"Ðổi đời" cho cẩm tú cầu

08:06, 06/06/2019

Sau nhiều năm chuyên canh mở rộng ở vùng nông nghiệp xã Xuân Thọ, Ðà Lạt, nông gia Nguyễn Văn Trung quyết định "đổi đời" trên toàn cánh đồng hoa cẩm tú cầu từ chăm sóc sinh trưởng để thu hoạch cắt cành sang làm du lịch canh nông gắn thương hiệu "Ðà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành".

Sau nhiều năm chuyên canh mở rộng ở vùng nông nghiệp xã Xuân Thọ, Ðà Lạt, nông gia Nguyễn Văn Trung quyết định "đổi đời" trên toàn cánh đồng hoa cẩm tú cầu từ chăm sóc sinh trưởng để thu hoạch cắt cành sang làm du lịch canh nông gắn thương hiệu “Ðà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
 
Check in trên cây cầu tình yêu lơ lửng tầng cao của cánh đồng cẩm tú cầu Đà Lạt
Check in trên cây cầu tình yêu lơ lửng tầng cao của cánh đồng cẩm tú cầu Đà Lạt
 
Ðồi núi, suối nước bao bọc đồng hoa cẩm tú cầu
 
Trước khi chia tay nông trại vào cuối tháng 5/2019, phóng viên cũng đã có một ngày trải nghiệm trên cánh đồng hoa cẩm tú cầu vào thời điểm nở rộ trên địa hình bậc thang, tọa lạc bên bờ đập thủy lợi Lộc Quý, xã Xuân Thọ, cách trung tâm thành phố Đà Lạt chỉ hơn mười cây số. Với tổng diện tích hơn 2 ha, cánh đồng hoa cẩm tú cầu Xuân Thọ đã được đầu tư khá đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông nối liền từ đường nhựa lớn vào đường bê tông chỉ dài hơn năm mươi mét, chiều rộng mặt đường thoải mái cho xe ô tô ra vào cả hai mùa khô và mùa mưa. Trước khi cho khách bước xuống chừng chục bậc thang hòa mình vào cánh đồng hoa cẩm tú cầu, tài xế xe du lịch khá dễ dàng thao tác đậu đỗ xe ô tô các loại ngay ngắn trên diện tích sân bãi rộng đến 8.000 m2. Từ bãi đậu xe rộng lớn này, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh cánh đồng hoa cẩm tú cầu đa sắc màu rực rỡ từ sáng sớm đến chiều tối mỗi ngày, đẹp hài hòa như bức tranh. Trên đó len lỏi giữa những bậc thang cánh đồng hoa cẩm tú cầu rộng lớn là những cung đường thiết kế xây dựng uốn lượn mềm mại cho khách bộ hành cận cảnh với từng thân, cành, lá cây đến từng cánh hoa nhỏ chen chúc vào nhau tạo thành những quả cầu hoa lớn khoe các sắc trắng sữa, vàng, đỏ hồng, tim tím, xanh lam một góc trời. Trên tầng không lơ lửng chạm với mây trời là các cây cầu trái tim tình yêu, một vầng trăng khuyết và những ngôi sao rực sáng, những nấc thang lên thiên đường... được chủ nhân cánh đồng hoa cẩm tú cầu bố trí lắp đặt thành những vị trí check in mênh mông giữa nền phong cảnh từ rừng hoa cẩm tú cầu nơi đây. 
 
Bước vào khung cảnh đầu tiên sau cánh cổng đồng hoa cẩm tú cầu, phóng viên háo hức chờ hồi lâu để đến lượt bước lên mười bậc thang thiên đường thu vào góc ảnh “sống ảo” lạ mắt. Tại đây, tình cờ phóng viên gặp một đoàn du khách nữ sinh viên đến từ một trường đại học ở Bangkok Thái Lan vừa khép một vòng check in qua từng thửa vườn bậc thang là bước chân lên ngay nấc thang thiên đường bồng bềnh mây trắng trên cao, bên dưới chân trời trải dài rừng thông, hồ đập, suối nước, đồi núi bao bọc cánh đồng hoa cẩm tú cầu nhấp nhô đặc trưng của cao nguyên Đà Lạt. Một nữ sinh viên Thái Lan trong đoàn chia sẻ: “Chúng em du lịch quanh các con phố trung tâm Đà Lạt thấy nhiều luống cẩm tú cầu nở hoa trên đường phố, đặc biệt ở khu vực Ánh Sáng còn có một công viên hoa cẩm tú cầu rất thích. Rồi khi đến đây tham quan cả một cánh đồng cẩm tú cầu rộng lớn thật bất ngờ và thật thú vị. Chúng em có một ngày trải nghiệm với hoa cẩm tú cầu đáng nhớ tuyệt vời ở thành phố Đà Lạt...”. Và một du khách quý ông trung niên đến từ phương Nam bày tỏ: “Trước đây, du lịch ra vùng ngoại ô Đà Lạt mười lăm, hai mươi cây số, gia đình chúng tôi chỉ được lướt qua cửa kính ô tô những thửa vườn rau, hoa diện tích vài trăm đến gần ngàn mét vuông nằm ven đường nhựa lớn, rồi trở về các khu điểm du lịch quen thuộc cách phố trung tâm bán kính trên dưới năm cây số. Nhưng nay chỉ ra ngoại ô Đà Lạt hơn mười cây số là được tha hồ dạo chơi ngắm cảnh trong đồng hoa cẩm tú rộng lớn đến hơn hai mươi ngàn mét vuông, hoa và hoa nhiều vô kể, đẹp và rất đẹp, gia đình chúng tôi sẽ giới thiệu bạn bè, người thân cùng trở lại nơi này trong chuyến du lịch Đà Lạt lần sau...”.
 
