Chữ quốc ngữ trong văn hiến Việt Nam

09:12, 27/12/2018

Quá trình hình thành chữ quốc ngữ kéo dài hơn ba trăm năm, tính từ ngày những giáo sĩ phương Tây đầu tiên đặt chân lên đất Việt tiếp xúc với người bản địa cho đến khi tờ báo tiếng Việt đầu tiên ra đời với bộ chữ in theo mẫu tự roman có đủ các dấu thanh sắc, huyền, ngã, hỏi, nặng được đặt làm ở châu Âu riêng cho nó.

Quá trình hình thành chữ quốc ngữ kéo dài hơn ba trăm năm, tính từ ngày những giáo sĩ phương Tây đầu tiên đặt chân lên đất Việt tiếp xúc với người bản địa cho đến khi tờ báo tiếng Việt đầu tiên ra đời với bộ chữ in theo mẫu tự roman có đủ các dấu thanh sắc, huyền, ngã, hỏi, nặng được đặt làm ở châu Âu riêng cho nó. Theo các nhà sử học (Trong số đó có Jean Lacouture qua bộ sách Các giáo sĩ Dòng Tên, Nxb Le Seuil, Paris 1991 và 1992), đội thương thuyền đầu tiên của Bồ Đào Nha cập vịnh Đà Nẵng năm 1516, năm năm sau khi họ đổ quân lên chiếm Malacca (eo biển Mã Lai), ở Đàng Ngoài thì muộn hơn và đến từ Macao (Trung Quốc) mà trước đó họ đã chiếm làm thuộc địa, vậy mà mãi đến năm 1651, tức 135 năm sau, mới có cuốn Từ điển Việt - Bồ Đào Nha - Latinh xuất bản tại Roma. 
 
Để có được cuốn từ điển này (mà ai là tác giả vẫn tồn nghi), chắc hẳn nhiều giáo sĩ nước ngoài khi đặt chân lên đất Việt đã phải dùng tiếng Bồ thông qua phiên dịch để giao tiếp với người bản địa, và dùng mẫu tự roman để phiên âm, ghi chép theo cách dùng trong tiếng Bồ hoặc tiếng mẹ đẻ của họ mà học tiếng bản địa (Có lẽ vì vậy, các nhà ngôn ngữ học cho rằng các mẫu tự chữ quốc ngữ ta gần tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Tây Ban Nha hơn tiếng Pháp). Dù vậy, sau khi đã được định hình một cách tương đối có hệ thống, chữ quốc ngữ vẫn quanh quẩn phạm vi các nhà thờ Thiên chúa giáo và một số ít tín đồ, bởi hầu hết nông dân ta thời ấy thất học. Phải đợi đến ngày Gia Định báo, tờ báo bằng tiếng Việt đầu tiên ra mắt bạn đọc năm 1865, chữ quốc ngữ mới bắt đầu có “công chúng” là những người không phải là tín đồ đạo Thiên chúa. Rồi phải chờ một thời gian sau nữa, đến cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, khi nhà cầm quyền Pháp chủ trương mở một loạt trường học đào tạo người làm việc cho họ, bắt đầu bằng cách cho người Việt tập đọc, tập viết tiếng mẹ đẻ đến một mức độ nào đó sẽ chuyển sang học tiếng Pháp, thì chữ quốc ngữ mới thật sự vào đi đời sống xã hội Việt Nam.
 
Công trình sáng tạo tập thể
 
Ai là những người đi tiên phong và có công đầu trong việc định hình chữ quốc ngữ? Vấn đề này đã tốn khá nhiều giấy mực. Có người cho rằng công lớn thuộc về hai giáo sĩ người Bồ Đào Nha là Gaspar do Amiral và Antonio Barbosa (Gs.Ts. Phạm Văn Hường, Đại học Bordeaux, Pháp - Báo Người lao động ngày 27/1/2007). Lại có ý kiến cho rằng, các tác giả đầu tiên là giáo sĩ người Ý Francesco Buzumi cùng hai đồng sự trẻ tuổi hơn của ông là Francesco de Pina và Cristoforo Borri (Léopold Cadière, trong bộ Kỷ yếu những người bạn của cố đô Huế (BAVH- trước đây gọi Đô thành hiếu cổ). Qua một bài nghiên cứu công phu về Cristobori Borri (1931), L. Cadière viết: Ông - tức C. Borri - có để lại qua cuốn trần thuật của mình nhiều trích đoạn quý về các tiểu luận đầu tiên về chữ quốc ngữ, một thứ chữ ra đời sớm hơn so với chữ quốc ngữ của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes). Giáo sĩ Francesco Buzumi cùng một giáo sĩ người Bồ tên là Diego Carvalho cập bến Đàng Trong nước Việt lần đầu năm 1615. Thời gian này các nhà truyền giáo phương Tây bị các tướng quân (shogun) cầm quyền tại Nhật Bản cấm cửa và xua đuổi nghiêm ngặt. Giáo đoàn mang tên Chúa Jesus (Dòng Jésuites) đổi hướng sang miền Nam Việt Nam, nơi đây các thương nhân Nhật đã hình thành một cơ sở giao thương thịnh vượng tại Hội An. Mãi đến năm 1624, tức là phải chín năm sau Francesco Buzumi, Alexandre de Rhodes mới có dịp cùng năm giáo sĩ khác cập bến cảng Hội An. 
 
