh trong ngành Y tế tỉnh đăng ký tham gia Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2021 - 2025 gồm 16 đơn vị; trong đó, có 5 bệnh viện tuyến tỉnh và 11 Trung tâm Y tế huyện, thành phố (không có Trung tâm Y tế Bảo Lộc). Các bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ và hỗ trợ chuyên môn cho các Trung tâm Y tế tuyến huyện theo nhiệm vụ được giao, đồng thời, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật và tham gia Đề án Bệnh viện vệ tinh với một số bệnh viện tuyến Trung ương. 
 
Việc triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh toàn tuyến, hướng tới sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế, giúp người dân tại bất cứ đâu đều có cơ hội tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao nhất của tuyến trên ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh khám, chữa bệnh từ xa mang đến cơ hội tiếp cận chuyên môn cao hơn cho nhân viên y tế tại các cơ sở y tế tuyến dưới, được trực tiếp học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia tại các bệnh viện tuyến Trung ương trên cả nước, từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở và từng cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới. Chính vì vậy, việc xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” trong bối cảnh toàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và cả nước đang hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia số năm 2030 là việc làm rất cần thiết và cấp bách. 
 
Mục tiêu của Đề án đảm bảo cho mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng, chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân. 
 
Đến năm 2023, phấn đấu 100% các đơn vị tham gia Đề án thiết lập được phòng hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. Đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 4 đơn vị triển khai được phòng mổ thông minh trong hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; 100% các đơn vị tuyến huyện tham gia Đề án với ít nhất một bệnh viện tuyến Trung ương; 100% các đơn vị tham gia Đề án triển khai được trên 50% các hoạt động chính của Đề án. 
 
Các hoạt động chính trong khám, chữa bệnh từ xa bao gồm: Tư vấn y tế từ xa, thành lập và duy trì bộ phận khám, chữa bệnh từ xa tại bệnh viện; tư vấn sức khỏe từ xa, từ bác sỹ đến người dân. Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa: từ bệnh viện tuyến trên và bệnh viện tuyến dưới tới trung tâm y tế, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế tuyến xã. Hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa: Giải pháp chẩn đoán hình ảnh từ xa hiện được các nhà cung cấp triển khai ở một địa điểm để gửi hình ảnh chụp của người bệnh cho một chuyên gia chẩn đoán hình ảnh tại một địa điểm khác và nhận được lời khuyên nhanh nhất về tình trạng người bệnh. Hội chẩn tư vấn huyết học, truyền máu, vi sinh, hóa sinh, miễn dịch, giải phẫu bệnh: Giải pháp hội chẩn xét nghiệm, giải phẫu bệnh từ xa cho phép các bác sỹ và chuyên gia trao đổi, chia sẻ kết quả, tình trạng bệnh lý... để phục vụ chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu và đào tạo. Hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa: Giải pháp phẫu thuật từ xa có thể sử dụng công nghệ mới như robot và trang bị hệ thống các phòng mổ thông minh, tích hợp theo dõi thông tin của các thiết bị trên thiết bị đầu cuối thông minh điều hành cuộc phẫu thuật... 
 
Lộ trình thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2022: Tư vấn từ xa, thành lập và duy trì bộ phận tư vấn và khám, chữa bệnh từ xa tại các đơn vị. Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. Truyền thông cho người dân, khuyến khích sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa. Sử dụng các ứng dụng trên thiết bị điện tử cầm tay thông minh trong một số dịch vụ y tế. Xây dựng hướng dẫn hoạt động khám, chữa bệnh từ xa. Giai đoạn 2023 - 2025 duy trì các hoạt động của giai đoạn 2021 - 2022 và tiếp tục triển khai các hoạt động còn lại. 
 
AN NHIÊN