Làng trà Long Tỉnh

02:11, 18/11/2010

Làng trà Long Tỉnh - gọi là “làng” nhưng bây giờ địa danh này đã trở thành một khu du lịch gắn với sản xuất và cung cấp sản phẩm trà nổi tiếng của Trung Quốc.

Làng trà Long Tỉnh - gọi là “làng” nhưng bây giờ địa danh này đã trở thành một khu du lịch gắn với sản xuất và cung cấp sản phẩm trà nổi tiếng của Trung Quốc.
Các sản phẩm trà Long Tỉnh.
Các sản phẩm trà Long Tỉnh.
Thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang) là thành phố du lịch nổi tiếng của Trung Quốc. Nếu như cô Lưu Thục Phấn – hướng dẫn viên Công ty Du lịch quốc tế Trung Quốc, cho hay rằng hàng năm thành phố Hàng Châu đón khoảng 20 triệu lượt du khách, thì tôi cũng có thể suy diễn là hàng năm làng trà Long Tỉnh cũng đón chừng ấy lượt khách du lịch. Và theo cách nói vui của dân dã, tôi cũng có thể suy diễn thêm là “Ai chưa đến làng trà Long Tỉnh thì coi như chưa đến thành phố Hàng Châu” vậy!
         
Dịp ấy là vào giữa tháng tư, tiết trời ở Hàng Châu se lạnh. Chiếc xe bus tiếp tục đưa chúng tôi đi về hướng một vùng thôn quê. Khi xe “chui” qua đường hầm 1,5 cây số, đến con đường khá dốc và quanh co, ẩn hiện trong mù sương của mưa xuân là mênh mông những nương chè bao quanh đồi núi theo hình bậc thang. Đã ngoài 5 giờ chiều rồi mà tôi vẫn thấy nhiều tốp nông dân đeo gùi, mang áo mưa với chiếc mũ rộng vành đang nâng niu hái từng đọt trà như những đàn ong đang chăm chỉ lấy mật. Phấn chỉ tay và giới thiệu: “Ở đây có 4 mùa, nhưng làm trà chỉ có 3 mùa thôi. Còn vào mùa đông họ thường nghỉ ngơi! Hiện đang là mùa xuân - mùa chính của cây chè và là mùa cho búp chè ngon nhất. Làng trà Long Tĩnh này được Nhà nước đầu tư phát triển gắn với du lịch. Nông dân chỉ cần siêng năng, cần mẫn lao động thì có cuộc sống dư giả. Vì ở đây họ có mức thu nhập cao nhất ở làng quê Trung Quốc hiện giờ!”.
           
Rất ưu thế là ở làng trà Long Tỉnh được thiên nhiên “ban tặng” một vùng đất và khí hậu phù hợp với cây trà. Nhờ thế mà không chỉ năng suất mà còn cho chất lượng sản phẩm trà ngon nhất ở Trung Quốc. Chăm chú nhìn vườn trà ở làng trà Long Tỉnh, tôi bất chợt nghĩ về vùng trà quê mình. Ở đây, đất đai có độ dốc cao, việc canh tác không thuận lợi bằng vùng trà B’Lao nói riêng và Lâm Đồng nói chung. Đồi trà Long Tỉnh có những nơi gần như dốc đứng. Thế mà không biết từ bao giờ, sức người ở đây đã hình thành những nương chè xanh bậc thang được chắn bằng đá cuội, không tô trát xi măng. Cây trà ở đây được trồng, chăm sóc, phát triển xanh tốt, mật độ rất đồng đều, trông thật đẹp mắt.  
         
Làng trà Long Tỉnh có nét rất riêng không giống như các thành phố và làng quê khác ở Trung Quốc. Dần vào khu trung tâm làng trà Long Tỉnh, hai bên đường là những mái nhà cổ, những biệt thự ở giữa nương trà. Những dãy nhà san sát nhau là những quán trà phục vụ du khách dừng chân. Với lượng khách rất đông, xe nối xe, thế mà những quán trà, những nhà hàng, khách sạn lúc nào cũng đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch. Ngoài sản phẩm trà nổi tiếng, ở làng trà Long Tỉnh còn có các món ăn đặc sản để lại ấn tượng cho du khách, là món thịt Tô Đông Pha, thịt vịt, v.v…
          
Vào đến khu trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm trà Long Tỉnh, du khách được tiếp đón ân cần, lịch sự. Ở đây có đủ các loại trà; các loại kẹo, mứt, bánh và các sản phẩm chế biến từ trà. Mỗi đoàn du khách đến tham quan, mua sắm đều được đón tiếp trong từng gian phòng ấm cúng. Đoàn chúng tôi ai nấy đều “bị” cuốn hút, chăm chú lắng nghe nhân viên tiếp thị giới thiệu khá tỷ mỉ các sản phẩm trà Long Tỉnh. Cô không chỉ nói về tính năng và công dụng tốt của trà, mà còn hướng dẫn cách pha chế và thưởng thức trà. “Cũng như các loại trà khác, trà Long Tỉnh là loại thức uống tốt cho đời sống và sức khoẻ của con người. Nó cung cấp nhiều chất bổ dưỡng, giải độc, làm sạch bao tử, lưu thông khí huyết, ngừa cao huyết áp, ngừa bệnh ung thư, chống lão hoá… Đăc biệt, uống trà Long Tỉnh không bị mất ngủ như một số loại trà khác!...” – Nhân viên tiếp thị vừa giới thiệu, quảng cáo sản phẩm vừa trình diễn, giải thích qua từng công đoạn pha chế trà trong một chiếc ly thuỷ tinh.  
         
Trà Long Tỉnh được thu hái và chế biến một cách công phu. Người làm công việc này không dùng bất kỳ một dụng cụ nào khác ngoài đôi tay của họ. Việc hái đọt trà chỉ bằng tay và công việc sao chế trà cũng bằng tay. Nhiệt độ sao chế chỉ ở mức dưới 80o C để giữ được hương vị và chất bổ dưỡng của trà. Từ trên dưới 80 ngàn đọt trà tươi mới sao chế được một kg trà Long Tỉnh thành phẩm. Xuất phát từ chất lượng và giá trị sử dụng của nó, trà Long Tỉnh được vua Khang Hy thời Mãn Thanh phong là “hoàng trà”(trà của hoàng đế). Từ xưa tới nay, trà Long Tỉnh là thức uống cao cấp, làm quà tặng trong giới thượng lưu và nó được coi là quốc trà của Trung Quốc. Trà Long Tỉnh gồm nhiều loại: Tây Hồ Long Tỉnh, Long Tỉnh trước Thanh Minh, Tứ Phương Long Tỉnh, Mai Gia Ô Long Tỉnh, Bạch Long Tỉnh và Tiền Đường Long Tỉnh. Tây Hồ (tỉnh Chiết Giang) là vùng thích hợp nhất cho cây trà đăc thù này tồn tại và phát triển. Bởi thế, trà Long Tỉnh có giá cả rất cao, từ 3.500 đến 6.000 nhân dân tệ/ 1 kg.
         
Tương truyền kể lại rằng, vua Càn Long đã từng ghé thăm vườn trà ở đây. Vua rất tâm đắc hương vị độc đáo của trà. Bất chợt khi nhìn giếng nước, vua thấy lung linh hình bóng cây trà tựa rồng bay. Vua nảy sinh ý tưởng và đăt cho nó cái tên rất thân thiện là Long Tỉnh Trà (“long tỉnh”: rồng bay trong giếng). Và tên “Làng trà Long Tỉnh” được xuất phát từ đây.
         
Bùi Trưởng