Tuyệt đại bộ phận các nhà nghiên cứu phương Tây cũng như Việt Nam từ trước tới nay không ai quy công đầu cho một nhân vật đơn nhất làm ra tiếng Việt mà đều khẳng định, chữ quốc ngữ là công trình sáng tạo tập thể, mỗi người góp phần một ít; những vị đi trước mở đường, những người kế tiếp hoàn thiện, nâng cao dần. Đầu thế kỷ XX, một nhà sử học Pháp viết: “Cách phiên âm chữ quốc ngữ bằng chữ cái roman là do các giáo sĩ phương Tây nghĩ ra, điều đó chắc rồi, nhưng ai là người đầu tiên thì khó mà biết được” (Charles Maybon, Lịch sử hiện đại Xứ An Nam 1591-1820, Nxb Plon & Nourrit, Paris, 1919). Hình thành chữ quốc ngữ là một quá trình. Hoàn thiện chữ quốc ngữ từ xưa tới nay cũng là một quá trình, quá trình này có thể có lúc tạm ngưng hay chậm lại vì một lý do nào đó chứ không bao giờ kết thúc, bởi ngôn ngữ là một cơ thể sống, đồng hành tiến triển cùng cộng đồng sử dụng nó. 
 
Công lao đặt nền móng cho sự hình thành chữ quốc ngữ chắc chắn là công lao chung của nhiều giáo sĩ và tín đồ Thiên chúa giáo người Bồ Đào Nha, người Tây Ban Nha, người Ý, người Pháp, người Hà Lan... Và tại sao không? Người Việt Nam ta nữa chứ. Bởi, theo thiển nghĩ của chúng tôi, chính người Việt chứ còn ai khác là những ông thầy đầu tiên dạy tiếng Việt cho các giáo sĩ nước ngoài đặt chân lên đất nước mình, cho họ dần dần vươn lên trình độ không chỉ dùng tiếng Việt để giao tiếp, mà còn có thể lên bục thuyết giảng đạo lý bằng tiếng Việt. Và, một khi đã có một số tín đồ bản địa dù ít ỏi tiếp cận được chữ Latinh, thì nhất định những người Việt ấy phải có công góp phần vào việc ghi ra giấy chữ quốc ngữ bằng mẫu tự roman. Người phương Tây ra nước ngoài, nhất là vào thời bành trướng của chủ nghĩa thực dân, không mấy ai tránh được tật kỳ thị người bản địa. Nếu chúng ta tin lời của chính giáo sĩ Alexandre de Rhodes, các nhà truyền giáo người Bồ, người Ý, người Tây Ban Nha đều không muốn nâng một số giáo đồ Việt Nam lên hàng chức sắc. Có nhà sử học đặt vào miệng Alexandre de Rhodes câu nói trứ danh: “Người bản xứ có thể tử vì đạo, tại sao họ không thể làm giáo phẩm?”. Không rõ giáo sĩ Alexandre de Rhodes có thực lòng đánh giá cao người Việt Nam ta đến mức ấy hay không, trên thực tế là phải chờ hơn ba trăm năm, tính từ ngày đội thương thuyền Bồ Đào Nha cập bến Đàng Trong (và cùng với thương nhân, có một số giáo sĩ cùng đi để hành lễ cho họ), và sau hơn hai trăm năm sau khi đạo Thiên chúa bắt đầu truyền vào nước ta, thì Giáo hội Thiên chúa giáo Việt Nam mới có vị linh mục đầu tiên là người Việt. Đã thế, lễ tấn phong Cha Bỉnh được tiến hành năm 1820 tại Lisbonne thủ đô Bồ Đào Nha, chứ không phải tại một nơi nào đó trên nước Pháp hay nước Việt Nam.
 
Tại sao mỗi một Alexandre de Rhodes?
 
Tại sao trong số tập thể tác giả kia, một tên tuổi được nhắc đến, được vinh danh nhiều nhất là giáo sĩ Alexandre de Rhodes, người Pháp? Trước hết, ông là một người đa tài. Linh mục Léopold Cadière nhận định: “Không chỉ là người hành động, Cha A. de Rhodes còn là một nhà nghiên cứu và một nhà văn lớn. Có một điều đến nay (1915) nhiều người chúng ta vẫn chưa được thấy hết, là cái vốn kiến thức của ông về ngôn ngữ học. Cha A. de Rhodes là người sử dụng thành thạo nhiều thứ tiếng” (Leopold Cadière, B.A.V.H. Tập 2, năm 1915). Giáo sư Paul Mus cũng đánh giá cao Alexandre de Rhodes. Ông có đầy đủ tư chất một nhà ngôn ngữ học, thông thạo mười hai thứ tiếng, nhờ đó ông đã “tiếp cận chữ quốc ngữ trên bình diện khoa học. Ông là người có công hoàn chỉnh cách viết chữ quốc ngữ” (Paul Mus, Việt Nam, nghiên cứu xã hội học về một cuộc chiến tranh -1952). Muộn hơn, nhà sử học Jean Lacouture cho rằng, A. de Rhodes được tôn vinh không chỉ tại ông có công cho xuất bản cuốn Từ điển Việt - Bồ - Latinh (dù ông không phải là tác giả) và là người soạn cuốn Ngữ pháp tiếng Việt đầu tiên, mà lý do quan trọng hơn là, “Alexandre de Rhodes nếu không phải là người sáng tạo ra chữ quốc ngữ thì là ông người đầu tiên sử dụng và quảng bá mạnh mẽ thứ chữ ấy” (Jean Lacouture, Các giáo sĩ Dòng Tên -1991-1992).
 
