Cát Bà - lung linh trầm tích

09:06, 22/06/2017

Bến Bính, thành phố Hải Phòng rộn ràng con sóng, nhộn nhịp du khách trong nước và quốc tế lên tàu. Sóng dập dờn vỗ vào những mạn tàu xuôi ngược, sóng hân hoan soi bóng chiếc cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á nối giữa bờ với biển, giữa đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đảo Cát Hải, Cát Bà. Tiềm năng du lịch sinh thái vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đang cất cánh bay lên...

Bến Bính, thành phố Hải Phòng rộn ràng con sóng, nhộn nhịp du khách trong nước và quốc tế lên tàu. Sóng dập dờn vỗ vào những mạn tàu xuôi ngược, sóng hân hoan soi bóng chiếc cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á nối giữa bờ với biển, giữa đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đảo Cát Hải, Cát Bà. Tiềm năng du lịch sinh thái vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đang cất cánh bay lên...
 
Chập chùng sơn thủy hữu tình. Ảnh: M.Đạo
Chập chùng sơn thủy hữu tình. Ảnh: M.Đạo
Kỳ vĩ của thiên nhiên
 
Cát Bà thuộc huyện Cát Hải, là một quần thể đảo gồm 366 hòn đảo lớn nhỏ. Bao gồm các bề mặt đất đá, hang động và các lớp trầm tích, là chứng tích lịch sử tiến hóa của vỏ trái đất và ăn mòn lâu đời. Hầu hết các hòn đảo có lớp thực vật nhiệt đới gió mùa thường xanh che phủ. Theo huyền sử, khi Thánh Gióng xuất binh đánh đuổi giặc Ân bảo vệ cương giới của Tổ quốc, rất nhiều cư dân vùng biển đảo này một lòng lên đường. Nơi đây trở thành căn cứ hậu cần phục vụ cuộc vệ quốc nên rất nhiều cư dân là phụ nữ có mặt. Đảo có biệt danh Các Bà. Cũng có di bản khác liên quan đến sự tích hai nữ thi thể trôi dạt vào bờ đảo và trở thành linh thiêng của tín ngưỡng. Cư dân đảo xây miếu thờ hai bà để luôn được độ trì chống lại dịch bệnh hay những rủi ro từ biển dữ... Theo hướng lý giải nào thì cũng từ Các Bà sau đó đọc chệch thành Cát Bà. 
 
Dọc dải biển phía Đông Bắc của Tổ quốc Việt Nam hiện có hơn 2.000 đảo lớn nhỏ, trải dài hàng chục hải lý. Tính chất liên hoàn, chập chùng, trước sau, san sát đan ken bổ trợ này đã trở thành bức phên dậu đặc biệt kiên cường và hết sức lợi hại của nước Việt để phòng vệ và chống giặc ngoại xâm. Bây giờ, theo phân định hành chính, quần đảo Cát Bà thuộc huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng; còn tỉnh Quảng Ninh gồm vịnh Hạ Long thuộc thành phố Hạ Long, vịnh Bái Tử Long thuộc thành phố Cẩm Phả, bến Vân Đồn thuộc huyện Vân Đồn.
 
Vườn quốc gia Cát Bà cách thị trấn Cát Bà 15 km về phía Bắc với 2/3 diện tích rừng; tổng diện tích 15.200 ha, chiếm hơn một nửa diện tích đảo Cát Bà. Trong đó, Cát Bà là đảo đá vôi lớn nhất với diện tích 144 km2 và đang lưu giữ hệ sinh thái đa dạng vùng rừng nhiệt đới nguyên sinh. Trong đó, khu rừng nguyên sinh trong Vườn quốc gia rộng 570 ha; rừng ngập mặn, rạn san hô phân bố trên diện tích 350 ha với hơn 160 loài, những thảm rong biển, cỏ biển, hệ thống hang động khắp nơi...Với đặc điểm này, Cát Bà hiện có 1.588 loài thực vật; 20 loài thú, 69 loài chim, 20 loài bò sát và lưỡng cư, 11 loài ếch nhái; trong đó, có 25 loài động vật quý hiếm thuộc Sách Đỏ Việt Nam 2007. Càng giá trị, đảo Cát Bà hiện có loài Voọc đầu trắng (Trachypithecus policephalus) thuộc Sách Đỏ thế giới và Sách Đỏ Việt Nam - một trong 5 loài thú linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới, đang được tổ chức WHO bảo vệ nghiêm ngặt, là nhóm rất nguy cấp (CR). Hiện loài này khoảng từ 104 - 135 cá thể, phân bố hẹp tại Vườn quốc gia Cát Bà. 
 
Trầm tích và di tích 
 
Trong lòng quần đảo Cát Bà có di chỉ khảo cổ học Cát Bèo được nhà khoa học người Pháp phát hiện từ năm 1938. Đây là dấu tích của đời sống cư dân Cát Bèo cách đây từ 4.000 - 6.500 năm, khởi nguồn nền văn minh biển và văn minh lúa nước hôm nay. Các đảo Cát Bà có một hệ thống hang động tự nhiên rất phong phú, trong đó, nổi tiếng nhất là các động: Thiên Long, Quân Y và Trung Trang. Đây là những động sâu, rộng, chứa hàng trăm người, hệ thống nhũ đá thiên nhiên kỳ ảo. Xuyên rừng nguyên sinh quốc gia, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nét văn hóa làng quê thuần khiết của cư dân biển. Đó là làng chài Việt Hải có từ hàng trăm năm nay nhưng đến giờ vẫn hiện hữu nét truyền thống bởi những mái nhà tranh, vách đất hoặc gỗ, không có cánh cửa. Huyện Cát Hải ngoài đặc sản nước mắm còn có hơn 100 di tích, trong đó 4 di tích quốc gia và 8 di tích cấp thành phố; danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà là di tích quốc gia hạng đặc biệt; quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. 
 
