Kỉ niệm 40 năm Chiến tranh biên giới phía Bắc (2/1979-2/2019): Lá chắn đèo Liêu và nhạc phẩm của Dương Toàn Thiên

04:02, 14/02/2019

(LĐ online) - Cách đây tròn 40 năm, 60 vạn quân đội Trung Quốc ồ ạt xâm lược đánh chiếm 6 tỉnh phía Bắc nước ta. Một trong những "lá chắn" vững chắc của quân đội ta là Khau Liêu (đèo Liêu), cũng là huyền thoại của thiên nhiên kì vĩ. Chỉ sau mấy tháng cuộc chiến kết thúc (năm 1980), nhạc sĩ, cựu chiến binh Dương Toàn Thiên (hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, từng phụ trách Phòng Văn nghệ Đài PTTH tỉnh Lâm Đồng đã nghỉ hưu) sáng tác ca khúc "Qua đèo Liêu" nổi tiếng.  

(LĐ online) - Cách đây tròn 40 năm, 60 vạn quân đội Trung Quốc ồ ạt xâm lược đánh chiếm 6 tỉnh phía Bắc nước ta. Một trong những “lá chắn” vững chắc của quân đội ta là Khau Liêu (đèo Liêu), cũng là huyền thoại của thiên nhiên kì vĩ. Chỉ sau mấy tháng cuộc chiến kết thúc (năm 1980), nhạc sĩ, cựu chiến binh Dương Toàn Thiên (hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, từng phụ trách Phòng Văn nghệ Đài PTTH tỉnh Lâm Đồng đã nghỉ hưu) sáng tác ca khúc “Qua đèo Liêu” nổi tiếng.  
 
Đèo Liêu ngày xưa ấy
Đèo Liêu ngày xưa ấy
Khau đọc theo tiếng Tày, tiếng Kinh là đèo Liêu; nằm tọa độ 22°45′14″ Bắc và 106°27′46″ Đông, trên đường tỉnh 206, giữa hai huyện Quảng Uyên và Trùng Khánh của tỉnh Cao Bằng. Đèo vốn rất quanh co, gấp khúc và hiểm trở. Chiến tranh biên giới nổ ra năm 1979, Khau Liêu là cao điểm giao tranh khốc liệt, giằng co giữa quân đội Việt Nam với quân xâm lược. Kết thúc chiến tranh, một tấm bia bằng bê tông ghi dòng chữ "Chiến thắng Khau Liêu tháng 2 năm 1979" đặt trên đỉnh đèo, ghi dấu một chứng tích, tô đậm trang sử giữ nước của tỉnh Cao Bằng để nhắc nhở hậu thế.
 
 Anh Dương Toàn Thiên là người con của tỉnh Cao Bằng, vốn là nhạc sĩ sáng tác của Lữ đoàn pháo binh 675, tham gia chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Đắc Tô - Tân Cảnh năm 1972; tham gia đánh quân lấn chiếm (sau Hiệp định Pari năm 1973), Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Năm 1977, ra quân, anh chuyển ngành về làm phóng viên Văn Nghệ Đài Phát thanh tỉnh Cao Bằng. Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, anh tham gia tổ phóng viên chiến trường viết tin bài cho Đài (phát sóng nhờ Đài của tỉnh Bắc Thái). Mấy tháng sau khi Việt Nam giành lại hoàn toàn giang sơn bị chiếm giữ, trong chuyến công tác qua đèo Liêu, với cảm xúc mạnh, nhạc sĩ đã sáng tác bài hát này. Sau này chuyển vào công tác tại Lâm Đồng, nhạc sĩ Dương Toàn Thiên tiếp tục thành công với nhiều tác phẩm âm nhạc, trong đó có những ca khúc nổi tiếng về vùng đất mới Nam Tây Nguyên và từng giữ Chi hội trưởng Âm nhạc, Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng. 
 
Năm nay, cả nước cùng nhớ về sự kiện biên giới, trong đó có nhạc sĩ Dương Toàn Thiên. Anh bồi hồi với cảm xúc thiêng liêng: “40 năm trước, vừa rời chiến trường phía Nam lại phải lao vào chiến trường phía Bắc. Cảnh 6 tỉnh biên giới phía Bắc bị kẻ thù bắn phá, giết chóc; tan hoang là thế mà vẫn ra được dòng giai điệu lạc quan dành cho các chiến sĩ trên điểm chốt đèo Liêu”. Ca khúc “Qua đèo Liêu” ra đời đã được Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng và phát sóng qua tiếng hát của ca sĩ Hoàng Cúc và tốp ca nữ của Đài. Tuy nhiên, do những lí do khách quan, số phận của tác phẩm phải chịu một thời gian dài…“khuyết danh”. Sau 37 năm, tình cờ tác giả Dương Toàn Thiên tìm được bài hát của mình, post lên trang “Bài ca đi cùng năm tháng”. Anh chia sẻ: “Càng xúc động khi được đọc những dòng tâm sự của các bạn yêu nhạc. Chợt vui mừng nhận ra rằng vậy là ca khúc của mình “còn sống” và còn giá trị với cộng đồng các bạn yêu nhạc và yêu từng tấc đất quê hương, Tổ quốc mình. Xin chân thành cảm ơn các bạn”. 
 