Đến đây xin mở ngoặc để nói một điều. Chắc chúng ta phải ít nhiều thận trọng trước những nhận định trên. Ba học giả vừa nói, những nhà nghiên cứu uyên thâm và đáng kính, đều là người Pháp. Mà nói mạn phép, người Pháp dường như ai cũng có mang ít nhiều “máu Đại Pháp” trong người, họ bao giờ cũng tìm cách tôn vinh đồng bào của mình trước hết và trên hết; đặc biệt rõ từ thế kỷ Thế kỷ Ánh sáng, trở đi. Đấy là chưa tính những trường hợp vì mục đích chính trị. Vào thập niên 1940, khi gốc rễ chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam bắt đầu lung lay trước phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, mặt khác, chịu sức ép bởi mưu đồ bành trướng của Nhật Bản lăm lăm giương cao ngọn cờ Đại Đông Á nhằm mê hoặc và lôi kéo các dân tộc châu Á đi với mình, nhiều vị cao niên nay tuổi ngoài tám mươi chắc ít nhiều có dịp đọc các cuốn sách bằng tiếng Việt (phần lớn tái bản) được in đẹp và bán giá rẻ nhờ dựa vào ngân sách tài trợ hào phóng của nhà cầm quyền thực dân bỏ ra để xây dựng “Tủ sách Alexandre de Rhodes”. Trong bối cảnh ấy, rất dễ hiểu tại sao hai giáo sĩ phương Tây được tôn vinh nhất ở Đông Dương lui tới vẫn là A Lịch Sơn Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) và Bỉ Như Bá Đa Lộc (tức Pigneau de Béhaine, Giám mục D’Adran). Giám mục Bá Đa Lộc chính là người phò tá Hoàng tử Cảnh sang Paris cầu viện, giúp chúa Nguyễn Ánh đánh bại nhà Nguyễn Tây Sơn đang lâm vào khủng hoảng, nhằm tiến tới “nhất thống sơn hà”, để rồi một trăm năm sau nữa, toàn bộ sơn hà Việt Nam nằm dưới quyền đô hộ của thực dân Pháp.
 
Alexandre de Rhodes là người như thế nào?
 
Vấn đề này cũng đã tốn khá nhiều giấy mực. Có người quả quyết công lao ông vĩ đại lắm, người Việt Nam ta nên dựng tượng đồng bia đá cho ông. Có người quy kết ngược lại, A. de Rhodes là kẻ có tội với dân tộc Việt Nam, vì giáo sĩ này chính là người Pháp đầu tiên vận động quyết liệt nhất với triều đình vua Louis XIV, kể cả vào tận hậu cung của ông vua Mặt trời làm cái việc thời nay gọi là lobby, xin cụ Thái hoàng Thái hậu can thiệp, thúc đẩy hoàng gia Pháp cho các giáo sĩ Dòng Tên sang các xứ Đông Dương, mở đường cho các pháo hạm Pháp sang xâm chiếm vùng đất phì nhiêu này. Hơn thế, về nhân thân, Alexandre de Rhodes mang tiếng kẻ “đạo văn”. Theo một số học giả, ông đã lấy bản thảo cuốn Từ điển Việt - Bồ - Latinh do hai nhà truyền giáo nước Bồ biên soạn và gửi lại Nhà thờ San Pauli (Macao) trước khi rời Trung Quốc về nước, mang sang La Mã cho xuất bản đứng tên mình là tác giả. Đã thế, ông còn ngang nhiên nhận mình là làm ra một cuốn hồi ký do người khác viết,v.v... Do tư cách không đàng hoàng, khi vua Pháp Louis XIV được sự chấp thuận của Giáo hội La Mã, phái một đoàn hùng hậu các giáo sĩ Pháp sang Viễn Đông, Alexandre de Rhodes không có tên trong đoàn. Ngược lại, ông bị Vatican cảnh cáo bằng cách đày sang nước Ba Tư của người Hồi giáo với nhiệm vụ truyền đạo Thiên chúa, để rồi sẽ kết thúc cuộc đời tại chốn nửa lưu đày này.
 
Những sự đánh giá trên đây chắc hẳn ít nhiều đều dựa trên căn cứ lịch sử. Coi lại các bản Trần thuật của Alexandre de Rhodes về những chuyến đi Viễn Đông của ông, người đọc ngày nay ai cũng nhận thấy tác giả khoa trương thái quá về công đức của mình, đến nỗi các nhà sử học người cùng nước với ông và trước sau vẫn suy tôn ông, cũng khó nén được nụ cười nửa miệng. Chẳng hạn câu chuyện sau đây, do Jean Lacouture kể với cái giọng tỉnh bơ: Tháng 7 năm 1645, khi giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã bị Chúa Nguyễn ra lệnh bắt giam, kết án tử hình, và đợi ngày bị hành quyết một cách thảm thương giống như cảnh một giáo sĩ khác bị chém đầu mà chính ông đã mô tả chi tiết trong cuốn trần thuật của mình, tuy nhiên vì nhà Chúa không muốn căng thẳng quá trong quan hệ với phương Tây, đã cho giảm án xuống mức trục xuất, rồi sai giao ông cho chủ một chiếc tàu buôn Nhật sắp rời bến Hội An sang Macao với yêu cầu mang ông sang thả xuống bên ấy, là nơi ông đã từ đó sang đây. Vậy mà trong thời gian ngắn bị quản thúc trên chiếc tàu buôn Nhật Bản, đêm đêm A. de Rhodes vẫn lẻn lên bờ giảng đạo cho dân bản địa, ông đã làm lễ rửa tội và ban phép lành cho những 92 người, nhờ có công đức của ông mà 92 người Việt tìm được con đường về gần Chúa. Để đỡ dài dòng, xin miễn bình luận. 
 
