Mối đam mê với những biệt thự cổ ở Đà Lạt

10:11, 06/11/2010

Hoa Violet Ngày Thứ Tư là tên của một truyện ngắn kể về tình yêu lãng mạn, cũng là tên gọi của một quán cà phê nằm trong khu biệt thự Cadasa.

Là người dành nhiều tâm huyết cho việc giảng dạy Toán và Tin học ứng dụng, nhà giáo Nguyễn Thế Hùng đã sáng lập Trung tâm Tin học Giáo dục CADASA năm 1988, một trong những nơi đào tạo Tin học ứng dụng đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh. CADASA đã giảng dạy, phổ cập tin học cho hàng chục ngàn người, bao gồm đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, công nhân viên chức ở TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Trung, ngoài ra liên kết với nhiều trường đại học lớn trong và ngoài nước để đào tạo từ cao đẳng đến sau đại học.

Ông cũng là tác giả của nhiều bộ sách Toán và Tin học ứng dụng. Thế mà gần đây, người ta lại thấy tên tuổi ông gắn liền với những ngôi biệt thự cổ của Đà Lạt. Thì ra ông đang dồn hết sức lực để làm sống lại những vẻ đẹp cổ kính, mong giữ lại một di sản kiến trúc, văn hóa và còn đặt vào đó nhiều hoài bão lớn khác. Chúng tôi đã có dịp trò chuyện với ông trong một biệt thự cổ Đà Lạt, cạnh lò sưởi đang cháy rực.

Dường như ông đã phải trải qua một cuộc đấu giá rất cam go để giành được quyền thuê cụm biệt thự cổ ở Đà Lạt?

Đầu tháng 10/2005, tôi đọc được tin trên báo về cuộc đấu giá thuê 50 năm cụm biệt thự cổ, gồm 13 biệt thự trên đường Trần Hưng Đạo - Đà Lạt do Sở Tài chính Lâm Đồng tổ chức. Điều kiện đấu giá rất khắc nghiệt. Theo đó, nhà đầu tư phải gửi lên một dự án tiền khả thi, trình bày rõ về mục tiêu sử dụng, nguồn vốn đầu tư và còn phải ký quỹ một số tiền mặt lớn, không được phép bảo lãnh của ngân hàng. Sau khi đấu giá thắng, được phê duyệt đấu thầu, nhà đầu tư phải trả tiền thuê biệt thự ngay cho năm năm một lần và dù có phải mất thời gian trùng tu vài ba năm thì Nhà nước cũng không trừ tiền thuê trong suốt thời gian ấy. Ban tổ chức đấu giá nói rằng họ phải đưa ra những điều kiện khắc nghiệt như vậy là để loại khỏi vòng chiến ngay từ đầu những nhà đầu tư không có mục tiêu rõ ràng, thiếu ý chí và quyết tâm.

Thoạt tiên, tôi đã có chút e ngại về sự rõ ràng, minh bạch của cuộc đấu giá và đã đặt vấn đề với ban tổ chức, nhưng họ đã nói ngay rằng cuộc đấu giá này sẽ hết sức công bằng và trong sáng. Phiên đấu giá diễn ra vào buổi sáng thứ Hai, ngày 7/11/2005. Từ TP.Hồ Chí Minh, tôi khởi hành ngày thứ Bảy và đến Đà Lạt vào lúc 6 giờ chiều, khi trời đã chạng vạng tối, nhưng vẫn được người hướng dẫn nhiệt tình đưa đi xem cụm biệt thự. Ngắm dáng vẻ hoang tàn đổ nát của những ngôi nhà cổ ấy, tôi vẫn thấy hàm chứa một tiềm năng rất lớn. Một tâm trạng tràn đầy háo hức đã thôi thúc tôi bước vào cuộc đấu giá.

Và cuộc đấu giá diễn tiến ra sao thưa ông?

