Ava và thổ cẩm

05:01, 09/01/2020

Bằng đam mê và tâm huyết, nhà tạo mẫu người Bỉ - Aldegonde van Alsenoy đã đưa thổ cẩm của người Cơ Tu (Quảng Nam) lên thời trang hiện đại để cho ra đời một dòng thời trang cao cấp Co'tu,re.

Bằng đam mê và tâm huyết, nhà tạo mẫu người Bỉ - Aldegonde van Alsenoy đã đưa thổ cẩm của người Cơ Tu (Quảng Nam) lên thời trang hiện đại để cho ra đời một dòng thời trang cao cấp Co’tu,re.
 
Ava và mối nhân duyên với thổ cẩm Cơ Tu
 
Aldegonde van Alsenoy đã lấy ba chữ cái đầu tiên của các từ trong họ và tên của mình ghép thành Ava để mọi người dễ gọi tên khi cô ở Việt Nam. Sinh năm 1972, tại thành phố Antwerp, tỉnh Antwerp, Bỉ, ngay từ nhỏ Ava đã mê thời trang. Việc thi đỗ và được đào tạo tại Học viện nghệ thuật Antwerp - nơi có khoa thời trang nổi tiếng, có nhiều người thân làm việc trong lĩnh vực thời trang và từng là nhiếp ảnh gia thời trang nên thời trang đối với Ava là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. 
 
Năm 2003, Ava phát triển sự nghiệp thành một nhà tạo mẫu thời trang cao cấp nổi tiếng, mở rộng thị trường đến nhiều nơi trên thế giới với thương hiệu Avana. Đến Việt Nam năm 2005, chị đã yêu thích và tìm thấy nhiều ý tưởng công việc ở đất nước xinh đẹp này. Sau nhiều lần đi về, năm 2010, chị định cư ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam và mở cửa hàng thời trang với thương hiệu Avana.
 
Đầu năm 2012, thông qua việc làm tư vấn dự án cho Tổ chức Lao động quốc tế chị đã tiếp cận chị em người Cơ Tu, sống ở làng Dhrôồng, xã Tà Lu, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam - nơi mà các bé gái từ 7 tuổi, 8 tuổi đã được bà, mẹ, chị dạy dệt thổ cẩm. 
 
Với phụ nữ Cơ Tu, dệt thổ cẩm trước hết là niềm vui, cứ rảnh rỗi là họ làm sợi, dệt vải, liên tục sáng tạo các mẫu mã mới. Khi chuẩn bị lấy chồng, họ còn dệt vải để làm quà tặng cho các thành viên gia đình nhà chồng. Lúc về nhà chồng, dệt vải còn là một cách để người con dâu có cơ hội thân thiết với mẹ chồng. Người Cơ Tu còn dệt thổ cẩm để mặc, tặng người thân, bạn bè. Với ba màu chính vàng, đỏ, đen cùng họa tiết hoa văn trang trí hình kỷ hà, nhẹ nhàng, sinh động, để có những bộ trang phục in đậm bản sắc dân tộc mình, người phụ nữ Cơ Tu phải tốn rất nhiều công sức. Họ trồng bông rồi tách hạt, tách bông, cán bông, vấn bông, se sợi... Màu nhuộm là các màu thực vật: màu đỏ chế từ củ nâu, màu chàm từ cây tà râm, màu vàng từ củ ma rớt... Đi liền với trang phục là trang sức: vòng bạc, khuyên tai bạc, vòng cổ hạt cườm... yếu tố không thể thiếu tạo nên chỉnh thể hài hòa trong quan niệm về cái đẹp của phụ nữ dân tộc Cơ Tu. 
 
Tổ hợp tác Yaya Cotu được thành lập đầu năm 2013. Đây là tổ hợp tác đầu tiên nhằm bảo hộ thương hiệu, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm và hướng tới mục tiêu chia sẻ lợi ích cộng đồng, không chỉ tạo công ăn việc làm cho cộng đồng tộc người Cơ Tu vùng núi Quảng Nam, mà còn là điểm đến thu hút khách du lịch. Ngày 20/3/2014, tỉnh Quảng Nam đã đăng ký nhãn hiệu “Cotu Yaya Dhroong” với sáu nhóm sản phẩm sản xuất tại Tổ hợp tác này và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cấp bằng công nhận.
 
Trong mắt Ava “Người Cơ Tu dệt vải bằng cả cơ thể, những màu sắc hoa văn thay đổi theo ý thích của họ, tôi đặc biệt chú ý đến những hạt cườm, chúng được dệt vào trong nền tấm vải”. Với Ava, tất cả phụ nữ ở đây đều là những “nhà thiết kế”. Và “sẽ thật tiếc nếu những tấm vải tốt chứa đựng nhiều nét văn hóa độc đáo của họ không được nhiều người biết đến”. Vậy là Ava bắt đầu hành trình tìm kiếm thị trường cho thổ cẩm Cơ Tu. 
 
