Địa đạo của lòng dân

10:07, 06/07/2017

Quảng Nam không chỉ có phố cổ trầm lắng, làng rau Trà Quế ngào ngạt hương đưa, vườn dừa Bảy Mẫu mênh mang sóng nước... là những điểm thu hút du khách mà còn có Khu di tích lịch sử cách mạng Địa đạo Kỳ Anh - dấu ấn lịch sử của thời kỳ đấu tranh chống Mỹ cứu nước đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng trên bản đồ du lịch của vùng đất Quảng.

Quảng Nam không chỉ có phố cổ trầm lắng, làng rau Trà Quế ngào ngạt hương đưa, vườn dừa Bảy Mẫu mênh mang sóng nước... là những điểm thu hút du khách mà còn có Khu di tích lịch sử cách mạng Địa đạo Kỳ Anh - dấu ấn lịch sử của thời kỳ đấu tranh chống Mỹ cứu nước đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng trên bản đồ du lịch của vùng đất Quảng.
 
Lối vào Khu di tích địa đạo Kỳ Anh. Ảnh N. Linh
Lối vào Khu di tích địa đạo Kỳ Anh. Ảnh N. Linh
Địa đạo trong lòng cát
 
Xã Tam Thăng (thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) xưa có tên là xã Kỳ Anh. Nơi đây cách trung tâm thành phố Tam Kỳ khoảng 7 km về hướng Đông Bắc, gần quốc lộ 1A. Những năm 1964-1975 quân dân xã Kỳ Anh đã chiến đấu như một thành đồng lũy thép khiến kẻ thù “bạt vía kinh hồn” góp phần đấu tranh thắng lợi giải phóng miền Nam, là mốc son chói lọi trang sử vàng Quảng Nam.
 
Ông Huỳnh Kim Ta - Trưởng thôn Thạch Tân, một trong những người thuyết minh ở di tích Kỳ Anh, nói: Năm 1965, địch tổ chức hành quân càn quét dữ dội, Đảng bộ và nhân dân Kỳ Anh thực hiện phương châm “một tấc không đi, một li không rời”, quyết “bám đất, bám làng”. Nhưng là một xã vùng cát, địa hình địa vật bất lợi cho việc tác chiến, ẩn nấp lâu dài, không còn cách nào khác là phải đào hầm bí mật, đào địa đạo làm nơi ẩn quân, giấu quân, chuẩn bị vũ khí đánh địch.
 
Những đêm dài từ tháng 5/1965 đến năm 1967, già trẻ, gái trai ở Kỳ Anh dùng cuốc, thuổng… miệt mài đào địa đạo. Nơi đây người dân không chỉ đổ mồ hôi mà đổ cả máu để xây dựng nên địa đạo dài khoảng 32 km, rộng từ 0,5 đến 0,8 m, cao khoảng 0,8-1 m. Dưới tầng đất cát trắng, là những lớp đá ong nên địa đạo là hình dạng ô bàn cờ, quanh co uốn khúc nhiều ngõ ngách, chạy dài men theo các lùm cây, nhiều đoạn được đào xuyên qua nền nhà, giếng nước, gian bếp trải khắp thôn xóm. Địa đạo có hầm cứu thương, hầm tác chiến, hầm chỉ huy, hầm lương thực, thực phẩm,… với sức chứa 1.500 người dưới lòng đất.
 
Những lối đi nhỏ hẹp bên trong địa đạo. Ảnh N. Linh
Những lối đi nhỏ hẹp bên trong địa đạo. Ảnh N. Linh
Kỳ tích Kỳ Anh
 
Địa đạo Kỳ Anh là nơi tổ chức sơ cấp cứu thương binh, nơi tiếp tế lương thực cho lực lượng vũ trang quân khu, Tỉnh đội Quảng Nam góp phần lập chiến công hiển hách oai hùng.
 
