Du lịch Đạ Huoai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

05:05, 29/05/2013

Mới đây, UBND huyện Đạ Huoai đã đề ra kế hoạch “Triển khai Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn huyện Đạ Huoai”...

Mới đây, UBND huyện Đạ Huoai đã đề ra kế hoạch “Triển khai Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn huyện Đạ Huoai”. Một trong những quan điểm của địa phương trong thực hiện chiến lược này là “Phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hoá gắn với bảo vệ và phát triển rừng, nâng cấp cảnh quan thiên nhiên, môi trường du lịch, nâng cao trình độ dân trí, nâng cao vị thế du lịch Đạ Huoai – Lâm Đồng đối với cả nước cũng như quốc tế…”.

Dệt thổ cẩm - nghề truyền thống của đồng bào DTTS ở Lâm Đồng cần được phát huy để tăng tính hấp dẫn của ngành du lịch. Ảnh: N.M
Dệt thổ cẩm - nghề truyền thống của đồng bào DTTS ở Lâm Đồng cần được phát huy để tăng tính hấp dẫn của ngành du lịch. Ảnh: N.M


VỊ THẾ CỬA NGÕ

Với vị trí địa lý nằm giáp với tỉnh Đồng Nai trên quốc lộ 20 và là nơi “rẽ ngang” để đi vào thánh địa Cát Tiên, đồng thời là điểm dừng chân trước khi vượt đèo Bảo Lộc để đến với một trong những trung tâm du lịch của Lâm Đồng (Bảo Lộc) nên Đạ Huoai được xem là vùng đất “cửa ngõ” của tỉnh Lâm Đồng có những lợi thế nhất định để phát triển du lịch. Những năm gần đây, tuy chưa thực sự được biết đến như một địa phương có nền công nghiệp không khói phát triển cao nhưng Đạ Huoai vẫn là một trong những vùng đất được nhắc đến với những tiềm năng du lịch chưa được khai thác hết. Đến thời điểm hiện tại, Đạ Huoai thu hút được 10 dự án du lịch với tổng vốn đăng ký khoảng 1.230 tỷ đồng nhưng chỉ mới có không đến 5 dự án được triển khai với nguồn vốn hơn 28% (khoảng 350 tỷ đồng). Không chỉ với 10 dự án đã thu hút được mà Đạ Huoai vẫn còn đủ khả năng để tiếp nhận nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng đến triển khai các dự án đầu tư trên lĩnh vực du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái.
 
Bởi những lý do trên nên trong chiến lược phát triển du lịch, Đạ Huoai đã mạnh dạn đưa ra mục tiêu phấn đấu cho từng giai đoạn là: Vào năm 2015 thu hút được 300.000 lượt du khách; trong đó, khách quốc tế chiếm 20.000 lượt. Tổng doanh thu từ ngành du lịch Đạ Huoai năm 2015 sẽ đạt khoảng 50 tỷ đồng; trong đó, nguồn thu từ khách nội địa chiếm 40 tỷ đồng. Đến năm 2020, con số lượt khách đến Đạ Huoai sẽ tăng gấp đôi (600.000 lượt) so với năm 2015 và mức tăng bình quân trong 5 năm này (2015 – 2020) từ 13% đến 14%/năm; trong đó, khách quốc tế chiếm khoảng 8%; thời gian lưu trú bình quân của du khách là 2,3 ngày. Về doanh thu từ du lịch, Đạ Huoai dự kiến vào năm 2020 sẽ đạt được con số 64,2 tỷ đồng; đồng thời sẽ có khoảng 800 lao động địa phương được thu hút vào làm việc trên các lĩnh vực của ngành du lịch. Đặc biệt, cũng theo chiến lược phát triển vừa được đưa ra này, giai đoạn 10 năm tiếp theo (2020 – 2030) được xem là giai đoạn quyết định “số phận” của du lịch Đạ Huoai: Đến 2030 đón hơn 1 triệu lượt du khách, bình quân mỗi năm tăng từ 19% - 20%; trong đó, khách quốc tế chiếm tỷ lệ trên 10%; thời gian lưu trú bình quân của du khách là 3,5 ngày; thu nhập xã hội từ du lịch đạt 100 tỷ đồng, thu hút khoảng 1.200 lao động vào làm việc trong ngành du lịch.

KHÓ KHĂN CÒN NHIỀU

Để chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được triển khai một cách suôn sẻ và mang lại hiệu quả cao về mọi mặt, một trong những vấn đề đặt ra cho Đạ Huoai trong thời gian tới là việc đa dạng hoá các sản phẩm du lịch. Về vấn đề này, theo UBND huyện Đạ Huoai, yếu tố cốt lõi đó là phát huy thị trường du lịch truyền thống tại chỗ hiện có cùng với việc phát triển và mở rộng thị trường mới đến các vùng lân cận để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thực tế của thị trường du lịch của địa phương. Cùng với đó là tạo thị trường liên kết, thống nhất và bổ sung cho nhau về hàng hoá và dịch vụ du lịch trong phạm vi toàn huyện nhằm đáp ứng một cách cơ bản nhu cầu của xã hội, trong đó có “địa hạt” du lịch. Đặc biệt, cùng với việc xây dựng các chương trình về văn hoá cồng chiêng, dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống, thể thao dân tộc thiểu số… để khai thác một cách bài bản thì việc xây dựng các nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm tại địa phương như trái cây Đạ Huoai, mây tre đan Madaguoil, làng nghề truyền thống… còn là việc làm không thể thiếu trong việc đa dạng hoá sản phẩm du lịch của Đạ Huoai. Với Đạ Huoai, những sản phẩm du lịch này vừa được xem là lợi thế nhưng đồng thời cũng là những khó khăn, thách thức.

Cũng trong chiến lược phát triển nói trên, trong những năm tới, Đạ Huoai sẽ chú trọng các biện pháp ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới dịch vụ du lịch theo hướng vừa “diện” và vừa “điểm” là mạng lưới đó sẽ được mở rộng đều khắp trên toàn địa bàn nhưng đồng thời cũng hình thành những “điểm nhấn” được tạo ra từ những vùng gần nhau nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu du lịch và sử dụng dịch vụ của du khách, đồng thời tạo khả năng thu nhập cao cho người dân địa phương làm du lịch. Một trong những vấn đề đáng nói nữa là Đạ Huoai sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư, tôn tạo để nâng cấp các khu và điểm du lịch, xây dựng các khu vui chơi giải trí, phát triển hệ thống cơ sở lưu trú và các công trình hạ tầng du lịch, trong đó chú trọng đặc biệt đến các điểm du lịch dọc tuyến quốc lộ 20; đảm bảo trên địa bàn huyện có nhà hàng và nhà nghỉ đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách; đồng thời, các dịch vụ du lịch phải đảm bảo vấn đề an ninh và đảm bảo về tiện nghi, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, với lợi thế của mình, Đạ Huoai cũng sẽ chú trọng đặc biệt phát triển và xây dựng các điểm du lịch vườn đồi và nhà vườn trồng cây ăn trái và cây ăn quả dọc theo quốc lộ 20 để tạo điều kiện cho du khách tham quan, nghỉ mát và thưởng thức các loại trái cây đặc sản như sầu riêng, mít tố nữ, chôm chôm… mà ít nơi nào trong tỉnh Lâm Đồng có được dạng vườn khá tập trung như Đạ Huoai.

Khắc Dũng