Hạ tầng giao thông vận tải Lâm Đồng sau 20 năm

06:08, 03/08/2022
Sau 35 năm đổi mới, và đặc biệt trong thời gian 20 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng Tây Nguyên; hệ thống giao thông của tỉnh Lâm Đồng đã có rất nhiều đổi thay và thật sự đã “lột xác” so với giai đoạn trước đó, cả về đường bộ lẫn hàng không. 
 
Quốc Lộ 27, nối Lâm Đồng với Đắk Lắk
Quốc Lộ 27, nối Lâm Đồng với Đắk Lắk
 
•  HỆ THỐNG ĐƯỜNG BỘ LIÊN TỤC PHÁT TRIỂN
 
Ngay từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế đất nước theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng chủ trương phải ưu tiên đầu tư phát triển để giao thông vận tải đi trước một bước, tạo tiền đề và thúc đẩy kinh tế phát triển. Lâm Đồng là tỉnh miền núi Tây Nguyên, xuất phát điểm thấp và gặp rất nhiều khó khăn về giao thông do đặc thù về địa hình. Bên cạnh đó, tỉnh cũng gặp những khó khăn về ngân sách đầu tư cho hạ tầng giao thông. Nhưng suốt 20 năm qua, tỉnh vẫn xác định ưu tiên và tập trung nguồn lực cho công tác phát triển hạ tầng giao thông, tập trung mạnh vào việc duy tu bảo dưỡng hệ thống đường bộ để đảm bảo an toàn giao thông và triển khai xây dựng một số công trình cấp bách, quan trọng và tranh thủ sự quan tâm của Trung ương để đầu tư phát triển, mở rộng nâng cấp các tuyến giao thông liên tỉnh. Vì vậy, về giao thông đối ngoại, 20 năm qua, rất nhiều công trình, dự án các tuyến quốc lộ huyết mạch chạy qua địa bàn tỉnh đã được đầu tư, nâng cấp như tuyến Quốc lộ 20 kết nối với tỉnh Đồng Nai, tuyến Quốc lộ 27C kết nối với tỉnh Khánh Hòa... Hiện nay, tỉnh đang dồn sức và lực tiếp tục thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư đường cao tốc đoạn Dầu Giây - Liên Khương , nâng cấp mở rộng các tuyến Quốc lộ 28B dài 69 km, đoạn đèo Mimosa... 
 
Đối với hệ thống giao thông đối nội, suốt giai đoạn qua, tỉnh tập trung huy động các nguồn vốn ngân sách Trung ương, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn ngân sách địa phương để đầu tư nâng cấp mở rộng hàng ngàn km đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị và nhiều công trình giao thông quan trọng khác. Toàn tỉnh hiện đã xây dựng được 7.480 km đường huyện, xã và đường giao thông nông thôn (trong đó khoảng 6.313 km được cứng hóa đạt tỉ lệ 84%, kinh phí đầu tư khoảng 5.862 tỷ đồng); có 111/111 xã có đường giao thông đến trung tâm xã, đạt tỷ lệ 100%; 111/111 xã đạt tiêu chí giao thông trong bộ tiêu chí nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100%. Tỉnh cũng đã ưu tiên triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường nội thị tại các địa phương, quan tâm đầu tư hệ thống đường vành đại đô thị, đường tránh đô thị để đảm bảo việc mở rộng không gian đô thị, vừa thực hiện giải pháp chống ùn tắc trong khu vực đô thị, vừa phục vụ phát triển kinh tế xã hội cho kỳ quy hoạch. Đối với các tuyến đường giao thông chính trong đô thị, tỷ lệ nhựa hóa đạt 88%, mật độ đường giao thông so với đất xây dựng đô thị đạt từ 7-10 km/km2. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 990 tuyến đường giao thông đô thị với tổng chiều dài khoảng 1.141 km, trong đó có 79 tuyến giao thông trục chính với tổng chiều dài 250,04 km.
 
Không chỉ quan tâm đến phát triển hạ tầng giao thông, trong thời gian qua tỉnh còn tranh thủ kêu gọi đầu tư, xây dựng rất nhiều bến xe, trạm dừng xe, nhà chờ xe buýt đạt chuẩn. Đến nay, đã có 12 bến xe khách, 2 trạm dừng xe và 20 nhà chờ xe buýt được đầu tư xây dựng, sản lượng vận tải tăng bình quân trên 11% năm, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng từ đó cũng được nâng lên rõ rệt, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân.
 
•  SÂN BAY LỚN NHẤT TÂY NGUYÊN
 
Song hành với đường bộ, có thể thấy rằng, ngành Hàng không cũng có bước phát triển đột phá về cả quy mô và chất lượng dịch vụ, đáp ứng kịp thời sự bùng nổ của nhu cầu vận tải hàng không trên địa bàn tỉnh. Sự thay đổi ấy bắt đầu từ cột mốc ngày 2/9/2003 khởi công Dự án Cải tạo mở rộng, nâng cấp đường HCC, đường lăn, sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Liên Khương do Cụm cảng hàng không miền Nam làm chủ đầu tư trở thành một sự kiện trọng đại, to lớn được Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đặc biệt quan tâm. Từ một sân bay nhỏ bé, Liên khương vụt lớn mạnh, phát triển thành một sân bay đẹp cả về kiến trúc lẫn đường bay.
 
Và sau môt số lần nâng cấp tiếp theo, đến nay, sân bay Liên Khương đã trở thành sân bay đẹp và lớn nhất vùng Tây Nguyên. Và Cảng hàng không Liên Khương hiện đã mở mới các đường bay kết nối đến nhiều tỉnh trong nước và quốc tế. Hiện đang khai thác 9 tuyến bay nội địa và 2 tuyến bay quốc tế thường lệ và một số chuyến bay quốc tế phục vụ du lịch (Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Campuchia...) với sự tham gia của các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Pacific Airlines, Bamboo Airways, Thai Vieijel, Korean Air, Qingdao Airlines, Air Asia... Tần suất khai thác tại Sân bay Liên Khương trung bình khoảng 28 - 30 chuyến/ngày, cao điểm vào mùa du lịch có thể tăng lên trên 50 chuyến/ngày; vận tải hành khách tăng bình quân 30%/năm, vận tải hàng hóa tăng 32%/năm. 
 
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu và chứng kiến sự "lột xác" ngoạn mục, hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ của tỉnh hiện vẫn còn là điểm nghẽn đối với nhu cầu phát triển để tiến tới mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá mà Lâm Đồng đặt ra trong giai đoạn tới. Trong đó, phải thừa nhận là hệ thống đường bộ cao tốc còn thiếu, các tuyến cao tốc quan trọng hiện mới bước đầu hình thành về mặt văn bản mà vẫn chưa được triển khai. Hệ thống giao thông hiện hữu cũng chưa có điều kiện duy tu, bảo dưỡng như mong muốn, một số cung đường bị quá tải chưa thể nâng cấp và sửa chữa kịp thời, làm hạn chế năng lực khai thác do nguồn vốn ngân sách phân bổ cho hạ tầng giao thông hạn chế so với nhu cầu phát triển của tỉnh, trong khi đó, việc kêu gọi đầu tư xã hội hoá lĩnh vực giao thông ở tỉnh miền núi đặc thù như Lâm Đồng lại gặp rất nhiều khó khăn so với các tỉnh, thành khác. 
 
NGUYỄN NGHĨA