Dạo chơi bên dòng Đạ Dâng

05:10, 21/10/2014

Người dân bên dòng Đạ Dâng một thời "kinh tế mới" ấy nay xem ra đã trút được gánh nặng cơm áo gạo tiền thường nhật để nghĩ đến một điều lớn lao hơn: Du lịch, chính xác là "làm du lịch" để làm giàu cho gia đình, cho vùng kinh tế mới...

[links()]
LTS: Người dân bên dòng Đạ Dâng một thời “kinh tế mới” ấy nay xem ra đã trút được gánh nặng cơm áo gạo tiền thường nhật để nghĩ đến một điều lớn lao hơn: Du lịch, chính xác là “làm du lịch” để làm giàu cho gia đình, cho vùng kinh tế mới. Một khi cái ăn cái mặc không còn là chuyện phải bận tâm thì rõ ràng chuyện làm du lịch “để cho giàu hơn” nảy sinh trong lối tư duy của “con người kinh tế mới” một thời ấy âu cũng là chuyện đương nhiên. Và, đến lúc này, chuyện làm du lịch trên vùng đất kinh tế mới Lâm Hà của người dân gốc Hà Nội ở tỉnh Lâm Đồng không còn là chuyện... viễn tưởng như cách nay vài chục năm!
 
Kỳ 1: Thiên nhiên tươi đẹp - nền tảng du lịch
 
Xưa, cách nay vài chục năm, khi nói đến Lâm Hà - Vùng kinh tế mới Hà Nội ở xứ sở Nam Tây Nguyên - Lâm Đồng, trước hết phải nói đến chuyện cái ăn cái mặc. Ừ thì đúng vậy! Vượt cả hàng ngàn cây số từ thủ đô phồn hoa đến với Nam Tây Nguyên rừng thiêng nước độc với gần như chỉ tên làng tên xã là hành trang duy nhất, những con người đi khai phá ấy phải nghĩ đến chuyện làm thế nào để “no cái bụng” là chuyện đương nhiên. Lối tư duy thực tế ấy quyết định sự đầy vơi của nồi cơm gia đình của họ để tồn tại. “Một thời vất vả là thế! Nhưng phải vượt qua bằng chính mảnh đất bên dòng Đạ Dâng này và bằng chính những giọt mồ hôi oằn trên lưng một thời của những người đi khai phá” - ông Nguyễn Đức Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, đã khái quát với chúng tôi như thế. 
 
Thác Voi. Ảnh: Tư liệu
Thác Voi. Ảnh: Tư liệu
 
Đặt nền móng du lịch
 
Chúng tôi đặt câu hỏi cho Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Đức Tài: “Với dân kinh tế mới Hà Nội trên vùng đất Nam Tây Nguyên bây giờ, giọt mồ hôi “cơm áo gạo tiền” gần như không còn, họ có quyền nghĩ đến chuyện du lịch?”. Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Tài nói ngay: “Trong những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục phát triển đã tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế hộ gia đình, ổn định cuộc sống và xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, có điều kiện tiếp cận và nâng cao nhận thức về các giá trị của đời sống văn hóa mới. Đó cũng là lúc mà hoạt động du lịch nhận được sự tích cực hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân, gia đình quan tâm đầu tư kinh doanh trên lĩnh vực du lịch, tạo điều kiện tốt để ngành du lịch huyện Lâm Hà có bước phát triển cần thiết...”. Cũng theo lời Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Đức Tài thì trong những năm gần đây, công tác phát triển du lịch đã được chính quyền địa phương quan tâm một cách đúng mức; trong đó, đáng chú ý là hằng năm, huyện đã có kế hoạch và các hoạt động kêu gọi đầu tư, xúc tiến quảng bá du lịch; đặc biệt là gần đây, huyện còn tiến hành xây dựng đề án quy hoạch làng nghề truyền thống ở một số buôn làng người dân tộc thiểu số để làm nền tảng phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng. 
 
Tính cho đến lúc này, trên địa bàn huyện Lâm Hà có 11 cơ sở lưu trú du lịch với 125 phòng nghỉ và sức chứa khoảng 330 du khách. Con số này dĩ nhiên là còn quá khiêm tốn khi nói đến một nền kinh tế du lịch nhưng nó có ý nghĩa rất lớn đối với người dân vùng kinh tế mới, người dân một thời khó khăn, lam lũ như huyện Lâm Hà. Một thông tin khác mà chúng tôi thu thập được về du lịch vùng kinh tế mới Lâm Hà nghĩ cũng nên nêu ra đây: Trong ba năm qua, huyện này đã đón gần 10.000 lượt du khách, trong đó, điều đáng quan tâm là có trên 1.000 lượt du khách nước ngoài. Những con số có tính chất “báo cáo” này có thể không thật chính xác nhưng điều quan trọng là nền tảng du lịch của huyện Lâm Hà đã bắt đầu hình thành; vùng đất kinh tế mới này đã bắt đầu được du khách không chỉ trong nước mà còn có cả du khách nước ngoài biết đến.
 
