Tập trung phát triển sản phẩm chung của 3 địa phương

09:01, 24/01/2019

Vừa qua, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Ðồng, Bình Thuận đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện chương trình hợp tác tam giác phát triển du lịch giai đoạn 2013 - 2018. 

Vừa qua, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Ðồng, Bình Thuận đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện chương trình hợp tác tam giác phát triển du lịch giai đoạn 2013 - 2018. Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị lần này dành nhiều thời gian để phân tích tìm hướng khắc phục những hạn chế, tồn tại trong quá trình liên kết vừa qua, nhằm hướng tới mục tiêu chung là đẩy mạnh hơn nữa chất lượng của ngành công nghiệp không khói này.
 
3 Sở ký kết hợp tác giai đoạn 2019 - 2024. Ảnh: N.Thi
3 Sở ký kết hợp tác giai đoạn 2019 - 2024. Ảnh: N.Thi

Du lịch phải đi liền với tính liên kết, tính liên vùng
 
Theo đánh giá của 3 đơn vị, chương trình liên kết hợp tác 5 năm qua đã đạt được một số kết quả thiết thực trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; kêu gọi thu hút đầu tư; phát triển kết nối sản phẩm du lịch; liên kết các dịch vụ du lịch hình thành những sản phẩm chung; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến thu hút khách du lịch đến 3 địa phương. Cụ thể, tại Bình Thuận, hiện có 239 dự án du lịch, chiếm 62% tổng số dự án được chấp thuận đầu tư tại tỉnh này với tổng số vốn đầu tư hơn 31 nghìn tỷ đồng. Còn tại Lâm Đồng có khoảng 100 dự án du lịch của các nhà đầu tư đến từ Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM), chiếm 44% tổng số dự án được chấp thuận đầu tư tại tỉnh này với tổng số vốn khoảng 30 nghìn tỷ đồng. 
 
Các địa phương cũng phối hợp tổ chức các đoàn farmtrip quốc tế khảo sát, tìm hiểu thị trường, sản phẩm du lịch và cơ hội đầu tư tại 3 địa phương. Phối hợp, tổ chức và tham gia các hội chợ về du lịch, các sự kiện lễ hội và quan tâm dành cho nhau những chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các địa phương khi tham gia các hội chợ, sự kiện du lịch chung. 
 
Đối với việc hợp tác liên kết phát triển sản phẩm du lịch, các địa phương đã chỉ đạo, định hướng các doanh nghiệp phát triển sản phẩm theo hướng “Một chuyến đi 3 điểm đến” với thương hiệu “Chợ Sài Gòn - Hoa Đà Lạt - Biển Mũi Né”. Cùng với đó, phối hợp tham gia các chương trình khảo sát sản phẩm du lịch mới, góp phần quảng bá hình ảnh và phát triển tour, tuyến mới, hấp dẫn. Tuy nhiên, theo phân tích của các đại biểu tham dự hội nghị, việc chọn sản phẩm chung của từng địa phương vẫn chưa thật sự đặc trưng.
 
Liên kết còn rời rạc và chưa rõ nét
 
Bên cạnh những kết quả khả quan, ngành du lịch 3 địa phương và các doanh nghiệp tham dự hội nghị cũng đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại, đó là việc liên kết giữa doanh nghiệp du lịch 3 địa phương vẫn còn rời rạc, mang tính tự phát, chưa thật sự gắn kết để tạo thành các chương trình du lịch hấp dẫn. Công tác thông tin, quảng bá còn hạn chế, chưa tạo được hình ảnh chung “một chuyến đi 3 điểm đến”,... Hiện nay mới chỉ thấy vai trò quản lý nhà nước ngồi lại với nhau, còn vai trò hiệp hội du lịch, truyền thông, xúc tiến còn mờ nhạt.
 
Nguyên nhân được chỉ ra rằng, do các địa phương chưa thật sự tích cực chủ động triển khai thực hiện các chương trình đề ra, chưa thật sự có những tác động tích cực để tạo ra những sản phẩm du lịch mới, thúc đẩy hợp tác về quảng bá, xúc tiến du lịch, tạo sự phát triển mạnh về sản phẩm du lịch.
 
Trò chơi dù lượn ở biển Mũi Né, Phan Thiết đặc biệt thu hút du khách nước ngoài. Ảnh: N.Thi
Trò chơi dù lượn ở biển Mũi Né, Phan Thiết đặc biệt thu hút du khách nước ngoài. Ảnh: N.Thi

Theo ông Đỗ Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, trong hợp tác có doanh nghiệp mạnh, có doanh nghiệp yếu, có những doanh nghiệp có những lợi thế riêng, nên Sở Du lịch các địa phương phải làm tốt vai trò kết nối. Ví dụ, TP HCM có thể hỗ trợ Bình Thuận, Lâm Đồng về công tác đào tạo nguồn nhân lực để hoàn thiện chất lượng dịch vụ, hỗ trợ thông tin để tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng. Theo ông Thông, chất lượng nguồn nhân lực của các cơ sở lưu trú ở Bình Thuận hiện còn chưa đồng đều, có sự chênh lệch lớn và chưa chuyên nghiệp. 
 