Một số hình ảnh về sản phẩm thời trang của Avana lấy cảm hứng và chất liệu từ thổ cẩm Cơ Tu. Ảnh: NVCC
Một số hình ảnh về sản phẩm thời trang của Avana lấy cảm hứng và chất liệu từ thổ cẩm Cơ Tu. Ảnh: NVCC
 
Đưa thổ cẩm lên thời trang cao cấp
 
Ava đã bắt tay làm việc với 18 nghệ nhân để đa dạng mẫu mã, xây dựng thương hiệu. Trang phục thổ cẩm Cơ Tu rất đặc sắc, đẹp mắt nhưng mặc thì rất nặng nề đối với người ở thành phố. Làm cho chúng thanh thoát hơn, đơn giản hơn để vẫn giữ được bản sắc mà vẫn tiếp cận được với nhiều người Ava đã chỉnh sửa kích cỡ, phối màu, xử lý kỹ thuật đính cườm... và cho ra bộ sưu tập “Cotu yaya”. Ava dang hai tay theo đúng tư thế của phụ nữ Cơ Tu trong Vũ điệu dâng trời (tâng tung ya ya) để giải thích ý nghĩa nhãn hiệu “Cotu yaya”. 
 
Trên các sản phẩm của “Cotu yaya”, các hạt cườm đính tinh tế minh chứng cho việc cần dùng công nghệ cao cho những sản phẩm truyền thống nhất là khi hướng đến khách hàng nước ngoài. Ava muốn có sự pha trộn giữa thiết kế châu Âu với thổ cẩm Cơ Tu nên khi thực hiện các mẫu này, chị sử dụng các hoa văn thổ cẩm làm điểm nhấn như cổ áo, tay áo, gấu váy, vòng cổ, vòng tay, khuyên tai... trên tổng thể các bộ trang phục bằng tơ lụa. Thổ cẩm và lụa cùng dung hòa trên một sản phẩm thời trang. Nét truyền thống và hiện đại xen lẫn như nguồn cảm hứng của các nghệ nhân truyền tới Ava và ngược lại. Họ liên tục bàn thảo để chọn ra những phương án thích hợp nhất.
 
Ava nói rằng cầm một sản phẩm thủ công phải cảm nhận được công sức, thời gian và trí tuệ của nghệ nhân làm ra nó, cảm nhận được nền văn hóa mà nó đại diện. Mong muốn truyền cảm hứng đặc biệt ấy đến khách hàng nên mỗi sản phẩm của Ava đều là độc bản. Có thể cùng chất liệu nhưng họ sẽ phối hợp các yếu tố khác nhau, tạo kiểu dáng khác nhau. Triết lý của Ava là thời trang bền vững, nghĩa là sử dụng chất liệu từ thiên nhiên: nhuộm bằng màu thực vật, dùng vải tái chế, dùng các mảnh ghép vải... nên gần như không tạo ra rác thải, không bỏ phí vải thừa. Tính bền vững còn được thể hiện ở việc chị làm việc với các gia đình người địa phương để tận dụng nguồn lực tại chỗ, nguyên liệu tại chỗ nhưng với tầm nhìn mở rộng ra bên ngoài nghĩa là giúp bà con tạo sinh kế bền vững đi liền với việc gìn giữ văn hóa bản địa, tri thức bản địa.
 
Những mẫu đặt hàng của Ava thường mất hai tháng đến ba tháng để các nghệ nhân dệt hoàn thiện. Chị ứng trước cho họ 50% số tiền để họ sẽ làm các sản phẩm theo thời gian yêu cầu. Phần còn lại, chị sẽ thanh toán nốt khi công việc hoàn thành. Vừa được làm nghề truyền thống, vừa có thu nhập nên những người phụ nữ Cơ Tu rất sáng tạo, nhiệt huyết, hỗ trợ nhau cùng làm việc. 
 
Ngoài Avana, Ava còn mở thương hiệu Co’tu,re - một sự chơi chữ của Cơ Tu và haute couture (thời trang đẳng cấp). Các mẫu thiết kế pha trộn giữa thổ cẩm Cơ Tu và hơi thở thời trang hiện đại thành một dòng thời trang cao cấp của Ava được thực hiện từ ý tưởng chung với nhà tạo mẫu người Bỉ hiện đang sống ở Bồ Đào Nha là Nele de Block đang ở Bồ Đào Nha. Sản phẩm của họ tung ra các thị trường khác nhau: Bỉ, Việt Nam, Nhật Bản, Pháp, Ý... Bộ sưu tập của họ gồm đa dạng sản phẩm như: váy, áo, quần, giày, túi xách, vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, nhẫn...
 
Sự kết hợp của truyền thống Cơ Tu và thời trang hiện đại đã tạo ra sinh kế bền vững cho phụ nữ Cơ Tu ở làng Dhrôồng. Mỗi ngày làm việc, mỗi chị em có người thu nhập khoảng 400.000 đồng - 500.000 đồng. Đối với những sản phẩm bán chạy trên thị trường, họ còn được chia thêm lợi nhuận. Thông qua việc hợp tác với các nghệ nhân địa phương, cung cấp các cơ hội kinh tế, thúc đẩy việc làm, giảm nghèo và duy trì các truyền thống văn hóa.
 
Trên dải đất hình chữ S, còn nhiều dân tộc khác với nhiều nét đặc sắc về thổ cẩm nói riêng và truyền thống văn hóa nói chung. Sẽ là điều tuyệt vời nếu có nhiều Ava để khơi dậy những tiềm năng đó. Nhưng trước hết có lẽ cần nhất ở sự giữ gìn, phát huy của chính những người chủ sở hữu các nét văn hóa đó và sự năng động của chính quyền địa phương để chúng bắt nhịp trong dòng chảy của sự phát triển.
 
THẢO LƯ - HOÀNG MY