Quần đảo Cát Bà còn lưu giữ nhiều chiến tích oai hùng của dân tộc trong các trận đánh giặc ngoại xâm, từ thế kỷ XIII đời nhà Trần đến những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ...Anh Nguyễn Thanh Hương - cán bộ văn hóa dẫn tôi ngược lên đảo Pháo Đài Thần Công tại cao điểm 177. Nơi đây còn nguyên vẹn các di tích của một thời khói lửa quân đội ta chiến đấu và chiến thắng thực dân, đế quốc xâm lược thế kỷ XX. Những khẩu pháo CANNON sản xuất năm 1910 tại Pháp còn khá nguyên vẹn trong các hầm pháo xây dựng năm 1942; sân bay trực thăng; đường hào giao thông ngoằn ngoèo luồn trong núi đá kết nối với các lô cốt - ụ pháo - hầm đạn - nhà chỉ huy... Đến với di tích, không chỉ có súng đạn mà còn cả “nụ hôn” rất xúc động. Đó là “căn phòng hạnh phúc”, rất giản dị, biệt lập với các ụ pháo và chìm khuất dưới tán cây như những công trình chiến đấu. Bên trong, một chiếc giường kê đơn sơ bằng tấm ván và trải chiếu cùng hai chiếc gối nhỏ xinh xắn, một tấm mền gọn gàng; đầu giường là chiếc giá để gác súng; bên cạnh là ô cửa sổ nhìn ra biển mây trời non nước hữu tình. Đây là mái ấm hạnh phúc của chiến sĩ ta mỗi khi đón người vợ yêu dấu từ hậu phương đến thăm chồng. Hạnh phúc đơn sơ mà đằm thắm nghĩa tình chung thủy. Dẫu chiến tranh khốc liệt nhường nào, vẫn còn đó một khoảng trời yêu thương lãng mạn...Tôi bất chợt nhớ đến lời ca từ trong bài hát “Mùa xuân bên cửa sổ” của cố nhạc sĩ Xuân Hồng: “Ôi hạnh phúc cô thợ ấy đơn sơ mà thắm nồng/Tình yêu của người lính lắng sâu nhưng cháy bỏng/ Tạm biệt rồi vẫn đọng những nụ hôn”...
 
Du lịch ngày càng phát triển 
 
Trên đảo Cát Bà hiện mới có hơn một vạn dân, chiếm hơn 1/3 dân số huyện Cát Hải. Nền kinh tế Cát Bà đã và đang phát triển nhiều ngành nghề phong phú, từ đánh bắt hải sản đến kinh doanh nhà hàng, khách sạn, các dịch vụ du lịch... Trong đó, ngành dịch vụ-du lịch chiếm 71,7% tổng giá trị sản xuất. Mỗi năm, Cát Bà thu hút gần 2 triệu lượt khách, trong đó khoảng 400.000 khách quốc tế. Trên quần đảo Cát Bà, hàng năm vào 1/4 (ngày Bác Hồ về thăm làng cá 1/4/1959) có lễ hội truyền thống với nhiều hoạt động phong phú như đua thuyền rồng, lướt ván, lắc thuyền thúng trên biển. Đến Cát Bà, không chỉ được thỏa mình trên hơn 140 bãi tắm biển xinh đẹp và thơ mộng, được ở những khuôn viên khách sạn lồng lộng gió biển, lung linh muôn sắc ánh đèn, mà còn được thưởng thức nhiều món ăn đặc sản từ nhiều sản vật của biển như cá, tôm, sò, ốc... đến sản vật của núi như gà, dê, mật ong...Các nhà đầu tư xây dựng nhiều khách sạn lớn, nhà hàng, khu vui giải trí trên đảo và sát mép biển. Theo anh Hương, tôi leo lên hòn đảo rất cao sát biển có nhiều thông reo. Lợi dụng phong cảnh này, nhà đầu tư đã xây dựng điểm vui chơi có tên “Đà Lạt thu nhỏ” với những tiểu cảnh đặc trưng và nổi tiếng của xứ sở du lịch Đà Lạt...      
 
Với lợi thế đặc biệt của một khu vực biển, đảo, thiên nhiên và vị trí đắc địa, thành phố Hải Phòng quyết định phát triển dự án Cảng cửa ngõ quốc tế vào năm 2013, mức đầu tư trên 25.000 tỷ đồng. Hệ thống cảng này đồng bộ về công nghệ hiện đại, khả năng tiếp nhận được tàu container trọng tải 100.000 tấn. Năm 2014, Hải Phòng khởi công phát triển hệ thống giao thông cao tốc kết nối cảng nước sâu, tổng mức đầu tư hơn 11.849 tỷ đồng. Đặc biệt, chiếc cầu Tân Vũ - Lạch Huyện có tổng chiều dài 15,63 km; phần vượt qua biển dài tới 5,44 km; quy mô đường cấp 3 đồng bằng, mặt rộng 16 m với 4 làn xe chạy; tốc độ thiết kế 80 km/h. Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện là chiếc cầu vượt biển dài nhất Việt Nam và là một trong những cây cầu vượt biển lớn nhất Đông Nam Á. Ngày 14/5/2017, cầu chính thức thông xe kỹ thuật, mở ra một tiềm năng phát riển du lịch cho thành phố Hải Phòng cất cánh bay lên.
 
Ghi chép: MINH ĐẠO