Thiên nhiên tươi đẹp
 
Từ trung tâm thành phố du lịch Đà Lạt, muốn đến với Lâm Hà, du khách chỉ mất khoảng vài chục phút trên cung đường ngang qua xã Tà Nung dài chỉ chưa đến ba mươi cây số. Nói cách khác, phía đông của huyện Lâm Hà là thành phố du lịch Đà Lạt rất nổi tiếng. Điều đáng quan tâm nữa là toàn bộ ranh giới giữa Lâm Hà và huyện Di Linh là dòng sông Đạ Dâng chảy theo hướng đông nam - tây bắc. Sông Đạ Dâng - tên gọi khác của sông Đồng Nai đoạn qua huyện Lâm Hà - còn có tên gọi khác theo tiếng dân tộc thiểu số địa phương là “Đạ Đờng”, bắt nguồn từ đỉnh núi Chư Yang Kao cao 2.006m thuộc xã Đạ Long của huyện Đam Rông. Bắt nguồn từ Chư Yang Kao, sông Đạ Dâng hợp lưu với dòng suối Đạ Lien Deur ở phía tả ngạn rồi chảy vào hồ Đan Kia và hồ Suối Vàng (Đà Lạt); sau đó, vượt khỏi thác Ankroet, Đạ Dâng chảy theo hướng đông bắc - tây nam; đến phía tây núi Signere, sông Đạ Dâng uốn khúc và chuyển dòng theo hướng bắc nam, đến khu vực Đạ Đờng, sông tiếp nhận thêm dòng Cam Ly để tiếp tục trở thành ranh giới tự nhiên giữa Lâm Hà và Di Linh. Xuôi về phía nam Lâm Đồng, sông Đạ Dâng chính là dòng Đồng Nai. Thật thú vị khi một du khách nào đó làm chuyến dạo chơi giữa rừng già dọc theo dòng Đạ Dâng! 
 
Cùng với dòng Đạ Dâng, khi nhắc đến du lịch Lâm Hà, du khách nghĩ ngay đến thác Voi hùng vĩ giữa đại ngàn. Với thác Voi, chúng tôi đã có nhiều dịp đưa những người bạn ở xa đến đây mỗi khi bạn đến thăm Đà Lạt. Với bất kỳ người bạn nào, trước khi đưa họ đi thăm thú thác Voi, chúng tôi cũng đều nói với họ rằng: “Thường thì người ta phải chinh phục đỉnh thác, nhưng với riêng thác Voi ở huyện Lâm Hà thì chúng ta chinh phục chân thác. Do vậy, thác Voi có điều thú vị riêng của nó. Rồi nữa, cũng như nhiều danh thắng khác ở Lâm Đồng, thác Voi của huyện Lâm Hà còn chứa đựng trong nó một truyền thuyết đẫm nước mắt của một đôi tình nhân người dân tộc thiểu số gắn liền với một loài vật uy nghi của đại ngàn Tây Nguyên”. Nếu bạn tò mò, chúng tôi chỉ kể sơ rằng: “Ngày ấy xưa lắm rồi, trong buôn làng của bộ tộc K’Ho có một nàng con gái tên là Hơ Biang, con tù trưởng Jơi Biang đem lòng yêu đắm say chàng trai tên Lang là con trai trưởng của một tù trưởng làng bên. Giữa hai tù trưởng đó có mâu thuẫn với nhau nên mối tình của đôi trai gái không nhận được sự đồng ý của hai làng. Điều đáng nói, nếu chàng trai Lang là một dũng sĩ của núi rừng thì nàng Biang là chúa tể của muông thú, nhất là đối với những đàn voi của đại ngàn Tây Nguyên. Mối tình của đôi trai gái cuối cùng đã kết thúc bằng cách cả hai cùng gieo mình xuống một dòng thác. Lũ voi rừng hay tin nên đã lũ lượt kéo nhau đến ngọn thác mà nàng Biang quyên sinh để khóc thương. Và, đàn voi đã hóa đá! Những hòn “đá voi” ấy chính là những tảng đá hình voi ngay dưới chân thác Voi ngày nay!”. Khi đã đến với thác Voi, những người bạn của chúng tôi như mọi du khách khác đều cảm thấy hết sức thú vị khi bắt đầu từ đỉnh thác (chứ không phải như nhiều nơi khác là bắt đầu từ chân thác) lần theo 145 bậc tam cấp vòng vèo xuống đến tận chân thác để ngắm những “chú voi đá” nghĩa tình ngày đêm nằm phủ phục bên dòng nước tung bọt trắng xóa. 
 
Rời thác Voi, chúng tôi thường hay đưa bạn vào chùa Linh Ẩn ở gần đó. Tuy chỉ là một niệm Phật đường được xây dựng hồi đầu những năm 90 nhưng nhanh chóng sau đó, Linh Ẩn đã trở thành một ngôi chùa bề thế; đặc biệt, đây không những là nơi hành lễ của phật tử khắp mọi nơi mà còn là một điểm tham quan du lịch “không nằm trong quy hoạch” (vì rất gần với điểm du lịch thác Voi).
 
(Kỳ cuối: Tự phát nhưng là nền tảng)
 
Ghi chép: KHẮC DŨNG