Đô thị di sản cố đô - "chất" của du lịch Huế

09:04, 07/04/2016

Cố đô Huế được đánh giá là "một kiệt tác thơ về kiến trúc đô thị", được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam. Đây là quần thể di tích cung đình còn nguyên vẹn nhất ở Việt Nam, với đầy đủ cung điện, thành trì, đàn miếu, lăng tẩm, chùa chiền , cầu cống, bảo vật… và các di sản phi vật thể, đặc biệt là ẩm thực truyền thống Huế… tạo nên một sức hút kỳ lạ cho du khách trong và ngoài nước. 

Cố đô Huế được đánh giá là “một kiệt tác thơ về kiến trúc đô thị”, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam. Đây là quần thể di tích cung đình còn nguyên vẹn nhất ở Việt Nam, với đầy đủ cung điện, thành trì, đàn miếu, lăng tẩm, chùa chiền , cầu cống, bảo vật… và các di sản phi vật thể, đặc biệt là ẩm thực truyền thống Huế… tạo nên một sức hút kỳ lạ cho du khách trong và ngoài nước. Cùng với con người Huế tình cảm và tha thiết, Huế đang kể cho du khách những câu chuyện mới mẻ và lãng mạn trên cái nền di sản cổ kính và huyền ảo…
 
Cảnh đổi gác ở Hoàng cung Huế khiến du khách vô cùng thích thú
Cảnh đổi gác ở Hoàng cung Huế khiến du khách vô cùng thích thú
Trải nghiệm du lịch Huế 
 
Cố đô Huế là quần thể kiến trúc mang đậm triết lý phương Đông với 6 khu trong Hoàng thành hầu như còn nguyên vẹn, gồm khu tiền triều, khu nội đình, khu vực thờ tổ tiên, cung điện dành cho Thái Hậu và Hoàng Thái Hậu, kho tàng quốc gia và vườn Ngự Uyển. Hệ thống lăng tẩm của vua chúa độc đáo và đặc sắc với nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật phong thủy tuyệt vời hài hòa giữa thiên nhiên, trang nghiêm và hùng vĩ, như lăng vua Gia Long, lăng vua Minh Mạng, lăng vua Tự Đức, lăng vua Khải Định… Hệ thống bảo vật cung đình phong phú và quý giá, gồm  9 ngàn hiện vật là đồ gốm, sứ, gỗ, đồng, quý kim, vải, pháp lam, đá, xương, ngà, sừng, điêu khắc…
 
Bà Dương Thị Công Lý - Giám đốc chi nhánh Vietnamtourism - Hanoi tại Huế, thành viên Liên minh lữ hành Huế: Chia sẻ tất cả thông tin liên minh lữ hành:
Chúng tôi tham gia liên minh để khách hàng của chúng tôi được hưởng lợi nhiều hơn. Tiêu chí điều hành giá của chúng tôi bảo đảm khách hàng có được mức giá tốt nhất với chất lượng phục vụ cao nhất. Liên minh lữ hành Huế chỉ có 3 thành viên, là Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội tại Huế, Công ty Du lịch Huế (Huetourist) và Công ty cổ phần Du lịch Đại Bàng (Eagle Tourist), nhưng hoạt động rất đều tay. Chúng tôi ràng buộc nhau trong liên minh bằng trách nhiệm. Khi tham gia liên kết phát triển du lịch với Lâm Đồng, chúng tôi cũng chia sẻ tất cả thông tin về hoạt động của Liên minh lữ hành Huế với Liên minh lữ hành Đà Lạt.
 
Ông Trần Anh Hào - Giám đốc Công ty Du lịch Huế (Huetourist): Giảm 50% giá vé vào cổng cho khách Đà Lạt đến bằng đường không:
Ngay sau khi có đường bay Huế - Đà Lạt, Liên minh lữ hành (LMLH) Huế đã được thành lập. Chúng tôi đã làm việc với JestarPacific để luôn có 16 vé trong mỗi seri vé. Ban đầu chỉ có 16 vé, nhưng nay đã là 22 vé và chúng tôi đã có đủ khách cho lịch trình Huế - Đà Lạt đến tháng 8/2016. Chúng tôi cũng khuyến khích du khách từ Lâm Đồng đi du lịch Huế bằng chính sách giảm chi phí 50% giá vé vào cổng tại Trung tâm bảo tồn cố đô Huế cho các vị khách đến Huế bằng đường bay Đà Lạt - Huế. 
 
