Giá trị của văn hóa bản địa trong phát triển du lịch

05:07, 16/07/2020

Nét độc đáo từ bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc Mạ, K'Ho, Chu Ru, M'Nông... ở Lâm Đồng là một trong những yếu tố để thu hút du lịch và phát triển du lịch địa phương.

Nét độc đáo từ bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc Mạ, K’Ho, Chu Ru, M’Nông... ở Lâm Đồng là một trong những yếu tố để thu hút du lịch và phát triển du lịch địa phương.
 
Những hoạt động thường ngày như giã gạo của cư dân bản địa luôn mang đến những trải nghiệm thú vị
Những hoạt động thường ngày như giã gạo của cư dân bản địa luôn mang đến những trải nghiệm thú vị
 
Tiềm năng cần được đánh thức
 
Cư dân bản địa Lâm Đồng, tỉnh cực Nam của miền đất Tây Nguyên, đã sáng tạo nên những di sản văn hóa truyền thống độc đáo chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, giá trị văn hóa. Bản sắc đó được thể hiện sinh động qua các loại hình văn hóa cồng chiêng, trang phục, lễ hội, trò chơi dân gian, nghề thủ công, ẩm thực, phong tục, tập quán, cộng đồng dân cư… Mỗi loại hình văn hóa ở mỗi dân tộc lại có một cách biểu đạt riêng, màu sắc riêng. Chính sự độc đáo và đa dạng trong văn hóa, tạo nên sức hấp dẫn du khách đến khám phá, trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số bản địa.
 
Từ nhu cầu cuộc sống, cư dân bản địa Lâm Đồng - Tây Nguyên, với sự công phu, tỉ mỉ, cùng đôi tay khéo léo và óc sáng tạo, đã dệt nên những bộ trang phục truyền thống ấn tượng, mang đậm dấu ấn văn hóa và bản sắc của dân tộc mình. Qua các họa tiết, hoa văn được dệt, thêu trên những bộ trang phục truyền thống, các nghệ nhân thể hiện nhân sinh quan, cũng như biểu đạt các ý niệm văn hóa tộc người đặc trưng. Cũng bắt nguồn từ nhu cầu thực tiễn, cư dân bản địa nơi đây còn có nghề đan lát tương đối phát triển. Những sản phẩm đan lát của cư dân bản địa Lâm Đồng - Tây Nguyên, ngoài chức năng phục vụ đời sống lao động sản xuất, còn có tính mỹ thuật rất cao, cho thấy tài hoa người nghệ nhân. Nghề làm gốm truyền thống của người Chu Ru ở Đơn Dương, với cách tạo hình thủ công không cần bàn xoay, một trong những yếu tố góp phần làm cho bức tranh văn hóa ở Lâm Đồng thêm lộng lẫy, đa sắc. Đặc biệt là sức hút du lịch đến từ Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, di sản văn hóa do cộng đồng người bản địa Tây Nguyên sáng tạo được UNESCO công nhận Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Phong tục, tập quán, ẩm thực, trò chơi dân gian, tri thức bản địa... cũng là những tài nguyên du lịch luôn hấp dẫn du khách.
 
Khai thác yếu tố bản sắc văn hóa
 
Trên thực tế, việc tận dụng và khai thác tốt các di sản văn hóa, biến các di sản văn hóa trở thành tài nguyên du lịch không những làm cho cư dân bản địa có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn, quản lý di sản văn hóa, còn góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng du lịch - dịch vụ, tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư để phát triển bền vững. Thông qua du lịch, cộng đồng dân cư hiểu đúng hơn những giá trị di sản, vốn rất khó nhận ra trong đời sống thường nhật. Nhờ vậy, nhiều di sản văn hóa đã được phục dựng, nhiều làng nghề truyền thống dần hồi sinh, các sản phẩm văn hóa đặc thù cũng được tạo ra nhiều hơn.
 
Bên cạnh ý thức của cộng đồng dân cư bản địa, thời gian gần đây, tỉnh Lâm Đồng thường xuyên chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa. Theo định kỳ, mỗi năm một lần, tỉnh Lâm Đồng tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số để các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong bảo tồn, phát huy vốn di sản văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đồng thời tăng cường tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, cùng nhau xây dựng khối đại đoàn kết, xây dựng tỉnh Lâm Đồng ngày càng ổn định, phát triển phồn vinh, thịnh vượng. “Đây thật sự là ngày hội của nhân dân các dân tộc bản địa Lâm Đồng, ngày hội của văn hóa cồng chiêng, văn hóa dân gian, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân”, ông Hoàng Mạnh Tiến, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, đánh giá trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ IV - năm 2020 do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng phối hợp với UBND huyện Di Linh tổ chức tại thị trấn Di Linh mới đây. 
 
Trong không gian ngày hội, người dân các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng đã mang những giá trị văn hóa tinh túy nhất, thực chất và tốt đẹp nhất của dân tộc mình để giao lưu. Các phần lễ và phần hội đều thể hiện nét văn hóa riêng biệt của từng dân tộc. Thông qua đó, người dân các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng chuyển tải, giới thiệu những màu sắc văn hóa của các dân tộc đến với bạn bè, du khách có mặt tại ngày hội này.
 
TRỊNH CHU