Vấn đề đặt ra với du lịch Cát Tiên

03:05, 26/05/2013

Ngoài Khu di chỉ khảo cổ Cát Tiên, Vườn Quốc gia Cát Tiên đã được công nhận là Di tích văn hoá - lịch sử cấp quốc gia và Khu dự trữ sinh quyển thế giới, huyện Cát Tiên còn có Hang Thoát Y, hồ Đắc Lô và Khu uỷ Khu VI… cùng các đặc trưng văn hoá của sắc dân bản địa Châu Mạ, S’tiêng là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế du lịch.

Ngoài Khu di chỉ khảo cổ Cát Tiên, Vườn Quốc gia Cát Tiên đã được công nhận là Di tích văn hoá - lịch sử cấp quốc gia và Khu dự trữ sinh quyển thế giới, huyện Cát Tiên còn có Hang Thoát Y, hồ Đắc Lô và Khu uỷ Khu VI… cùng các đặc trưng văn hoá của sắc dân bản địa Châu Mạ, S’tiêng là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế du lịch. Tuy nhiên, cho đến nay, du lịch Cát Tiên vẫn chưa phát huy được thế mạnh vốn có, kết quả hoạt động kinh doanh du lịch chưa xứng với tiềm năng.

Đền tháp 1 Cát Tiên (bên sông Đồng Nai). Ảnh: Hà Hữu Nết
Đền tháp 1 Cát Tiên (bên sông Đồng Nai). Ảnh: Hà Hữu Nết


TIỀM NĂNG VÀ CƠ HỘI

Cát Tiên là địa phương có lợi thế lớn về tiềm năng du lịch, cả du lịch văn hoá - lịch sử lẫn du lịch sinh thái, du lịch nghiên cứu, khảo cổ… Đại hội VI của Huyện Đảng bộ Cát Tiên đã xác định: Tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xã hội để đến năm 2020, kinh tế Cát Tiên sẽ chuyển sang hướng du lịch dịch vụ. Theo đó, các công tác liên quan, như: Quy hoạch sản xuất kinh doanh, chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nhân lực, vật lực… cũng được đẩy mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, cho rằng: “Về tiềm năng du lịch thì Cát Tiên có khá nhiều. Với hơn 80 km đường sông và có nhiều hệ thống thác ghềnh đẹp. Thời gian tới, dòng Đồng Nai sẽ là “con đường du lịch” của huyện Cát Tiên. Vườn Quốc gia Cát Tiên trải rộng trên địa bàn 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước và Đồng Nai, tổng diện tích 739 km2, với hệ thực vật phong phú, đa dạng, là nơi sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm cũng là một thế mạnh để khai thác du lịch. Bên cạnh đó, Hang Thoát Y có nhiều huyền bí và đã được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận là Danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Hệ thống các đảo trên hồ Đắc Lô tuy không lớn, nhưng lại rất phù hợp cho các hoạt động sinh thái. Ngoài ra, Khu uỷ Khu VI, Khu di chỉ khảo cổ Cát Tiên đang được tỉnh Lâm Đồng đầu tư xây dựng. Cùng với đó, là những hoạt động văn hoá đặc trưng của dân tộc bản địa Châu Mạ, S’Tiêng... Tổng hợp tất cả các yếu tố trên có thể giúp Cát Tiên phát triển kinh tế, xã hội, mà du lịch là một hướng đi”. Cũng theo ông Thanh, trong tương lai, khi đường cao tốc Đà Lạt - Dầu Giây và tỉnh lộ 721 nối Cát Tiên với huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) hoàn thành, sẽ giải quyết thế “ngõ cụt” cho Cát Tiên. Đó là những tiềm năng và cơ hội để Cát Tiên phát triển du lịch.

Trước câu hỏi “Tại sao giờ này Cát Tiên vẫn chưa có gì về du lịch?”, ông Nguyễn Văn Thanh cho biết: “Cái khó lớn nhất ở đây là cơ sở hạ tầng đang trong quá trình xây dựng. Việc đầu tư vào các điểm du lịch còn dàn trải, chưa có “điểm nhấn”. Hệ thống phục vụ nhà hàng, nhà nghỉ, tổ chức các hoạt động dịch vụ để thu hút khách du lịch đến với Cát Tiên còn ít và hầu như chưa có. Riêng Khu di chỉ khảo cổ Cát Tiên cũng mới khai quật được một số điểm. Công tác phục dựng, xây dựng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Công tác nghiên cứu, xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Cát Tiên còn yếu. Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch vừa thiếu, vừa yếu cũng là một trở ngại đối với việc phát triển du lịch ở huyện Cát Tiên”.

VẪN CHỈ LÀ TIỀM NĂNG

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thanh, sau Đại hội VI, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng và ban hành Kết luận 0117 về chủ trương phát triển kinh tế, xã hội huyện Cát Tiên từ nay cho đến năm 2020 và các năm tiếp theo. Theo đó, thời gian tới, Cát Tiên sẽ hướng tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội về mũi nhọn phát triển du lịch. Từ kết cấu hạ tầng; xây dựng, chỉnh trang đô thị đến chuẩn bị các điểm du lịch, giới thiệu quảng bá hình ảnh, rồi cả việc sản xuất… cũng phải tính đến hướng này. Ví dụ, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao để ngoài việc tham gia thị trường, sẽ còn tạo ra những thương hiệu, như : Lúa - Gạo Cát Tiên, Diệp hạ châu Cát Tiên... để giúp du khách biết đến Cát Tiên nhiều hơn. Về mặt văn hoá và xã hội, huyện sẽ tổ chức khảo sát để phục dựng các lễ hội tiêu biểu của những sắc dân bản địa và phục dựng lại các làng nghề truyền thống của đồng bào DTTS, để rồi tạo sức thu hút du khách đến Cát Tiên tìm hiểu. Và, cả khâu chuẩn bị nhân lực để phục vụ cũng đã được huyện Cát Tiên tính đến.
 
Tất nhiên, để những giải pháp này trở thành hiện thực, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành và người dân Cát Tiên. Nếu không, tiềm năng du lịch của Cát Tiên cũng chỉ dừng lại ở tiềm năng.

TRỊNH CHU