Bà Trần Thị Việt Hương - Giám đốc Ban tiếp thị - truyền thông Công ty cổ phần Du lịch Vietravel: Hoạt động du lịch Đà Lạt chuyên nghiệp nhất Tây Nguyên:
Hiện tại, lượng khách từ Đà Lạt đi du lịch đến các địa phương khác bằng đường hàng không không nhiều. Chúng tôi kỳ vọng, Đà Lạt là vùng hoạt động du lịch chuyên nghiệp nhất ở Tây Nguyên sẽ thúc đẩy mạnh hơn nữa sự kết nối với các tỉnh Tây Nguyên để đưa khách về sân bay Đà Lạt, từ đó đi đến các địa phương khác, vùng miền khác qua đường hàng không.                 TIỂU VÂN (ghi)

Nghệ thuật cung đình Huế vẫn còn được lưu giữ, với những mối quan hệ trực tiếp đến cuộc sống ngày nay, như Nhã nhạc, trà cung đình, các lễ hội trong hoàng cung, ca Huế trên sông Hương… Trong đó, Nhã nhạc cung đình được UNESCO công nhận là Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại vào năm 2003. Đây là một trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam được biểu diễn vào các dịp vua đăng quang, vua băng hà và các lễ hội tôn nghiêm khác… Tế đàn Nam Giao, Tế đàn Xã Tắc, lễ hội Truyền Lô và hàng chục lễ hội lớn nhỏ được cử hành hằng năm, là các lễ hội Cung đình có những điều lệ nghiêm ngặt mà từ vua quan đến dân chúng đều phải tuân thủ. Đặc biệt, “Đêm Hoàng Cung” là một hình thức sinh hoạt cung đình thời Nguyễn được phục dựng và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của Huế hiện nay…

Đến Huế không thể nào bỏ qua tinh hoa ẩm thực Việt Nam, đó là ẩm thực cung đình đang được tái hiện trong thực đơn của các nhà hàng, quán ăn ở Huế. Với sự tinh túy, cầu kỳ trong cả cách chế biến và trình bày, không những thế, còn nổi tiếng bởi tác dụng bồi bổ sức khỏe, điều hòa khí huyết. Các món ăn dâng lên vua chúa ngày xưa đang tạo nên sức lôi cuốn kỳ lạ với du khách… Ngoài ra, con người Huế, phong cách Huế cũng đang tạo nên ấn tượng khó phai trong lòng du khách, như bà Phan Thị Thủy - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Huế Xanh (Green Hotel Hue) giới thiệu vui về đặc điểm của “Huế chay”. Đó không chỉ là người có gốc Huế, sinh ra, lớn lên và làm việc ở Huế mà còn phải giữ những nét đặc trưng của Huế trong cuộc sống hằng ngày, như giọng nói, trang phục, giao tiếp, phong thái…
 
Tuy nhiên, du lịch Huế được nhìn nhận là tốc độ phát triển đang chững lại, chậm hơn các địa phương lân cận là Đà Nẵng và Quảng Bình, bởi sản phẩm chính chỉ là di sản nên chỉ thu hút du khách nước ngoài. Theo thống kê, năm 2015, có hơn 3,5 triệu lượt khách đến Huế, trong đó, có tới 1,3 triệu lượt khách nước ngoài. Ở mỗi công trình kiến trúc, du khách quốc tế đều chăm chú lắng nghe thuyết minh, đọc bản giới thiệu - chỉ dẫn, xem video… Và Huế cũng thực sự rất hấp dẫn du khách lần đầu đặt chân đến Huế.
 