 Alexandre de Rhodes sinh năm 1591 tại thành phố Avignon, miền Nam nước Pháp, trong một gia đình người gốc Do Thái chuyên buôn tơ lụa sang Viễn Đông. Mẹ là người Pháp gốc Ý. Từ nhỏ Alexandre đã ước mơ được đặt chân tới các miền đất hứa phương Đông giàu tài nguyên quý hiếm như Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam... Trở thành giáo sĩ, ông toại nguyện khi được cử sang Macao trên một chiếc tàu buôn Bồ Đào Nha. Thời ấy, đội thương thuyền của Bồ mạnh nhất thế giới. Người Bồ vẫn huênh hoang: “Không có tàu buôn Bồ, không có hàng tạp hóa Bồ, thì làm gì có các Giáo sĩ dòng Tên!” (René Etiemble, trong bộ châu Âu thuộc Trung Quốc, 1988). A. de Rhodes cập bến Đàng Trong nước ta lần đầu năm 33 tuổi, và sẽ sống tại đây trước sau bảy năm tất cả, trước khi rời Viễn Đông để không bao giờ trở lại. Ông có đầy đủ tư chất và kiến thức một nhà ngôn ngữ học. Sau khi được thụ phong giáo sĩ, ngoài tiếng Ý là tiếng của họ ngoại mà ông sử dụng được từ bé, trước lúc lên tàu sang Viễn Đông ông dành thời gian học tiếng Bồ Đào Nha. Cuối đời, bị “nửa lưu đày” sang Ba Tư, ông vẫn chuyên cần học tiếng bản địa và chẳng bao lâu sử dụng thành thục ngôn ngữ thứ 13 là tiếng Ba Tư. Điều đó cho phép chúng ta hiểu thêm, tại sao Alexandre de Rhodes là người hay được viện dẫn nhất - ngoài những nguyên nhân vừa nói ở trên - khi các học giả bàn vấn đề: ai là những người chủ chốt sáng tạo chữ quốc ngữ.
 
Sự cạnh tranh giữa thực dân Bồ và thực dân Pháp
 
Về nguyên nhân tại sao Alexandre de Rhodes không được trở lại Viễn Đông cùng với đoàn giáo sĩ Pháp mà ông có công vận động thành lập, một số nhà sử học giải thích tại sự cạnh tranh giữa chủ nghĩa thực dân Bồ và chủ nghĩa thực dân Pháp. Thời kỳ đầu, với việc nhà hàng hải người Bồ Christophe Colomb (tiếng Bồ Đào Nha: Christoforo Colombo) tìm ra châu Mỹ (1492) đến việc nhà hàng hải cũng là người Bồ Magellan (Fernao de Magalhaes) phát hiện quần đảo Philippines tại Viễn Đông (1521), có thể coi như người Bồ Đào Nha làm bá chủ các đại dương. Tiếng Bồ là ngôn ngữ người phương Tây dùng, bất kỳ người nước nào đến nước ta cũng phải thông qua phiên dịch người Bồ để giao tiếp với người Việt, không chỉ thương nhân mà cả các giáo sĩ, người Bồ Đào Nha đã đành, cả người Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Hà Lan... cũng phải làm theo cách ấy. Tuy nhiên, thời hoàng kim của tiếng Bồ không kéo dài. Sự cạnh tranh giữa các quốc gia châu Âu ngày càng quyết liệt. Quần đảo Indonesia thoạt tiên do người Bồ Đào Nha khám phá, chẳng bao lâu rơi vào tay người Hà Lan. Quần đảo Philippines do người Bồ phát hiện và cắm quốc kỳ Bồ lên đó đầu tiên, bị người Tây Ban Nha đoạt. Chủ nghĩa thực dân Tây Ban Nha và Pháp cũng cùng lúc trỗi dậy, cùng ganh đua với nhau và giành giật với Bồ Đào Nha, hai nước ấy tìm mọi cách hạ uy thế của nước Bồ, hoặc bằng vũ lực, hoặc thông qua việc lấy lòng các lãnh chúa địa phương, như trường hợp người Pháp làm đối với chúa Nguyễn Ánh khi ông thất cơ lỡ vận trước sự nổi dậy của Nguyễn Huệ. 
 
Trong bối cảnh ấy, “Alexandre de Rhodes không quên mình là người Pháp” (Jean Lacouture). Ông vận động ráo riết để người Pháp sớm có mặt ở Viễn Đông. Dù chịu ơn sâu các giáo sĩ người Bồ Đào Nha, ông vẫn cả gan vượt mặt các bậc bề trên trong Giáo đoàn Dòng Tên để tìm cách liên hệ trực tiếp với Tòa thánh Vatican, kể cả việc xin yết kiến đích thân Giáo hoàng nhằm nâng cao vị thế của Pháp, v.v... Vì những lý do đó, “ông bị triều đình Bồ Đào Nha coi như một kẻ thù của nước ấy”.
 
Thôi thì hãy để các nhà sử học và nhà ngôn ngữ học... tiếp tục tranh luận với nhau. Đối với người Việt Nam chúng ta, bất kỳ ai có đóng góp ít hoặc nhiều cho sự phát triển của văn hóa Việt, chúng ta đều hàm ơn, và hậu thế sẽ thành kính tôn vinh những người nước ngoài có cống hiến trên mặt ấy tùy theo công lao đóng góp của họ, cho dù nhân thân họ là người thế nào. Việc một số nơi ở Bắc Bộ đến nay vẫn có đền thờ thái thú Sĩ Nhiếp (thế kỷ II trước công nguyên), viên quan cai trị mở đầu việc truyền Nho giáo vào đất Giao châu, là một thí dụ (Hiện tại làng Tam Á, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, vẫn còn đền thờ Sĩ Nhiếp). Tôi nghĩ không phải ngẫu nhiên mà thành phố mang tên Hồ Chí Minh ngày nay vẫn giữ nguyên vẹn tên hai con đường chạy song song, đường phía bên trái mang tên nhà nho Hàn Thuyên, đường phía bên phải mang tên giáo sĩ Alexandre de Rhodes. Cũng không phải không hàm chứa ý nghĩa cao cả mang ý nghĩa tượng trưng, khi chính giữa hai con đường song hành ấy có đại lộ dài hơn, rộng hơn mang tên Lê Duẩn; ba con đường như thể đồng hành để cuối cùng đại lộ Lê Duẩn băng qua đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đàng hoàng tiến vào thẳng cổng chính Dinh Độc Lập, biểu tượng của quốc gia Sài Gòn trước năm 1975, trước nữa là Phủ Toàn quyền Đông Dương.
 
