Phụ nữ Lâm Đồng đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

TUẤN HƯƠNG 05:45, 23/03/2023

Trong đợt lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa qua, bằng trách nhiệm của mình, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Lâm Đồng đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng; qua đó, phát huy trí tuệ của các tầng lớp phụ nữ trên địa bàn tỉnh cũng như thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ trong lĩnh vực đất đai. 

Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các tầng lớp phụ nữ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các tầng lớp phụ nữ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Ngay khi có kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã ban hành công văn triển khai trong các cấp Hội về việc tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp phụ nữ đối với dự thảo Luật này. Các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong hội viên, phụ nữ và Nhân dân toàn tỉnh nghiên cứu, góp ý các nội dung của dự thảo Luật. Bằng nhiều hình thức khác nhau, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức trên 90 cuộc lấy ý kiến góp ý, trong đó có 632 lượt ý kiến của hội viên, phụ nữ tham gia góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). 

Tại huyện Di Linh, Hội LHPN huyện và các xã, thị trấn đã tổ chức 20 hội nghị lấy ý kiến với trên 400 đại biểu tham dự. Qua đó có 48 lượt ý kiến của các tầng lớp phụ nữ góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bà Ka Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Di Linh cho hay: “Trong những ý kiến đóng góp thì hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện có nhiều góp ý nhất vào khoản 2 Điều 89 về việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Theo đó, có 19 đại biểu có ý kiến bồi thường chỗ ở đảm bảo bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, cần làm rõ bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ là như thế nào? Nên quy định rõ về diện tích, về vị trí địa lí, về điều kiện phát triển… Đồng thời, góp ý đối với những nơi người dân bị thu hồi đất, cơ quan quản lý nhà nước phải nghiên cứu phương án việc làm phi nông nghiệp, dạy nghề tạo việc làm cho người dân có công việc ổn định…”.

Hội LHPN huyện Đức Trọng đã tổ chức 1 hội nghị cấp huyện và 5 hội nghị cấp xã, 21 hội nghị tại chi hội, tổ dân phố và có 126 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân. Bên cạnh các vấn đề trọng tâm được gợi ý thì hội viên, phụ nữ huyện Đức Trọng còn góp ý sâu vào các nội dung do Hội LHPN Việt Nam chủ trì. Theo bà Đặng Thị Hiệp - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đức Trọng, các ý kiến của hội viên, phụ nữ huyện góp ý về trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất, cần sửa khoản 4 Điều 143 dự thảo Luật “... Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì phải thực hiện thủ tục cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người”, đề nghị Chính phủ xây dựng lộ trình, nghiên cứu quy định trình tự, thủ tục cấp đổi, có chính sách miễn phí cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người phụ nữ...

Theo tổng hợp của Hội LHPN tỉnh, các ý kiến đóng góp cơ bản thống nhất về chủ trương sửa đổi Luật Đất đai, trong đó nhiều ý kiến đóng góp chung quan điểm cho rằng về cơ sở chính trị, pháp lý, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về quản lý đất đai, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài các nội dung góp ý tập trung vào 9 vấn đề trọng tâm như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Phát triển quỹ đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất... thì một số ý kiến góp ý sâu vào 2 nội dung trọng tâm do Hội LHPN Việt Nam chủ trì, gồm: Trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất; Về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất, nhất là việc lồng ghép giới vào dự thảo của Luật. 

“Việc tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp phụ nữ và Nhân dân của các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh được tiến hành đúng quy định pháp luật, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Bằng nhiều hình thức thích hợp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp phụ nữ và Nhân dân tham gia góp ý. Các ý kiến đóng góp được tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu để phản ánh kịp thời trong quá trình tham gia góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các cấp Hội LHPN trong tỉnh. Qua đó, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân nói chung và hội viên, phụ nữ nói riêng, tạo sự đồng thuận trong việc hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng cho biết.