Ở thôn Thạch Tân giờ đây vẫn còn ngôi đình cổ. Trên cột đình vẫn còn nhiều vết tích dây xích đau thương thuở nào. Bởi ngày ấy dưới nền đình là căn hầm khá rộng, thông với địa đạo làm nơi sơ cứu thương bệnh binh, tích lương thực, thực phẩm của các xã phía huyện Thăng Bình và các xã vùng đông Tam Kỳ chuyển về trước khi chuyển lên cho vùng tây và bắc Tam Kỳ. Địch đã dùng dây xích quấn vào cột đình nhằm kéo đổ. Song trước sự uy nghiêm của ngôi đình và tình quân dân đồng lòng chiến đấu nên trải qua bao cuộc bể dâu ngôi đình vẫn sừng sững uy nghiêm đứng đó.
 
Bên cạnh đó, địa đạo dưới nền nhà dân cũng là một trong những nơi góp phần to lớn trong công cuộc giải phóng quê hương. Dưới nền nhà ông Phạm Sỹ Thuyết (thôn Vĩnh Bình) là căn hầm bí mật có nhiều ngách đi vào địa đạo ăn thông với giếng nước và thoát ra mương dẫn nước sông Đầm. Hệ thống địa đạo khu vực này ngoài hầm bí mật còn có hầm công khai với địa đạo nên thường được sử dụng đánh địch trực tiếp mỗi khi chúng càn quét, nếu chẳng may bị địch phát hiện thì thoát vào địa đạo. Người dân nơi này vẫn nhớ như in những chiến thắng vẻ vang ở miệng hầm. Như chuyện ở miệng hầm công khai sau vườn nhà mẹ Thân vào năm 1967, đơn vị du kích Vĩnh Bình đã đánh và tiêu diệt Bộ chỉ huy một đại đội Cộng hòa và một đại đội tiêm kích. Hay như tại giếng ông Kỳ - nơi lấy nước dùng cho sinh hoạt của bà con đã biến thành miệng hầm địa đạo ăn thông với kênh mương gần đấy, tiện việc cảnh giới và ẩn nấp. Thông qua giếng ông Kỳ nhân dân đã kịp thời báo hiệu cho lực lượng ta ở dưới hầm biết được tình hình diễn biến của địch… 
 
Ngoài ra, quanh làng bà con trồng tre dày đặc kết hợp hệ thống kênh mương dẫn nước, tạo thành trận địa làng chiến đấu khá kín cho việc ẩn nấp và đánh địch của quân dân Kỳ Anh. Địa đạo Kỳ Anh và những người dân vùng cát đã góp phần làm nên những chiến thắng oanh liệt. Những con số như phần nào chứng minh cho kỳ tích ở Kỳ Anh: Chỉ riêng thôn Thạch Tân của Tam Thăng ngày đó đã có hơn 90% người dân tham gia cách mạng, có 200 liệt sĩ, 18 bà mẹ Việt Nam anh hùng… Trong 10 năm, quân dân Kỳ Anh đã đánh địch 1.052 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 3.751 tên, diệt gọn 5 trung đội dân vệ và biệt lập, một đại đội tiêm kích, 1 trung đội Mỹ, đánh thiệt hại nặng 6 trung đội dân vệ, 3 đại đội, 3 tiểu đoàn Cộng hòa, bắn cháy 3 máy bay, 15 xe quân sự, thu 500 súng các loại.
 
Năm 1994, xã Tam Thăng tự hào được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1997, địa đạo Kỳ Anh được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.
 
Nơi đây ngày càng nhận được sự quan tâm, chú ý của khách tham quan trong và ngoài nước. Được biết, tỉnh Quảng Nam cũng đã phê duyệt quy hoạch phân khu và ban hành quy định quản lý, xây dựng khu vực này với tổng nhu cầu vốn lên đến gần 4.000 tỷ đồng với tổng diện tích bảo tồn hơn 427 ha.
 
Ông Huỳnh Kim Ta khẳng định: Địa đạo Kỳ Anh là một trong những biểu tượng tiêu biểu của thế trận chiến tranh nhân dân. Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử chính là sự giữ gìn và trân trọng lịch sử hào hùng của cha ông một thời “đánh Mỹ và thắng Mỹ”. Đồng thời là nơi giáo dục truyền thống cách mạng bằng những giá trị lịch sử, hiện vật nguyên bản tạo nên niềm tự hào về những truyền thống cách mạng cha ông để lại”.       
 
N. LINH - N. NGÀ