Gia Định báo là tờ báo đầu tiên của Việt Nam được in bằng chữ quốc ngữ. Ảnh: internet
Gia Định báo là tờ báo đầu tiên của Việt Nam được in bằng chữ quốc ngữ. Ảnh: internet
 
Không thể dùng chữ Pháp hay chữ Hán
 
Khi thực dân Pháp đoạt trọn sáu tỉnh Nam Kỳ từ tay triều đình nhà Nguyễn vào nửa cuối thế kỷ XIX, chữ quốc ngữ đã ra đời được khá lâu. Về mặt chính tả, nó đã vượt qua bước sơ khai, có thể coi như thực sự định hình. Tuy vậy, phạm vi sử dụng nó vẫn không ra quá xa ngoài khuôn viên các nhà thờ Thiên chúa giáo và một số chức sắc người bản địa. Chữ quốc ngữ thời ấy chủ yếu được các giáo chức nước ngoài dùng để rao giảng, truyền bá giáo lý đạo Thiên chúa. Dưới con mắt đầy cảnh giác của đại bộ phận nhân dân ta chịu ảnh hưởng của Nho giáo thời ấy, chữ quốc ngữ chẳng qua là một sản phẩm nữa của người “Tây dương” ẩn chứa nhiều mưu đồ và tham vọng.
 
Nhà cầm quyền Pháp ở Nam Kỳ, mà chóp bu là các Đô đốc Hải quân, thoạt tiên không mấy quan tâm đến chữ quốc ngữ của các nhà truyền giáo. Chính sách văn hóa của thực dân Pháp thực chất là chính sách ngu dân. Họ muốn nhân dân những xứ họ cai trị chỉ dùng tiếng Pháp, coi tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức và ngôn ngữ làm việc duy nhất của quốc gia, không chỉ trong giao dịch việc công mà cả trong cuộc sống thường ngày - điều họ đã thành công tại một số nơi bị người Pháp đặt nền đô hộ, như tại một phần lục địa châu Phi và cả ở Trung Mỹ với quốc đảo Haiti. Tuy nhiên, nhà cầm quyền Pháp mau chóng nhận ra, đối với một nước có chiều dày văn hiến như Việt Nam, với những người ý thức dân tộc cao như người Việt, rất khó dùng tiếng Pháp áp đặt bộ máy cai trị và phục vụ việc bình định hết sức khó khăn của họ lúc bấy giờ. Cho đến đầu thế kỷ XX, theo báo cáo của Phó Thống đốc Nam Kỳ trước một Ủy ban của Nghị viện Pháp sang giám sát tại chỗ, “ở toàn bộ Nam Kỳ chỉ có khoảng mấy trăm người An Nam nói thạo tiếng Pháp, không tính mấy ngàn người nói nhăng nhít đôi ba tiếng Tây, đó là những người giúp việc gia đình, đầu bếp, kéo xe, cu ly... phục vụ các ông chủ Pháp” (Dẫn theo nhà sử học Jean Chesneaux, Đóng góp vào lịch sử quốc gia Việt Nam, Nxb Editions Sociales, Paris, 1955). Sau thất bại của tờ Bản tin chính thức của Phái bộ Viễn chinh Nam Kỳ xuất bản bằng tiếng Pháp (1861), các đô đốc Pháp thử cho ra tờ Bản tin làng xã in bằng chữ Hán. Đối tượng của bản tin này là các công chức, hào lý, chức dịch... người Việt Nam. Nhưng số chức dịch thông thạo chữ Hán ở Nam Bộ đâu có nhiều. Đó là một trong nhiều lý do khiến người Pháp phải xúc tiến việc cho ra đời tờ Gia Định báo (1865) bằng chữ quốc ngữ, do một người Pháp là Ernest Potteau chủ trì, mà mục đích ban đầu đơn giản là làm công việc của một tờ công báo (journal officiel) trực thuộc bộ máy cai trị nấp dưới danh nghĩa chung chung “Phái bộ Pháp ở Đông Dương”. Tiếp ngay sau đó, tờ Phan Yên báo bằng chữ quốc ngữ do nhà báo Diệp Văn Cương, một nhân sĩ nổi tiếng, con rể vua Dục Đức làm chủ bút ra mắt bạn đọc (1868), rồi một số tờ báo khác nữa tiếp tục ra đời dù chẳng lưu lại tiếng tăm gì đáng kể. 
 
