Nơi tìm về nguồn cội

02:07, 31/07/2014

Có một điểm chung của du khách mỗi khi đến thăm khu biệt điện Trần Lệ Xuân - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tại Đà Lạt là được nhìn lại cảnh khói lửa, đạn bom năm xưa của dân tộc ta, nhất là cảnh đồng bào miền Trung phải hứng chịu, ta mới cảm thấy trân trọng và quý giá biết bao cuộc sống thanh bình mà chúng ta đang có. 

Có một điểm chung của du khách mỗi khi đến thăm khu biệt điện Trần Lệ Xuân - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tại Đà Lạt là được nhìn lại cảnh khói lửa, đạn bom năm xưa của dân tộc ta, nhất là cảnh đồng bào miền Trung phải hứng chịu, ta mới cảm thấy trân trọng và quý giá biết bao cuộc sống thanh bình mà chúng ta đang có. Các thế hệ trẻ mai sau hãy cố gắng giữ gìn những thành quả cách mạng mà các thế hệ đi trước và đồng bào ta phải đánh đổi bằng xương máu của hàng triệu con người. 
 
Du khách thưởng lãm và khám phá nhiều bí mật của lịch sử
Du khách thưởng lãm và khám phá nhiều bí mật của lịch sử
 
Nơi bảo quản Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam
 
Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tọa lạc trên nền khu biệt điện Trần Lệ Xuân (Số 2 Yết Kiêu - Đà Lạt) là điểm đến văn hóa của du khách khi đến thành phố ngàn hoa Đà Lạt. Du khách đến đây không phải chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp một thời của quần thể kiến trúc với ba ngôi biệt thự tráng lệ, ngắm vườn hoa Nhật Bản xinh xắn với hồ nước hình bản đồ Việt Nam, thác nước mini chảy róc rách dưới tán thông reo…mà còn để được chiêm ngưỡng những giá trị mang tầm vóc lịch sử to lớn. Nơi đây là địa điểm duy nhất ở Việt Nam lưu trữ 34.618 tấm Mộc bản Triều Nguyễn với giá trị văn hóa, kỹ thuật, mỹ thuật, nhiều về số lượng, phong phú về thể loại và nội dung, là tư liệu đặc biệt quý hiếm của Việt Nam và hiếm có trên thế giới. Những giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, đặc tính và phương pháp chế tác và những quy định nghiêm ngặt của triều đình phong kiến về việc ấn hành và san khắc (độc bản) là cơ sở để UNESCO công nhận Mộc bản Triều Nguyễn là Di sản tư liệu thế giới và đưa vào chương trình “Ký ức thế giới” (năm 2009). Đây không những là niềm tự hào của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV mà còn là niềm tự hào của toàn dân tộc, bởi tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn là Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam.
 
Đặc biệt, Trung tâm đã tìm được 14 tài liệu trong khối Mộc bản Triều Nguyễn, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là những bản khắc cổ nhất được tìm thấy, rất có ý nghĩa đối với đất nước, góp phần khẳng định giá trị đặc biệt của tài liệu lưu trữ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 
 
Người đến cảm nhận “Đệ nhất trời Nam” xưa ở Đà Lạt không chỉ mộng mơ với đồi núi trập trùng trong sương và tiết trời se mát, mà còn được thưởng lãm và khám phá nhiều “bí mật” của lịch sử đang được hé lộ. Tiếng nói từ quá khứ oai hùng của dân tộc lên tiếng: Đó là Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn năm 1010, một quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long là “nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế lâu dài cho con cháu đời sau”. Là bài thơ bất hủ Nam quốc sơn hà: bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta. Rồi Hịch tướng sỹ của Trần Quốc Tuấn hay Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi...
 
Nơi tìm về nguồn cội, “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống
 
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV cho biết: “Hiện nay, mỗi năm Trung tâm đón khoảng 50.000 lượt khách tham quan đủ mọi thành phần lứa tuổi trong xã hội. Mỗi người có sự cảm nhận khác nhau nhưng đều có chung một tình cảm thân thiện và trân trọng về những giá trị lịch sử, văn hóa”. Những năm qua, để phát huy khối tư liệu quý giá, Trung tâm đã trùng tu, sửa chữa các biệt thự cũ thành khu trưng bày, giới thiệu tài liệu lưu trữ quốc gia đến đông đảo công chúng. Ngoài khối Mộc bản Triều Nguyễn, Trung tâm còn có các gian trưng bày chuyên đề Miền Trung - Tây Nguyên trong chiến tranh giải phóng dân tộc (1954-1975), chuyên đề Lâm Đồng xưa và nay. Trung tâm thực sự là một công trình lịch sử, văn hóa, góp phần vào sự giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc và lịch sử hào hùng của nhân dân ta trong quá trình giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc cho thế hệ mai sau.
 
Đại tá Trần Xuân Thống - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, Mặt trận Tây Nguyên, trong một lần đến thăm Trung tâm đã không giấu được cảm xúc của mình: “Anh em chúng tôi là những người lính được may mắn đến tham quan những tư liệu, hình ảnh đặc biệt quý hiếm còn lưu lại cho các thế hệ mai sau. Được xem lại những hình ảnh tài liệu trưng bày ở đây, chúng tôi vô cùng cảm động và tự hào về quá khứ vinh quang, hào hùng của dân tộc”. Khi tiếp xúc với chúng tôi, nhiều bạn trẻ là sinh viên, học sinh đã chia sẻ về những điều mắt thấy tai nghe. “Được tận mắt thấy hình ảnh chân thực, sống động của một thời quá khứ bi tráng, tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được sống trong hòa bình, đủ ăn, đủ mặc và được học hành tử tế. Cha ông và các thế hệ đi trước đã ngã xuống cho nền độc lập tự do của nước nhà. Thời gian có thể trôi qua nhưng những công lao to lớn của họ chúng ta không thể nào quên được” - bạn Trịnh Quốc Huy, sinh viên Trường Đại học Đà Lạt tâm sự.
 
Mang trên mình những giá trị to lớn, biến một trung tâm học thuật thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, lưu giữ ký ức, chứng tích của một thời hào hùng “đau thương mà anh dũng”. Năm tháng có thể phai mờ, nhưng chắc chắn quá khứ sẽ không bao giờ bị lãng quên và bằng tình cảm trân trọng của thế hệ mai sau, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV vẫn luôn là điểm đến yêu thích cho mọi người tìm về nguồn cội và tìm về di sản.
 
Xuân Ngọc - Thế Vinh