Tham gia đấu giá hôm ấy có rất nhiều doanh nghiệp, có cả những “đại gia” như Tập đoàn Indochina Capital (I.C.). Cuộc đấu giá đã diễn ra sôi nổi, căng thẳng và cuối cùng chỉ còn lại CADASA và I.C. Đến hiệp thứ 17 thì I.C. bỏ cuộc và CADASA đã chiến thắng. Sau khi kết thúc buổi đấu giá, vị đại diện I.C. nói với tôi là với giá tiền thuê cao như vậy và nhất là phải đầu tư một số tiền rất lớn để trùng tu một cụm biệt thự đổ nát thì không thể kinh doanh có lời được. Họ nghĩ rằng chúng tôi đang nhắm một mục đích khác hơn. Quả thật tôi muốn giữ lại những ngôi biệt thự ấy vì mình là người Việt, không thể để một di sản kiến trúc cổ, mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử ấy lọt vào tay người nước ngoài một lần nữa. Tôi nghĩ đó cũng là trách nhiệm của người trí thức đối với đất nước.

Ông đã tiến hành việc trùng tu những ngôi biệt thự ra sao khi phần lớn đã đổ nát đến 70-80% ?

Chúng tôi bắt đầu việc trùng tu vào đầu tháng 4/2006. Trước đó, CADASA đã thành lập một hội đồng cố vấn gồm những kiến trúc sư nổi tiếng trong và ngoài nước. Chúng tôi cũng đã tham khảo ý kiến của các nhà quy hoạch, nghiên cứu và một số kiến trúc sư Pháp chuyên về biệt thự cổ. Mất đến chín tháng, chúng tôi mới hoàn thiện được phương án trùng tu phù hợp. Tiêu chí được đặt ra là phải kết hợp được một cách hài hòa ba đặc trưng: tính chất cổ kính và phong cách kiến trúc của Pháp đầu thế kỷ XX, tính hoang dã của núi đồi và tính đồng quê Việt Nam. Việc trùng tu dự định sẽ hoàn tất trong vòng hai năm, nhưng đã kéo dài đến bốn năm vì gần như là phải xây dựng lại từ đầu. Hầu hết các biệt thự đã hư nát quá nhiều, chỉ còn lại khung nhà bên ngoài, tất cả các cửa ra vào và cửa sổ đều bị mục, một số đã bị tháo dỡ. Các sàn nhà, mái ngói đều đã bị hư hại, dột nát, phần lớn rui mè cũng bị mục, các xà gồ ở một số căn còn bị cưa trộm…

Những con đường nhỏ lát đá nối các biệt thự lại với nhau.
Những con đường nhỏ lát đá nối các biệt thự lại với nhau.
Kiến trúc nhà riêng thời xưa mỗi tầng chỉ có một toilet, tiện nghi cũng hạn chế. Để biến chúng thành một khu nghỉ dưỡng, phần nội thất phải được cấu trúc lại hoàn toàn, mỗi biệt thự phải được thiết kế lại sao cho có nhiều phòng ngủ, có nơi sinh hoạt chung, có bếp riêng nhưng vẫn phù hợp với dáng vẻ bên ngoài, tất nhiên phải xây dựng mới toàn bộ các hầm vệ sinh và hạ tầng điện nước theo cấu trúc mới. Trước đây, vì chỉ là nhà ở của các quan lại nên mỗi nhà đều có hàng rào ngăn cách riêng. Để tạo thành một quần thể, những hàng rào ngăn cách đã được phá bỏ xây hệ thống đường nội bộ, thiết kế lại sân vườn, kiến tạo những đồi cỏ. Tóm lại là phải làm lại đến 90%, chỉ giữ lại được cái vỏ bên ngoài. Thật tình, khi tiếp nhận cụm biệt thự này chúng tôi không lường hết được mức hư hại của nó đến như vậy. Hơn nữa, chúng tôi lại rất cầu toàn. Tất cả các vật tư, trang thiết bị đều phải đạt tiêu chuẩn cao về thẩm mỹ và chất lượng, phù hợp với biệt thự cổ. Chúng tôi đã phải ra Vinh, Nghệ An để tìm mua các loại gỗ quý như giáng hương, căm xe (nguồn gỗ từ Lào), mời các chuyên gia trang trí nội thất từ châu Âu về lập xưởng ngay tại công trường để đóng các đồ nội thất theo phong cách cổ điển. Có những mẫu gạch cổ ngoài thị trường không còn sản xuất, chúng tôi phải đặt nhà máy sản xuất riêng, có loại chỉ từ 500 đến 1.000 viên nên giá rất đắt. Vấn đề không chỉ là làm mới lại diện mạo của nó, mà chính là làm sao cho sống lại cái hồn vốn có của nó.