Rõ ràng người Pháp sớm nhận ra, cần nâng đỡ chữ quốc ngữ, cần sử dụng nó, cần kéo nó ra khỏi phạm vi nhà thờ Thiên chúa giáo để đưa vào đời sống xã hội, đương nhiên nhằm trước hết và trên hết phục vụ các mục đích của chế độ thuộc địa. Sau khi việc chủ trì tờ Gia Định báo được chuyển từ tay người Pháp sang một học giả người Việt Nam là Petrus Trương Vĩnh Ký, Gia Định báo mới dần dần mang dáng dấp một tờ báo theo đúng nghĩa của nó. Tuyệt nhiên không phải như có ý kiến quả quyết: “Khi nắm được chữ quốc ngữ, người Việt Nam không ngần ngại, dùng ngay. Xem số sách báo bằng chữ quốc ngữ tràn đầy cuối thế kỷ XIX thì thấy...”. Thực tế không phải thế. Theo thống kê của Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng, đến hết thế kỷ XIX, ngoài hai tờ báo nói trên - trong đó tờ Phan Yên báo mới ra được mỗi một số thì bị đóng cửa luôn vì để lộ thái độ không tán thành chế độ cai trị của người Pháp tại Việt Nam - trong khoảng thời gian 35 năm cuối thế kỷ XX, tức một phần ba thế kỷ, vẻn vẹn chỉ có thêm ba tờ báo tiếng Việt nữa ra đời là Nhật trình Nam Kỳ (1883), Nam Kỳ địa phận (1883) và Đại Nam đồng văn nhật báo (1892). Tờ Nông cổ mín đàm nổi tiếng hơn và sống dai hơn thì phải đợi đến năm bản lề giữa hai thế kỷ XIX và XX (1900) mới chính thức ra mắt bạn đọc (Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng, Lịch sử báo chí Việt Nam... - 1973).
 
Vai trò của các chí sĩ yêu nước và của báo chí, văn học Việt Nam
 
Để chữ quốc ngữ đi dần vào đời sống xã hội, nhà cầm quyền Pháp có ban hành một số chính sách, như mở các trường tiểu học Pháp Việt, đưa thêm chữ quốc ngữ vào thành một môn bắt buộc trong các cuộc thi Hương (cho những ai muốn sau khi thi đỗ ra làm viên chức) trước khi lần lượt bỏ hẳn các cuộc thi ấy ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Nói cách khác người Pháp đòi hỏi các viên chức bản xứ ai muốn làm việc cho nhà cầm quyền, kể cả làm việc cho Nam triều, ngoài chữ nho phải thông thạo chữ quốc ngữ, mặt khác, họ nới lỏng một phần những ràng buộc quá khắt khe để cho phép thêm một vài tờ báo nữa xuất bản bằng tiếng Việt, v.v... Tuy nhiên, yếu tố quan trọng hơn cả, theo thiển nghĩ của chúng tôi, cần phải tính đến vai trò của các nhà yêu nước Việt Nam.
 
Các chí sĩ Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX mặc dù hầu hết xuất thân Nho học và đều quyết liệt chống chủ nghĩa thực dân, đã sớm nhận ra tiện ích, tính dễ học và công dụng của chữ quốc ngữ. Đông Kinh Nghĩa Thục do các chí sĩ Lương Văn Can, Nguyễn Quyền... sáng lập, mở trường dạy học tại Hà Nội, công bố Văn minh tân học sách (1904) nêu sáu chính sách lớn, mà chính sách đầu tiên là dùng văn tự nước nhà: “Phàm người trong nước đi học nên lấy chữ quốc ngữ làm phương tiện đầu tiên, để cho trong vài tháng đàn bà trẻ con cũng đều biết chữ...”, và chính sách thứ sáu, cuối cùng, là “xuất bản báo chí quốc văn” (Giáo sư Đặng Thai Mai dịch từ chữ Hán, Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX, Nxb Khoa học Xã hội, 1961). Tiến sĩ Trần Quý Cáp, người Quảng Nam, nhà yêu nước bị thực dân Pháp kết án tử hình vì tội có những hành động chống chế độc thực dân, lại đích thân kêu gọi: “Chữ quốc ngữ là hồn trong nước/ Phải đem ra tính trước dân ta...” (1905) (Báo Tiếng dân, ngày 6/9/1931). Cụ nghè Ngô Đức Kế, người Nghệ Tĩnh, từ Nhà tù Côn Đảo trở về, lớn tiếng khẳng định trên Tạp chí Hữu Thanh: “Các nhà tân học, cựu học đều biết rằng muốn khai thông phong khí cho dễ, truyền bá văn minh cho mau, thì phải dùng tiếng mình chữ mình” (Tạp chí Hữu Thanh số 12, tháng 4 năm 1924), v.v... Nhìn bề ngoài, có vẻ như một nghịch lý: các nhà Nho yêu nước, kịch liệt chống thực dân, bị Pháp bắt bớ, tù đày, giết hại lại đồng tình với một chủ trương do người Pháp khởi xướng, thực tế đó nói lên tầm nhìn xa, lòng yêu nước đậm chất nhân văn và tính vô tư của các bậc tiền bối đáng kính của chúng ta.

Báo chí cách mạng Việt Nam, và tiếp ngay sau báo chí là văn học hiện đại Việt Nam, là những nhân tố quan trọng. Báo chí và văn học có công hoàn thiện, phổ cập, thống nhất, nâng cao chữ quốc ngữ, làm cho tiếng Việt thể hiện bằng chữ quốc ngữ trở thành một ngôn ngữ thống nhất từ Bắc chí Nam, đủ sức diễn đạt sáng tỏ, chuẩn xác, nhuần nhị mọi vấn đề của cuộc sống bình thường cũng như trong chính trị, triết học, văn học, khoa học, kỹ thuật, công nghệ... Từ những năm 1920, báo chí đã tiếp tục hoàn thiện chữ quốc ngữ về chính tả, cú pháp, tách ngôn ngữ văn học khỏi lối văn chương biền ngẫu, mặt khác nâng văn học lên cho ngôn từ diễn đạt trau chuốt, chuẩn xác hơn ngôn ngữ đời thường. Vấn đề cải cách lối viết chữ quốc ngữ, thay đổi một số điểm chưa hợp lý được đặt ra chỉ ba năm sau ngày Gia Định báo ra số đầu, vậy mà từ bấy đến nay thỉnh thoảng lại rộ lên trên báo chí rồi rơi vào im lặng. Lý do? Có lẽ đúng như lời Giáo sư Hoàng Xuân Hãn: “Tiếng hiện thời của các nước đều đầy sự vô lý. Nhưng đố ai cải cách nó được”. 
 
