Hình thành thói quen tiêu dùng văn minh từ hóa đơn điện tử

07:11, 16/11/2022
Với mục tiêu xây dựng thói quen tiêu dùng văn minh, mua bán hàng hóa phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, Chương trình “Hóa đơn may mắn” khuyến khích việc sử dụng hóa đơn điện tử theo Luật Quản lý thuế, từ đó, vừa đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, vừa giám sát việc hạch toán doanh thu của các doanh nghiệp và góp phần hiện đại hóa, số hóa quản lý thuế của ngành Thuế.
 
Chương trình bấm số lựa chọn “Hóa đơn may mắn” do Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng tổ chức
Chương trình bấm số lựa chọn “Hóa đơn may mắn” do Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng tổ chức
 
Tạo thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng
 
Hiện nay, 100% người nộp thuế trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT). Lượng HĐĐT đã phát hành chủ yếu xuất cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hoặc cá nhân có nhu cầu hạch toán và cung cấp chứng từ thanh toán. Trên thực tế, đa số người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng cá nhân thường không phải hạch toán chi phí, nên không có thói quen lấy và lưu giữ hóa đơn. Chính vì vậy, Chương trình “Hóa đơn may mắn” trúng thưởng nhằm tạo ra cơ chế để khuyến khích người tiêu dùng hình thành thói quen tiêu dùng văn minh, đó là mua hàng hóa và lấy hóa đơn. Với việc mua hàng lấy và lưu giữ HĐĐT sẽ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng khi có cơ hội trúng những giải thưởng giá trị.
 
Việc tổ chức Chương trình “Hóa đơn may mắn” với HĐĐT là một cấu phần quan trọng trong đề án lớn nhằm tập trung cơ sở dữ liệu lớn (Big data) về HĐĐT đưa về cơ quan thuế để phục vụ cho công tác quản lý thuế. Mục tiêu lớn nhất của HĐĐT là kiểm soát chi phí và chống gian lận về hóa đơn thuế. Đây cũng là yếu tố quan trọng để người tiêu dùng thực hiện quyền giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp và người bán hàng.
 
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó Trưởng Phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng phân tích: Việc lựa chọn hóa đơn may mắn được Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng chọn ngẫu nhiên, thực hiện trên phần mềm hóa đơn may mắn dưới sự chứng kiến của Hội đồng Giám sát, do đó đảm bảo khách quan, minh bạch, công bằng. Đồng thời, trên cơ sở dữ liệu HĐĐT có mã của cơ quan thuế nhằm khuyến khích người tiêu dùng có thói quen lấy HĐĐT khi mua hàng hóa, dịch vụ, cũng như xây dựng tiêu dùng văn minh, mua bán hàng hóa phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, qua đó bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng.
 
Vừa qua, Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng đã rà soát, tổng hợp dữ liệu HĐĐT cơ bản đáp ứng yêu cầu được sử dụng bấm số lựa chọn “Hóa đơn may mắn” là 32.378 HĐĐT trong quý II/2022 và 59.586 HĐĐT quý III/2022. Chương trình “Hóa đơn may mắn” do Cục Thuế tỉnh thực hiện theo nguyên tắc lựa chọn ngẫu nhiên các số hóa đơn tham gia dự thưởng hợp lệ do Cục Thuế quản lý trên hệ thống HĐĐT tập trung của ngành Thuế.
 
Việc tổ chức Chương trình “Hóa đơn may mắn” trước mắt dành cho HĐĐT có mã của cơ quan thuế. Đây là yêu cầu cơ bản nhằm tăng cường công tác quản lý và tăng trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc quản lý, sử dụng dữ liệu HĐĐT, đồng thời hướng đến mục tiêu khuyến khích người tiêu dùng sau khi thanh toán chi phí mua hàng hóa, hoặc sử dụng các dịch vụ… sẽ yêu cầu người bán hàng thực hiện việc phát hành hóa đơn cho gói hàng hóa, dịch vụ mà mình đã mua hoặc sử dụng.
 
Tiếp tục triển khai phần mềm HĐĐT 
 
Thực tế, thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt, không thanh toán qua ngân hàng, người mua hàng không lấy hóa đơn khiến cho việc quản lý doanh thu của người bán là rất khó khăn. Việc người mua không lấy hóa đơn không những tạo điều kiện cho người bán lợi dụng trốn thuế mà còn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến người mua hàng khi xảy ra tranh chấp, hậu mãi, chứng minh tiêu dùng hợp pháp. Chính vì vậy, Chương trình “Hóa đơn may mắn” là một giải pháp rất hay để thúc đẩy người tiêu dùng lấy hoá đơn hiện nay.
 
Thói quen mua hàng hóa, dịch vụ phải lấy hóa đơn, chứng từ hợp pháp là hình thức tiêu dùng văn minh, không những tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu, giao dịch của toàn xã hội, mà còn mang lại lợi ích cho chính người tiêu dùng khi quyền lợi được pháp luật bảo vệ trong giao dịch thương mại, như bảo hành sản phẩm, dịch vụ hậu mãi, tranh chấp, khiếu kiện về chất lượng hàng hóa.
 
Bà Nguyễn Thị Tuyết Ánh - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng cho biết trong thời gian tới, ngành Thuế tiếp tục triển khai phần mềm HĐĐT đáp ứng các chính sách mới về HĐĐT, mở rộng xây dựng hệ thống cổng kết nối tiếp nhận dữ liệu HĐĐT được khởi tạo từ máy tính tiền; xây dựng kho cơ sở dữ liệu về HĐĐT và triển khai các giải pháp, công cụ phân tích, tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý rủi ro về thuế.
 
Đồng thời, ngành Thuế xây dựng và triển khai hệ thống quản lý thuế tích hợp, tập trung đáp ứng tái thiết kế quy trình nghiệp vụ trên nền tảng kiến trúc hiện đại, ứng dụng công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối và dữ liệu lớn... phát triển và cung cấp các dịch vụ thuế số cho người nộp thuế, qua đó tăng trải nghiệm cho người dân và doanh nghiệp.
 
DIỄM THƯƠNG