Ông đã nói đến việc sử dụng khu biệt thự cổ này như một cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ kinh doanh trên lĩnh vực văn hoá, giáo dục?

Đúng là điều tôi nhắm đến không chỉ là khai thác cụm biệt thự này đơn thuần là nơi cho thuê phòng theo kiểu khách sạn, mà phải là một nơi kinh doanh gắn liền với các hoạt động mang tính văn hóa. Trên thực tế, nhân dịp khánh thành cụm biệt thự và Festival hoa Đà Lạt, CADASA đã kết hợp với Hội Sử học Việt Nam tổ chức cuộc triển lãm chuyên đề về Hà Nội xưa và Đà Lạt xưa gồm những hình ảnh xưa của thủ đô Hà Nội và thành phố cao nguyên Đà Lạt trong thời Pháp thuộc. Trong dịp đó, chúng tôi đã triển lãm tác phẩm của họa sĩ Việt kiều nổi tiếng Lê Bá Đảng cùng một số họa sĩ, nhiếp ảnh gia Đà Lạt. Mới đây, nhân kỷ niệm ngày giải phóng Đà Lạt (3-4-1975) và ngày thống nhất đất nước, CADASA cũng đã hợp tác với Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Hải Âu tổ chức một triển lãm ảnh nghệ thuật đen trắng về đất nước và con người Việt Nam.

nét kiến trúc độc đáo cổ xưa vẫn được giữ lại trong cụm biệt thự này.
nét kiến trúc độc đáo cổ xưa vẫn được giữ lại trong cụm biệt thự này.
Chúng tôi còn phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng tổ chức một đêm thơ Nguyễn Duy tại cụm biệt thự này, bên những giàn hoa, trong ánh lửa bập bùng của củi thông thơm ngát. Kế hoạch của chúng tôi là sẽ vận hành cụm biệt thự này như một trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp, đồng thời là một trung tâm hội thảo quốc tế, thường xuyên tổ chức những sinh hoạt mang tính học thuật, những hội thảo chuyên đề theo nhiều lĩnh vực như công nghệ sinh học ứng dụng vào việc cải tạo giống hoa, giống cây trồng, cây năng lượng, phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên và chú trọng vào du lịch, giáo dục… Tôi mong mỏi nơi đây sẽ là nơi hội tụ của các nhà khoa học, nhà kinh tế lớn, các chính khách, nhà quản lý… Những ý tưởng quý giá từ những cuộc hội thảo sẽ giúp cho Đà Lạt phát triển, phù hợp với thời đại công nghệ tri thức và nền kinh tế tri thức. Thực ra, tôi vẫn đang ấp ủ sẽ xây dựng tại Đà Lạt một viện nghiên cứu tư nhân và một trung tâm đào tạo sau đại học đạt tầm quốc tế.

Quy mô của Dalat CADASA Resort hiện nay như thế nào?

Khu nghỉ dưỡng có tất cả 13 ngôi biệt thự cổ tọa lạc trên diện tích sáu hecta dọc theo đường Trần Hưng Đạo, bắt đầu từ số 14. Các biệt thự này do người Pháp xây dựng từ những năm đầu thập niên 1930. Riêng ngôi biệt thự số 22 trước đây là dinh của Thống sứ Nam Kỳ, còn biệt thự số 26 là nơi ở của cựu Thủ tướng Trần Trọng Kim thời vua Bảo Đại. Dalat CADASA Resort hiện có tất cả 65 phòng. Giá khởi đầu là 1.100.000đồng (tương đương 60USD/phòng/khách/ngày đêm). Chúng tôi có một hầm rượu được thiết kế toàn bằng gỗ thông theo phong cách Tây Ban Nha, có thể chứa được 30 khách và một nhà hàng với 200 chỗ ngồi. Hầu hết các biệt thự đều có hai sảnh lớn với sức chứa 50-100 người, tiện cho việc hội họp, hội thảo, sinh hoạt nội bộ nếu các công ty đưa nhân viên lên đây nghỉ dưỡng.

