Đưa nước sạch về buôn

05:10, 13/10/2022
Với sự đồng hành của Câu lạc bộ Hiểu và Thương (TP Hồ Chí Minh), hơn 6 năm qua, Hội Chữ thập đỏ huyện Đơn Dương đã khơi thông nguồn nước mát chảy về với các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa trên địa bàn. Thông qua Mô hình “Giọt nước nghĩa tình”, nhiều công trình nước sạch đã được xây dựng giúp bà con yên tâm sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. 
 
Nước sạch đã về thôn Kalkill
Nước sạch đã về thôn Kalkill
 
Nhá nhem tối, trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả nơi nương rẫy, ông Tou Prong Dam Paul rảo bước lại phía vòi nước sạch, vừa lấy tay hứng dòng nước mát rửa mặt, vừa kể chuyện. Thôn Kalkill, thị trấn D’ran, là một trong hai thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Với gần 800 nhân khẩu, cuộc sống của bà con nơi đây gắn liền với nương rẫy, nên còn nhiều khó khăn. “Trước đây, thôn không có hệ thống dẫn nước sạch đến từng nhà, muốn có nước sử dụng bà con phải đi rất xa để lấy, mùa mưa nước đục, mùa nắng ống dẫn thường xuyên bị nghẽn cát; người dân phải thay phiên đi 5 đến 6 km đường rừng núi để sửa chữa”, ông Dam Paul nói. Vì vậy, kể từ ngày Hội Chữ thập đỏ huyện và câu lạc bộ về thôn hỗ trợ xây dựng bể chứa, lắp đường dẫn nước đến từng hộ dân, sự vất vả, nỗi lo thiếu nước bà con nơi đây cũng không còn nữa. 
 
Kalkill là thôn đầu tiên được Hội Chữ thập đỏ huyện Đơn Dương triển khai Mô hình “Giọt nước nghĩa tình” - một trong những hoạt động “cho cần câu, giảm cho con cá” nhằm tạo những chuyển biến về kinh tế, xã hội bền vững, lâu dài, nâng cao chất lượng của các hoạt động thiện nguyện trên địa bàn. 
 
Cung cấp nguồn nước sinh hoạt sạch cho bà con và học sinh, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu giúp nâng cao đời sống kinh tế hộ gia đình qua đó, giúp bảo vệ sức khỏe người dân là những mục tiêu chính mà mô hình này hướng đến. “Để Mô hình “Giọt nước nghĩa tình” đi vào thực tế và hiệu quả, Hội xác định phải có kế hoạch rõ ràng, chi tiết, khả thi; nắm rõ những khó khăn của bà con vùng triển khai để có cơ sở thuyết phục nhà tài trợ. Đặc biệt, phải thu hút sự tham gia, đóng góp tích cực của người dân”, ông Thiều Cường - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đơn Dương, nhấn mạnh. 
 
Vì vậy, trong quá trình thí điểm mô hình tại thôn Kalkill, các cán bộ của Hội đã trực tiếp xuống khảo sát địa hình, trao đổi với người dân về khó khăn và nhu cầu nguồn nước của từng hộ gia đình cụ thể; làm việc với chính quyền địa phương về địa điểm và phương án triển khai; lập kế hoạch chi tiết, đánh giá khả thi của dự án. Nhờ đó, Hội đã thuyết phục Câu lạc bộ Hiểu và Thương chuyển đổi 200 suất quà sang nguồn tiền mặt 75 triệu đồng mua xi măng, sắt, thép, ống dẫn... để lắp đặt hệ thống nước sạch cho thôn. Để tránh tâm lý ỷ lại và nâng cao ý thức, trách nhiệm sử dụng công trình hiệu quả, Hội huy động người dân trực tiếp đóng góp ngày công, đào đất, thi công bể chứa, lắp đặt ống dẫn... Công trình gồm có hệ thống ống dẫn gần 4 km, từ nguồn nước ở độ cao 1.000 m, về bể chứa hơn 30 m 3, đủ để cung cấp các hộ dân của thôn kể cả ngày nắng hạn. Tuy nhiên, để bà con thuận tiện sử dụng, Hội tiếp tục vận động các mạnh thường quân hỗ trợ thêm kinh phí cho dân dẫn nước về từng hộ gia đình.
 
“Từ những thành công bước đầu của mô hình tại thôn Kalkill và sự nhiệt thành ủng hộ của Câu lạc bộ Hiểu và Thương - do bà Thanh Ngà làm Chủ nhiệm, chúng tôi mạnh dạn đặt tên Mô hình là “Giọt nước nghĩa tình” và mở rộng phạm vi triển khai trên toàn huyện, tập trung vào các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các trường học. Nhờ đó, đến nay, toàn huyện đã có 8 công trình nước sạch được triển khai thành công, ngoài thôn Kalkill, còn có phân trường Bockabang (Tiểu học Kambutte, xã Tu Tra), phân trường thôn Tân Hiên (Tiểu học Lạc Xuân, xã Lạc Xuân), phân trường thôn Ma Đanh (Tiểu học R’Lơm, xã Tu Tra)...”, ông Cường cho biết.
 
Hơn 6 năm triển khai Mô hình “Giọt nước nghĩa tình”, các công trình không chỉ giúp bà con có nguồn nước sạch để sử dụng, yên tâm lao động, sản xuất, hạn chế các bệnh liên quan đến nguồn nước mà còn khẳng định tính hiệu quả của các chương trình thiện nguyện do Hội Chữ thập đỏ huyện và câu lạc bộ phối hợp triển khai. “Thông qua cách làm này, Hội đã phát huy được nội lực của người dân, góp phần vào Phong trào “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” xây dựng các công trình thiết thực, vừa tạo được lợi ích lâu dài và mang lại giá trị bền vững. Đặc biệt, ý nghĩa thực tiễn của nó đã được lan tỏa, từ năm 2018 đến nay mô hình đã được Hội bạn ở các huyện, thành, tỉnh khác học tập và nhân rộng”, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đơn Dương chia sẻ.
 
NHẬT QUỲNH