“Cửa ngõ” Đồng Tháp Mười mùa nước nổi

08:11, 07/11/2011

(LĐ online) - Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, về Long An, chúng tôi rất háo hức khi được đồng nghiệp Báo Long An đưa đoàn đi thăm bưng biền Đồng Tháp Mười đang mùa nước nổi.

(LĐ online) - Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, về Long An, chúng tôi rất háo hức khi được đồng nghiệp Báo Long An đưa đoàn đi thăm bưng biền Đồng Tháp Mười đang mùa nước nổi.
 
Thị trấn Thạnh Hoá ngày càng phát triển
Thị trấn Thạnh Hoá ngày càng phát triển


 Bưng biền Đồng Tháp Mười trải rộng trên địa phận ba tỉnh: Long An, Đồng Tháp và An Giang. Huyện Thạnh Hoá của tỉnh Long An được mệnh danh là “cửa ngõ” Đồng Tháp Mười.

Rời thị xã, nhà cửa hai bên quốc lộ 62 mới được hoàn thành vào năm 2006 dài gần 100 km chạy tới cửa khẩu quốc tế giáp Cămphuchia, nước lên lênh láng sân nhà chừng 20 – 30 cm, những khoảng đồng mênh mang nước vỗ.

Trên đường đến thị trấn huyện Thạnh Hoá, đồng nghiệp Báo Long An cho hay: Nguyên hàng triệu năm trước là biển nên vùng cửa ngõ Đồng Tháp Mười hiện có ba mùa nước trong năm. Đó là mùa nước nổi, nước phèn và nước mặn. Năm 2000, Thạnh Hoá gặp mùa nước nổi lớn nhất, nước ngập 95% diện tích, nước dâng cao hơn mặt đồng 2 m. Từ năm 2003 đến nay, không bị nước nổi; năm nay nước nổi dâng giảm khoảng 35 cm so với năm 2000 và do những năm qua nhân dân chủ  trọng đầu tư tôn cao nền nhà nên chỉ có chừng 50% nhà ngập ở mức độ 20 – 30 cm.

Xuống tàu lướt trên kênh đào Kinh Dương Vương rồi rẽ ra cánh đồng trắng băng, thấp thoáng những rừng tràm ngập nước… Khoát tay về đôi căn nhà tạm, xuồng cập giữa nhà, bạn tôi giải thích đó là những căn hộ di cư tự do hoặc nhà tạm coi đồng thôi, chứ phần lớn dân trong vùng nước nổi đều có nhà cửa ổn định và khả năng chống lũ cao.

Trở về, Huyện uỷ Thạnh Hoá, biết chúng tôi là những người làm báo trên Tây Nguyên, Bí thư Huyện uỷ Đỗ Dũng niềm nở cho biết: Các anh chị đã có khái niệm về Đồng Tháp Mười rồi nhưng lùi lại 20 năm trước, khi thành lập huyện chúng tôi ở trong tình trạng “nhiều không” lắm: không đường, không điện, không chợ… Năm 2000, nước nổi khiến từ trụ sở huyện muốn ra lộ hay đi đâu cũng hoàn toàn bằng xuồng. Hồi đó, là Chủ tịch huyện nên tôi chạy đôn chạy đáo như “chuột chạy lửa” đến các xã cùng với địa phương khắc phục hậu quả “lũ xấu”. Nói “lũ xấu” thì phải có “lũ đẹp”, như năm nay chẳng hạn, đồng ruộng đang được “ngâm lũ” rửa phèn và bồi lắng phù sa… Dịp cuối năm, đoàn quay lại thì màu xanh của lúa trải bát ngát đúng nghĩa lời bài hát “Hương tràm”: “ bầu trời thì cao mà cánh đồng thì rộng”…!

Đồng nghiệp Báo Long An “bật mí”: Bí thư là cây “đờn ca tài tử” có hạng đó nghen, từng ghi đĩa đấy!

Tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện huyện Thạnh Hoá có nhiều thứ lắm rồi: Từ chỉ nhà tranh mái lá, nay có đường ô tô tới 90% số xã (huyện có 10 xã, 1 thị trấn), 100% dân sử dụng nước hợp vệ sinh, có trên 200 nhà lầu từ 3 tấm trở lên, có 18.000 ha ruộng (lúa hè thu 2 vụ chiếm 12.000 ha), có trường học, có điện, có cả cụm công nghiệp, bình quân thu nhập người dân 15,2 triệu đồng / năm… Một bước chuyển mình lớn lao tạo nền tảng cho những năm tiếp theo.

Điều đáng nói trong sản xuất nông nghiệp của vùng “cửa ngõ” Đồng Tháp Mười là: những năm gần đây với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, toàn huyện Thạnh Hoá đã đắp được hệ thống đê bảo lĩnh (chân 4,5 m, mặt 2,5 m) đồng thời là đường giao thông nội bộ bao trên 11.000 ha ruộng. Ít ngày nữa nước rút, nông dân sẽ huy động máy bơm hút nước ra ngoài đồng để chủ động vụ xạ lúa đông xuân.

Chia tay “cửa ngõ” Đồng Tháp Mười, chúng tôi cùng lạc quan với ý chí của những người dân “sống chung với lũ”, luôn chủ động vượt lên sự hà khắc của tự nhiên để làm giàu từ những mùa nước nổi.

2.jpg

3.jpg
   
4.jpg
5.jpg
6.jpg
Quang cảnh mùa nước nổi
                                
Bí thư Huyện uỷ Thạnh Hoá (bên trái) trao đổi tình hình trên 20 năm phát triển của vùng nước nổi
Bí thư Huyện uỷ Thạnh Hoá (bên trái) trao đổi tình hình trên 20 năm phát triển của vùng nước nổi
Sau chuyến khảo sát vùng nước nổi
Sau chuyến khảo sát vùng nước nổi
Nguyễn Thanh