Ðịnh hướng và tạo môi trường hoạt động du lịch lành mạnh

08:06, 14/06/2019

Ðó là một trong nhiều nội dung được quy định tại Nghị định 45/2019 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 21/5/2019, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. 
 

 * Thanh tra chuyên ngành được xử phạt các vi phạm hành chính liên quan lên đến 50 triệu đồng và cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân
 
Ðó là một trong nhiều nội dung được quy định tại Nghị định 45/2019 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 21/5/2019, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. 
 
Nghị định 45 là căn cứ pháp lý định hướng môi trường hoạt động du lịch lành mạnh hơn. Ảnh: L.Hoa
Nghị định 45 là căn cứ pháp lý định hướng môi trường hoạt động du lịch lành mạnh hơn. Ảnh: L.Hoa
 
Nghị định gồm 4 chương, 29 điều và có hiệu lực từ ngày 1/8/2019. Đây sẽ là căn cứ pháp lý định hướng và tạo môi trường hoạt động du lịch lành mạnh đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch và cả khách du lịch.
 
Nghị định quy định các hình thức xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với cá nhân, tổ chức vi phạm là: cảnh cáo, phạt tiền. Đồng thời, có các hình thức xử phạt bổ sung, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của cá nhân, tổ chức, như: Tước quyền sử dụng có thời hạn từ 1 tháng đến 24 tháng Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, thẻ hướng dẫn viên du lịch, quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, quyết định công nhận điểm du lịch, quyết định công nhận khu du lịch, biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch. Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1- 6 tháng; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, như Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành giả, thẻ hướng dẫn viên du lịch giả, biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch giả…
 
Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Nghị định cũng quy định chi tiết mức xử phạt đối với hàng loạt các vi phạm, có hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả đối với quy định chung về hoạt động kinh doanh du lịch. Cụ thể, đó là kinh doanh dịch vụ lữ hành, kinh doanh đại lý lữ hành, hướng dẫn du lịch, kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch; điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ lưu trú du lịch; về kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch đối với cơ sở lưu trú đã được công nhận hạng và kinh doanh dịch vụ du lịch khác. Về nghĩa vụ của khách du lịch; về kinh doanh sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch; quản lý điểm du lịch, khu du lịch; vận tải khách du lịch bằng đường bộ hay về vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa… cũng được quy định chi tiết, cụ thể. 
 
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, quy định Thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền bao gồm: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 500.000 đồng, tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 500.000 đồng. Chánh Thanh tra cấp Sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Sở có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 25.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, thẻ hướng dẫn viên du lịch, quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch, quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, quyết định công nhận điểm du lịch, quyết định công nhận khu du lịch có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 25.000.000 đồng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định…
 
Nghị định 45 cũng quy định thẩm quyền của Quản lý thị trường. Trong đó, Kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 500.000 đồng. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường có quyền: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 25.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục nghiệp vụ quản lý thị trường trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường có quyền: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 50.000.000 đồng; tước quyền sử dụng quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hay áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
 
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định thẩm quyền xử phạt của Bộ đội biên phòng, của Cảnh sát biển, của Công an nhân dân, của UBND tỉnh, cấp Bộ và ngang Bộ… Cơ quan Thanh tra chuyên ngành có thể là thanh tra ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thanh tra ngành Giao thông vận tải, thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, thanh tra ngành Tài nguyên - Môi trường, thanh tra ngành Tài chính.
 
Kể từ ngày Nghị định 45 có hiệu lực thi hành (1/8/2019),  các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo được các nghị định ban hành trước đây quy định trong lĩnh vực này sẽ hết hiệu lực.
 
LÊ HOA