Phối cảnh trồng xen một vài loại hoa khác trên nền đồng hoa cẩm tú cầu Xuân Thọ, Đà Lạt đã và đang thu hút lữ khách khắp nơi
Phối cảnh trồng xen một vài loại hoa khác trên nền đồng hoa cẩm tú cầu Xuân Thọ, Đà Lạt đã và đang thu hút lữ khách khắp nơi
 
Không còn lo thị trường đầu ra
 
Trước khi tiếp xúc với quý khách du lịch trong và ngoài nước, phóng viên đã được chủ nhân Nguyễn Văn Trung (sinh năm 1975) hướng dẫn tham quan và kể chuyện về quá trình “đổi đời” cánh đồng hoa cẩm tú cầu Xuân Thọ, Đà Lạt. Theo đó, cánh đồng cẩm tú cầu đã qua năm năm hình thành và phát triển. Nguyên là những thửa rau bậc thang luân canh các loại xà lách, bắp sú, cải thảo, súp lơ... chuyển đổi ban đầu với vài ngàn mét vuông trồng thử nghiệm hoa cẩm tú cầu. Đây là một loại hoa trồng trang trí phổ biến ở các khu vực tiểu công viên trên tuyến phố trung tâm Đà Lạt, từ khoảng năm 2010 trở đi, người nông dân vùng rau Đà Lạt đã chọn tạo giống trồng bằng giâm mắt hom trên từng luống thay thế cây rau thương phẩm. Sau đó thấy hiệu quả kinh tế cao hơn cây rau, lại dễ chăm sóc nên nông gia Nguyễn Văn Trung quyết định dành thời gian hơn một năm để trồng mới nhân rộng đồng loạt thành cánh đồng hoa cẩm tú cầu trên tổng diện tích 2 ha ở thôn Lộc Quý, Xuân Thọ nói trên. 
 
“Vừa học hỏi kỹ thuật trồng hoa cẩm tú cầu của nhà nông đi trước, vừa tìm tòi trên mạng internet kết hợp với thực tế sản xuất trên đồng, hộ gia đình chúng tôi chọn mật độ trồng 3.000 mắt hom/1.000 m2, sau nửa năm bắt đầu thu hoạch và căn cứ vào chất lượng hoa phân loại bán ra thị trường, để bổ sung quy trình chăm sóc tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn...”, chủ nhân cánh đồng hoa cẩm tú cầu Nguyễn Văn Trung chia sẻ. 
 
Kết quả hơn ba năm ổn định quy trình sản xuất hoa cẩm tú cầu thương phẩm theo hướng hữu cơ trên tổng diện tích 2 ha, thu nhập tính chung với thị trường thông suốt mang về lợi nhuận cho chủ nhân Nguyễn Văn Trung lên đến trên dưới 1 tỷ đồng/ha/năm. Tuy nhiên, do sản xuất và tiêu thụ vẫn phụ thuộc nhiều khâu trung gian nên không tránh khỏi những thời điểm hoa cắt cành giá bấp bênh “dội chợ” thua lỗ. Đang lúc băn khoăn trăn trở tìm hướng đi mới trên đồng cẩm tú cầu, chủ nhân Nguyễn Văn Trung được ngành du lịch và ngành nông nghiệp cùng chính quyền địa phương xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt vận động xây dựng trở thành điểm du lịch canh nông của tỉnh Lâm Đồng. Nắm bắt ngay cơ hội và xu hướng mới này, chủ nhân Nguyễn Văn Trung chọn ý tưởng đưa vào các giải pháp thiết kế, đầu tư cải tạo, bổ sung các tiêu chí “đổi đời” hoa cẩm tú cầu từ cắt cành thương phẩm chuyển sang trang trí làm du lịch. Kết quả đến cuối năm 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng và chính quyền thành phố Đà Lạt chính thức công nhận cánh đồng hoa cẩm tú cầu của chủ nhân Nguyễn Văn Trung đạt tiêu chuẩn 1 trong hơn 30 mô hình du lịch canh nông gắn thương hiệu độc quyền “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
 
Chủ nhân Nguyễn Văn Trung giữa cánh đồng cẩm tú cầu mênh mông khoe sắc mỗi ngày
Chủ nhân Nguyễn Văn Trung giữa cánh đồng cẩm tú cầu mênh mông khoe sắc mỗi ngày
 
Kết thúc 5 tháng đầu năm 2019, cánh đồng hoa cẩm tú cầu đón khách du lịch mỗi ngày trung bình từ 150 - 200 lượt người, riêng ngày cao điểm nghỉ lễ 30/4 đón hơn 500 lượt khách. “Hoa cẩm tú cầu làm du lịch không còn lo lắng cắt cành, bảo quản sau thu hoạch, thị trường đầu ra, đạt thu nhập ổn định và chiều hướng đang nâng cao giá trị gia tăng nhiều hơn so với sản xuất theo thời vụ. Tất cả quy trình kỹ thuật bây giờ đều tập trung chăm sóc cho hoa tươi liên tục, đảm bảo lứa hoa trước vừa tàn thì có lứa hoa kế tiếp bung nở thay thế, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu chiêm ngưỡng, trải nghiệm tìm hiểu của khách du lịch về nghề trồng hoa các loại đặc trưng phố núi Đà Lạt nói chung, hoa cẩm tú cầu nói riêng”, anh Nguyễn Văn Trung, chủ nhân cánh đồng hoa cẩm tú cầu cho biết thêm. 
 
Phóng viên ghi nhận và đặt nhiều hy vọng về việc phát huy hơn nữa tiềm năng du lịch cánh đồng hoa cẩm tú cầu Xuân Thọ, Đà Lạt trong thời gian tới.
 
VĂN VIỆT