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM nhấn mạnh, để tăng tính liên kết, trong thời gian tới, ngành du lịch ba tỉnh sẽ phải ngồi lại với nhau để bàn cách khắc phục các hạn chế về công tác quảng bá, tăng cường giới thiệu điểm đến. Đồng thời triển khai xây dựng sản phẩm chung đặc sắc, thực hiện sản phẩm quảng bá du lịch chung thông qua internet...
 
Bà cũng nhấn mạnh rằng, ngành du lịch 3 địa phương sẽ nỗ lực hơn nữa để làm tốt công tác là cầu nối tạo điều kiện, khuyến khích DN du lịch trên địa bàn đầu tư phát triển sản phẩm, xây dựng chương trình du lịch liên kết ba địa phương, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng du khách trong và ngoài nước.

Bà Tạ Thị Tú Uyên - Ban Sản phẩm dịch vụ Công ty Du lịch Vietravel: Sớm xây dựng sản phẩm chung 
 
Trong năm qua, Vietravel đưa nhiều đoàn khách đến Bình Thuận, Lâm Đồng nhưng vấn đề khó khăn doanh nghiệp gặp phải là cơ sở dịch vụ, lưu trú tại Bình Thuận chưa đáp ứng được số lượng khách của công ty. Với những đoàn khách từ 500 đến 800 khách du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị thì không thể kiếm được resort đủ sức chứa và đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch của cả hai địa phương Lâm Đồng và Bình Thuận hầu như rất ít có sản phẩm mới và còn đơn điệu, trong khi xu hướng du lịch hiện nay của các công ty lữ hành là riêng biệt và phải tạo được cảm xúc cho du khách. 3 tỉnh cần phải xác định thế mạnh đặc trưng nhất của từng địa phương và xâu chuỗi lại để xây dựng 1 sản phẩm chung cho 3 tỉnh. Mỗi địa phương chọn ra những điểm nhấn đặc trưng nhất, xây dựng giá trị cho những sản phẩm khác biệt, mang tính trải nghiệm cao. 
 
Ông Võ Ðức Trung - Giám đốc Công ty Mạo hiểm Việt: Sớm nâng cấp tuyến giao thông Bình Thuận - Lâm Ðồng
 
Việc các tỉnh liên kết hay không liên kết đơn vị doanh nghiệp lữ hành vẫn phải làm, tuy nhiên nếu việc liên kết giữa các tỉnh có hiệu quả và bắt nhịp tốt sẽ là sự cộng hưởng tốt cho doanh nghiệp lữ hành. Cụ thể, khi liên kết có hiệu quả, du khách sẽ có một chương trình du lịch khép kín và đảm bảo được chất lượng, giá cả của chương trình tour đó. 
 
Hiện nay, vấn đề giao thông kết nối giữa TP HCM với Bình Thuận và TP HCM với Lâm Đồng khá tốt nhưng tuyến Lâm Đồng - Bình Thuận thì lại đang xuống cấp nghiêm trọng. Công ty tôi thường có nhóm khách đi xe đạp từ Đà Lạt xuống Phan Thiết, đường nhỏ, ổ gà xuất hiện bất thình lình ở khắp nơi rất nguy hiểm. Tôi nghĩ cơ quan quản lý du lịch nên có ý kiến để sớm đầu tư hoặc nâng cấp tuyến đường này. 
 
Bà Nguyễn Thị Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp Hội du lịch TPHCM: Cần tăng tính hiệu quả trong liên kết 3 địa phương
 
Trong tam giác phát triển du lịch 3 tỉnh, TP HCM liên kết khá chặt chẽ với tỉnh Bình Thuận, thường xuyên đưa các đoàn khách về tỉnh Bình Thuận, tuy nhiên TP HCM vẫn chưa kết nối chặt được với tỉnh Lâm Đồng. Đây là điều các nhà quản lý cần suy nghĩ để tăng tính hiệu quả trong liên kết 3 địa phương. Trong đó, chú trọng định hướng doanh nghiệp lữ hành 3 tỉnh phát triển các sản phẩm mới, đặc trưng, phát triển nguồn nhân lực chung của ba địa phương để tăng tính hiệu quả cho việc liên kết vùng du lịch.
NGUYÊN THI (ghi)

NGUYÊN THI