Báo chí chữ quốc ngữ từ đầu thế kỷ XX với các tờ Nông cổ mín đàm (1900), Lục tỉnh tân văn (1907) ở trong Nam, Đông Dương tạp chí (1913), Nam Phong tạp chí (1917) ở ngoài Bắc - ở miền Trung, do tính bảo thủ của Nam triều tiếp tay cho ách thực dân hà khắc, mãi tới năm 1927 mới ra đời tờ Tiếng dân do chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng chủ trương - các cơ quan báo chí đã chuẩn bị và tạo điều kiện cho sự nở rộ của văn học Việt Nam những năm 1930 trở về sau, với việc đăng tải văn dịch của Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Bá Học..., biên khảo của Phạm Quỳnh, Lê Thước, Nguyễn Văn Tố, Đào Trinh Nhất..., nghiên cứu của Nguyễn Hữu Tiến, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Ngọc, Đào Duy Anh..., luận chiến của Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, Hải Triều..., sáng tác của Phạm Duy Tốn, Nguyễn Trọng Thuật, Hồ Biểu Chánh, Tản Đà, Hoàng Ngọc Phách, Đông Hồ... và rất nhiều tên tuổi khác thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Cuộc thi viết tiểu thuyết đầu tiên trong lịch sử văn học ta là do một tờ báo ở miền Nam đề xướng, tổ chức thành công và trao giải thưởng.
 
Sách báo cách mạng tạo bước ngoặt trong việc dùng từ, cấu trúc câu văn, du nhập vào ngôn ngữ Việt Nam nhiều thuật ngữ trước đó chưa từng có. Qua khảo sát một số bản báo Dân chúng (1938-1939), sách Vấn đề dân cày của Qua Ninh (bút danh của Trường Chinh) và Vân Đình (bút danh của Võ Nguyên Giáp) in năm 1938, GS. TS. Đinh Văn Đức nhận xét, có thể thấy cấu trúc câu văn trong sách báo cách mạng hồi ấy rất gần với diễn ngôn chính luận của báo chí ta hôm nay, và gần 80% thuật ngữ chính trị hồi ấy nay được dùng trong báo chí ta (Tạp chí Ngôn ngữ, số tháng 3 năm 2000).
 
Trước năm 1945, bàn về “Sự thành lập một nền quốc văn mới”, nhà giáo, học giả Dương Quảng Hàm, viết: “Thời kỳ này, báo chí kế tiếp xuất bản, trong đó có các nhà viết báo có giá trị, hoặc về phái cựu học, hoặc về phái tân học..., nhờ đó mà quốc văn mới thành lập và có cơ sở vững vàng”. Nghĩ về “Tương lai của nền quốc văn mới”, ông tin tưởng: “Nhờ có chữ quốc ngữ là một thứ chữ tiện lợi để phiên âm tiếng ta, các báo chí xuất bản ngày một nhiều, văn quốc ngữ đã thành lập và đã sản xuất được nhiều tác phẩm có giá trị (...). Dân tộc ta là một dân tộc có sức sinh tồn rất mạnh..., chắc rằng dân tộc ta sẽ tìm thấy (từ văn học nước ngoài) những điều sở trường để bồi bổ những chỗ thiếu thốn của mình..., làm cho cái tinh thần dân tộc được mạnh lên để gây lấy một nền văn học vừa hợp với hoàn cảnh hiện thời vừa giữ được cái cốt cách cổ truyền” (Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, 1941).
 
Về mặt nâng cao dân trí, người dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945 dù không thông thạo ngoại ngữ, thông qua báo chí và văn học chữ quốc ngữ, vẫn có thể tiếp cận một số tác phẩm của văn học cổ điển Pháp, các nhà tư tưởng Thế kỷ Ánh sáng, các triết gia và thi sĩ Đức, nhà viết kịch Shakespeare và nhà viết tiểu thuyết phiêu lưu Stevenson, Anh, các nhà “tân học” người Trung Hoa và các nhà “duy tân” người Nhật Bản, và trong chừng mực nào đó chúng ta bắt đầu làm quen một số nền văn hóa lớn khác như Ấn Độ, Ba Tư, Nga... qua các tác phẩm của các danh nhân Rabrinarath Tagore, Saadi, Avincennes, Lev Tolstoi, Maxim Gorki... thông qua chữ quốc ngữ.
 
Báo chí cách mạng, khởi nguồn với Báo Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập (1925) cùng các xuất bản phẩm hầu hết viết bằng tiếng Việt, chúng ta đã dùng chữ quốc ngữ để giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, đi đầu trong mọi cuộc vận động đấu tranh bí mật, công khai và nửa công khai, để trở lại hoàn toàn bí mật trong Chiến tranh thế giới thứ hai, góp phần dọn đường cho Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, thành lập chế độ dân chủ cộng hòa. Qua mấy cuộc kháng chiến cứu nước, thống nhất giang sơn, chống bành trướng xâm lăng, rồi đổi mới thành công, hội nhập kinh tế, chữ quốc ngữ thông qua báo chí và “văn học quốc văn” liên tục phát triển và được sử dụng hiệu quả trong mọi sinh hoạt vật chất và tinh thần của đất nước. 
 