Suốt bốn năm trùng tu cụm biệt thự cổ này ông cũng đã nhận được nhiều ý kiến khác biệt?

Quả là đã có rất nhiều ý kiến khác nhau nhưng nhìn chung, mọi người đều nhận ra được vẻ đẹp và tráng lệ của cụm biệt thự sau khi hồi sinh. Ông Michel Ricart - Thị trưởng thành phố Lognes (Pháp) cùng phu nhân và các thành viên trong đoàn đã ghé thăm nơi đây vào ngày 31/10/2009 và đã bày tỏ niềm vui khi thấy cụm biệt thự cổ đã được trùng tu và giữ được nguyên bản sắc của kiến trúc Pháp vào đầu thế kỷ XX. Nhiều du khách nước ngoài khác như ông Kato, cựu Thị trưởng thành phố Toyota (Nhật Bản), ông bà William Smith - chuyên gia Quỹ Ford Foundation Đông Nam Á… cũng đã đến đây, ở lại cụm biệt thự này và đều bày tỏ rằng họ cảm thấy rất thú vị.

Một trong nhiều ngôi biệt thự của khu resort Cadasa.
Một trong nhiều ngôi biệt thự của khu resort Cadasa.
Đặc biệt, trong những ngày tổ chức lễ khánh thành và trong tuần lễ Festival hoa Đà Lạt, khi cụm biệt thự mở rộng cửa cho mọi người vào tham quan, nhiều người dân Đà lạt lớn tuổi đã đến gặp tôi và nói những lời cảm kích về việc thấy cụm biệt thự đã được trùng tu. Tôi không bao giờ quên một bác lớn tuổi, mái đầu bạc trắng đã nói: “Thay mặt cho những người công dân sống lâu năm ở Đà Lạt, tôi xin cám ơn thầy. Mấy ngày nay chúng tôi sung sướng lắm. Thầy biết không, tôi đau lòng vô cùng khi thấy cụm biệt thự này bị hoang tàn đổ nát trong suốt mười mấy năm, bây giờ nó đã được sống lại và rất đẹp”. Lúc đó, thực sự tôi không kìm được xúc động, tôi càng thấy thấm thía, sâu nặng hơn những lời mình đã phát biểu trong dịp lễ khánh thành cụm biệt thự: “Xin trả lại cho nhân dân những gì của nhân dân”. Với tôi, cũng có nghĩa là xin trả lại cho Đà Lạt những gì của Đà Lạt.

Không phải là dân Đà Lạt, vậy điều gì đã khiến ông thiết tha và bỏ nhiều công sức cho mảnh đất này đến thế?

Tôi sinh ra và lớn lên tại miền quê nghèo Quảng Ngãi, nơi có nhiều ngọn núi, nhiều dòng sông và nhiều vùng biển đẹp, đặc biệt có núi Thiên Ấn và sông Trà Khúc rất trữ tình. Khi lớn lên, tôi vẫn không bao giờ quên những gì mà thiên nhiên Quảng Ngãi đã khắc sâu vào tâm hồn tôi từ thuở thơ ấu. Năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, tôi được gặp lại người cha thân yêu. Cha tôi đi tập kết, để tôi lại miền Nam lúc tôi mới tròn hai tuổi. Từ TP. Hồ Chí Minh, hai cha con tôi lên Đà Lạt thăm cô Sáu, em ruột của cha tôi, người đã phải rời Quảng Ngãi lên Đà Lạt lập nghiệp. Cô tôi suốt một đời lam lũ, sống bằng nghề làm vườn, trồng hoa và cũng là một cơ sở cách mạng. Lần đầu tiên, tôi được gặp người cô ruột thân yêu cũng là lần đầu tiên tôi được thấy một thành phố Đà Lạt thơ mộng, nhà cửa, đồi núi, rừng thông chập chùng quyện vào nhau, đẹp như trong truyện cổ tích. Không ngờ tình thương dành cho người cô hiền hậu, mộc mạc nhưng kiên cường và những kỷ niệm về người cha kính yêu lại biến thành tình yêu Đà Lạt thắm đượm trong tôi sau này. Về sau, khi đã là cán bộ giảng dạy đại học, tôi có dịp lên Đà Lạt giảng dạy và công tác nhiều lần nên tình yêu Đà Lạt trong tôi càng mạnh mẽ hơn.