Thách thức cho du lịch Huế
 
Ông Tưởng Hữu Lộc - Giám đốc Công ty lữ hành Tam Anh Đà Lạt, cho biết: Với tôi, Huế lúc nào cũng có sức hút rất lớn. Dù đã đến Huế nhiều lần, nhưng những đối tác và người bạn Huế luôn cho tôi những cảm nhận mới. Du lịch Huế cũng nên thay đổi để tránh sự nhàm chán với du khách quay trở lại. Chỉ cần thay đổi một chút trên cái nền di sản ấy. Ví dụ, thay vì những người soát vé mặc đồng phục công ty thì hãy mặc đồ lính gác cung đình. Chúng tôi đã chứng kiến sự phấn khích, kinh ngạc của du khách khi nhìn thấy cảnh đổi gác trong hoàng cung. Hay việc khai thác sâu hơn cho những câu chuyện lịch sử đối với các vị khách khác nhau...
 
Nhận thức vấn đề của du lịch Huế, các nhà quản lý đã thực hiện nhiều chương trình liên kết, tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến, quảng bá. Tại hội nghị giới thiệu du lịch Huế và Festival Huế 2016 vừa được tổ chức mới đây, đại diện nhiều hãng du lịch, lữ hành, vận chuyển lớn ở hai miền đất nước đều tham dự, thẳng thắn phân tích những yếu điểm của hiện trạng du lịch Huế và chân thành đóng góp những ý kiến để du lịch Huế phát triển tốt hơn, xứng đáng với tiềm năng sẵn có và xứng tầm là đô thị di sản, thành phố Festival của Việt Nam…
 
Trong đó, Lâm Đồng cũng là một trong những đối tác phát triển du lịch của Huế. Kể từ khi đường bay Huế - Đà Lạt được chính thức khai thông trở lại, bằng máy bay Airbus A320 của Hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA) với sức chở 180 hành khách và tần suất 3 chuyến/tuần đã liên tục kín chỗ ở cả hai chiều. Ngay sau đó, ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng đã có chương trình ký kết hợp tác kết nối du lịch với cụm 3 tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Trong vòng 3 tháng đầu năm 2016, 2 đoàn famtrip từ Đà Lạt - Lâm Đồng được mời đến Huế và có chương trình hợp tác giữa Liên minh lữ hành (LMLH) Huế với LMLH Đà Lạt… kết nối con đường từ “Vương quốc” hoa đến “Kinh đô” di sản…
 
Lạc vào cõi thiền!
Lạc vào cõi thiền!
Đường bay Đà Lạt - Huế cũng được chính quyền tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận có hiệu suất sử dụng rất cao, bởi dân cư Đà Lạt - Lâm Đồng có quê gốc ở Huế và các tỉnh miền Trung nhiều. Hằng năm, họ đều trở về thăm quê hương, cúng giỗ ông bà, tổ tiên. Nhưng để khuyến khích người dân đi du lịch Huế không phải là chuyện đơn giản. Theo ông Lê Vũ Trang - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội: Liên minh kích cầu là hình thức sáng tạo rất tốt giữa các doanh nghiệp liên kết với nhau, tạo ra giá trị lợi nhuận cho cả hai bên, tốt cho địa phương, tốt cho ngành du lịch và giúp cho người dân có cơ hội tiếp cận sản phẩm du lịch liên kết. Huế và Lâm Đồng là hai địa phương có mức thu nhập không cao bằng các địa phương lớn khác. Hình thức liên minh hợp tác này là hai bên sẽ gởi khách cho nhau để giảm tối đa chi phí, giúp người đi du lịch hưởng giá dịch vụ thấp nhất với chất lượng không thay đổi mà một doanh nghiệp không thể làm được. Và hiệu quả từ liên minh còn giúp hãng hàng không duy trì được một lịch trình bay ổn định. Chúng tôi hy vọng, sự năng động và nỗ lực của cả hai bên sẽ tạo nên thành công và duy trì sự hợp tác liên kết của hai liên minh vì mục tiêu chung là phát triển du lịch Việt Nam nói chung và du lịch hai địa phương nói riêng.
 
NHẬT QUÂN