Chính quyền cách mạng, bệ phóng vững chãi
 
Đã gọi “quốc ngữ”, đương nhiên đó là tiếng nói, là chữ viết của quốc gia. Nhận rõ tầm quan trọng của nó, từ những năm 1937-1938, Đảng ta đã vận động một số nhà trí thức đứng ra thành lập Hội Truyền bá Quốc ngữ, mời hai nhà nghiên cứu uyên thâm cả chữ Hán lẫn tiếng Pháp là cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, thành viên Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp, và cụ Phó bảng Ưu Thiên Bùi Kỷ, nhà giáo dục học, làm Hội trưởng và Hội phó. Trong thời gian bảy năm, từ 1938 đến tháng Tám năm 1945, Hội Truyền bá Quốc ngữ đã xóa mù chữ cho tám vạn đồng bào. Hội Truyền bá Quốc ngữ là cơ sở tổ chức và nhân sự cho chế độ mới dựa vào mà thành lập Nha Bình dân học vụ, cùng hệ thống bình dân học thống nhất từ trung ương đến huyện, xã, xóm, bản, điểm cư dân. Chữ quốc ngữ từ trước đến sau, đặc biệt từ khi có Đề cương văn hóa Việt Nam (1943), luôn giữ vai trò hàng đầu trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy, xây dựng con người và văn hóa Việt Nam.
 
Sau 1945, với các chính sách văn hóa, giáo dục, khoa học của chế độ mới dựa trên tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chữ quốc ngữ gặp cơ hội vàng để vươn cao bay xa. Xóa nạn mù chữ, bổ túc văn hóa, dùng tiếng Việt trong toàn bộ hệ thống giáo dục từ mẫu giáo đến đại học và sau đại học, xuất bản báo chí, quảng bá văn chương, chấn hưng văn hóa, bảo tồn di sản..., đúng là chữ quốc ngữ ngay từ sau Tháng Tám năm 1945 đã được đặt lên bệ phóng vững chãi, để liên tục có những bước phát triển cả về lượng và chất. Trong hoạt động của Nhà nước Việt Nam, tiếng Việt thể hiện bằng chữ quốc ngữ là ngôn ngữ chính thức của Nhà nước, ngôn ngữ làm việc của bộ máy công quyền, phương tiện giao lưu chủ chốt của toàn thể nhân dân Việt Nam. 
 
Nhà văn và nhà sử học Jean Lacouture kể lại, một lần Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Hoa Chu Ân Lai tiếp ba nhà văn hóa châu Âu: đạo diễn điện ảnh Hà Lan Joris Ivens cùng phu nhân Marceline Loridan, đặc phái viên báo Le Monde, và nhà văn, nhà sử học Jean Lacouture tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh. Thủ tướng có nói: Trung Quốc không được may mắn như những người bạn Việt Nam của chúng tôi, Trung Quốc chưa có cách viết chính thức tiếng Hoa bằng mẫu tự roma (Trước đây gọi “la tinh hóa”, do đó chúng tôi tiếp cận nền văn minh phương Tây không dễ dàng và thuận tiện như các bạn của chúng tôi ở Việt Nam (Jean Lacouture, Những giáo sĩ Dòng Tên Jésus (Tập I, 1991). Theo số liệu cuối năm 2014, cách thể hiện ngôn ngữ). Chữ quốc ngữ khởi thủy do một số giáo sĩ châu Âu đề xướng và, như đã nói ở trên, được các giáo sĩ người nước ngoài cùng một số tín đồ Thiên chúa giáo người Việt đồng sáng lập. Qua nhiều biến thiên động trời, chữ quốc ngữ vẫn không ngừng tiến triển, hoàn thiện, nâng cao, sử dụng ngày càng rộng rãi. Ấy là công lao của toàn thể nhân dân Việt Nam ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó công đầu thuộc về báo chí, truyền thông, văn học, giáo dục, khoa học, văn hóa... 
 
Bước vào thế kỷ XX, nếu không có sự ủng hộ của các phong trào yêu nước Việt Nam, bao gồm trong đó các nhà cựu học và tân học, chữ quốc ngữ khó có được bước khởi sắc đột phá như lịch sử từng chứng kiến. Sau khi thành lập chế độ dân chủ cộng hòa năm 1945, nếu không có chính sách đúng đắn, sáng tạo, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước ta, chữ quốc ngữ không thể có cống hiến to lớn vào việc xây dựng văn hóa, đào tạo nhân tài, thúc đẩy toàn bộ tiến trình đi lên của đất nước Việt Nam như hơn bảy chục năm qua. Trong tương lai, đồng hành cùng dân tộc vượt qua thách thức, nắm bắt vận hội, vai trò của chữ quốc ngữ ngày càng phát huy, quốc ngữ, quốc văn sẽ có cống hiến ngày càng lớn cho đất nước.
 
Chỉ cần tên gọi bốn con đường, từ đường Lê Duẩn lội ngược thời gian qua đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường Alexandre de Rhodes lên đường Hàn Thuyên, cùng với tên gọi tòa nhà Thống Nhất giữa lòng Sài Gòn - Chợ Lớn nay là Thành phố Hồ Chí Minh chói lọi tên vàng, chừng ấy thôi đủ cho mọi người nhìn thấy ý chí kiên cường cùng truyền thống khoan dung của người Việt, bắt đầu thể hiện thành văn từ thời Lý Thường Kiệt với “Nam quốc sơn hà...”, qua Nguyễn Trãi tại “Bình ngô đại cáo” đến “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh, cũng như hình dung rõ quá trình giao lưu, tiếp biến và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt từ chữ Hán sang chữ Nôm, rồi từ mẫu tự Latinh sáng tạo nên chữ quốc ngữ ngày nay.
 
PHAN QUANG 
(Viết năm 2007, sửa năm 2017)