Còn riêng đối với cụm biệt thự cổ này?

Tôi luôn có cảm giác ngỡ ngàng trước vẻ đẹp quý phái, sang trọng của những ngôi biệt thự nằm trong một cánh rừng, nhất là nơi đây đã từng là nơi cư ngụ của các quan chức thời vua Bảo Đại, của những chính khách nổi tiếng trước 1975, của các giáo sư trường Lycée Yersin và sau này các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng đã từng nghỉ ở đó. Được thư giãn, nghỉ ngơi trong khung cảnh này là điều đáng mơ ước. Chúng tôi có nghe về một quán cà phê - sách có tên gọi là Hoa Violet Ngày Thứ Tư…À, đó là tên gọi của một quán cà phê trong resort của chúng tôi. Hoa Violet Ngày Thứ Tư chính là tên của một truyện ngắn của nhà văn Pháp nổi tiếng André Maurois, một chuyện tình lãng mạn giữa người lính André và cô ca sĩ xinh đẹp Jennie. Hoa Violet Ngày Thứ Tư chính là tượng trưng cho lòng thủy chung, cho những giá trị thiêng liêng, cao cả của tình yêu. Muốn xem chi tiết câu chuyện này, các bạn có thể vào địa chỉ: http://www.cadasa.edu.vn/

Người ta nói rằng ông đang chịu nhiều áp lực về tài chánh khi đặt ra những mục tiêu quá cao cho khu biệt thự này?

Đúng là chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, thời điểm trùng tu cũng là thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và trong nước, khiến giá nhân công và vật tư tăng cao, việc huy động vốn từ các cổ đông trở nên khó khăn hơn. Một dự án lớn như thế này mà không vay được vốn ngân hàng, lại không thể thu hồi vốn trong một thời gian ngắn được. Chúng tôi phải đẩy mạnh nhiều hoạt động khác ở Sài Gòn để bù lỗ và nuôi sống nó trong vài năm đầu. Tôi thường nhận được những đề nghị của một số cá nhân và doanh nghiệp xin chuyển lại cơ ngơi này cho họ, trong đó có cả một tập đoàn của Pháp. Nhưng tôi sợ nhất là người ta không giữ đúng định hướng của CADASA. Tôi nghĩ mãi mãi cụm biệt thự này phải thể hiện được những tinh hoa của Đà Lạt. Đó là một thành phố của tri thức, văn hóa cao và hiền hòa nhân hậu như thiên nhiên đã ban tặng cho.

Xin ông nói về đầu ra của Dalat CADASA Resort. Ông đã chuẩn bị ký kết những hợp đồng nào trong giai đoạn sắp tới?

Chúng tôi đã được Hiệp hội Du lịch Quốc tế (RCI) khảo sát và đồng ý kết nạp như một thành viên chính thức. Từ đây chúng tôi có thể bán timeshare các kỳ nghỉ cho du khách trong nước và quốc tế. Chúng tôi cũng đã bàn bạc với một số công ty du lịch của Nhật. Họ sẽ đưa những người Nhật đã nghỉ hưu đến biệt thự của chúng tôi ở vài tháng mỗi năm để trốn mùa Đông lạnh giá ở Nhật. Chúng tôi cũng hy vọng qua việc gặp gỡ nhiều cá nhân, nhiều tổ chức quốc tế tại Dalat CADASA Resort, CADASA sẽ là đơn vị làm cầu nối góp phần làm cho Đà Lạt phát triển. Chị có biết slogan của chúng tôi là gì không? DALAT CADASA RESORT - nơi nối kết QUÁ KHỨ - HIỆN TẠI và TƯƠNG LAI.
***

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Hùng mỉm cười hiền hậu, đúng kiểu một thầy giáo. Thật không khỏi thú vị khi nhìn ra được trái tim hết sức mơ mộng phía sau con người cao lớn, có mái tóc bạc xù ra quanh đầu rất mạnh mẽ ấy!
 
DNSG Cuối tuần