“Qua đèo Liêu” có tiết tấu khoan thai, sắc thái hân hoan, cảm hứng tự hào dân tộc. Tác phẩm được sáng tạo trên chất liệu âm nhạc từ điệu Xà-xá, một làn điệu dân ca của dân tộc Nùng Giang, miền có đèo Liêu. Bài hát điệp khúc hai đoạn và phần kết, ngợi ca và tự hào về một vùng sơn cước của Tổ quốc thương yêu, là hùng vĩ của thiên nhiên, là quả cảm của người chiến sĩ bảo vệ giang sơn. Ca từ đẹp từ hình thức ngôn ngữ đến ý niệm mĩ cảm. Ở đó, có “suối hát trong gió reo nhạc rừng”, “mặt trời vừa lên đầu non vó ngựa em vang sườn núi”…Ở đó, “nơi ghi dấu ngàn đời” có “trận địa năm xưa” “vững vàng chiến lũy”…Bài hát ngân vang điệp khúc “Ơi Đèo Liêu” với âm hưởng không chỉ trân quý mà còn là tiếng lòng tưởng niệm và tri ân…: “Ơi đèo Liêu. Mùa xuân đến em vượt đèo Liêu đi trẩy hội lồng tồng, lòng còn ghi chiến công của người chiến sĩ trên đèo Liêu anh hùng”. “Ơi đèo Liêu, nơi ghi dấu ngàn đời. Trận địa năm xưa máu đào còn thắm, cho đèo Liêu hôm nay vững vàng chiến lũy, cho nương đỗ tương vàng đẹp thêm sắc quê hương Trùng Khánh yêu thương kiên cường dải biên cương. Ơi đèo Liêu. Mùa xuân đến em vượt đèo Liêu đi trẩy hội lồng tồng, lòng còn ghi chiến công của người chiến sĩ trên đèo Liêu anh hùng”…
 
Rất nhiều đồng đội năm xưa và đông đảo bạn bè đã biểu cảm tâm tình về tác phẩm và tác giả trên mạng xã hội. Đặc biệt là khơi dậy hồi ức thiêng liêng trong các cựu chiến binh, đồng đội của tác giả Dương Toàn Thiên năm xưa. Một Vũ Đăng Dũng: “Khau Liêu, lá chắn thép một thời máu lửa…Ơi biên giới trong xanh một màu, điểm cao thì bồng bềnh trong mây, nghe tiếng chim ta lại thêm thương mảnh đất nơi này”. Một Thanh Bùi: “Mình vừa nghe lại bài hát này, cảm xúc bi tráng của những người trong cuộc lại ùa về... Đèo Liêu - con đèo của một vùng biên ải hùng vĩ còn nhiều gian khó, con đèo của chiến công hiển hách trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc...Sau 40 năm, con đèo vẫn còn đó nhưng nó đã mang hình hài mới, tầm vóc mới…”. Và một Hoàng Trần Phú: “Vượt đèo Liêu lính hát...Đồng đội của Thiên hát qua mãi năm tháng xa xa rồi...Ngày ấy chỉ nghĩ làm sao làm tròn nhiệm vụ thôi...”. 
 
Còn Trần Tuyết Minh bày tỏ niềm vui lẫn tự hào và lòng tri ân: “Vậy là bài hát mà chúng ta rất yêu thích từ nay đã không còn khuyết danh nữa. Bài hát hiển hiện thành tượng đài bằng âm nhạc ghi nhớ một di tích lịch sử, một thắng cảnh nơi biên cương của Tổ quốc. Thật là những giá trị văn hoá đẹp đẽ, phong phú mà khi nghe lại ta luôn có cảm giác được về bên đèo Liêu với sự bâng khuâng, xúc động mạnh mẽ. Chắc chắn bài hát còn sống lâu, sống mãi với vùng biên cương và trong lòng các thế hệ người yêu nhạc. Xin cảm ơn nhạc sĩ Dương Toàn Thiên đã sáng tác nên bài hát này”. Một người bạn của nhạc sĩ có tên Thuy Tran thì viết: “Hôm nay bắt gặp bài hát của bạn tôi, tôi nghe không khỏi xao xuyến bởi âm nhạc và lời ca vượt đèo nghe cứ nhẹ tênh thư thái, cám ơn nhạc sĩ đã có sáng tác về đèo Liêu rất hay và lưu giữ mãi hình ảnh hùng vĩ của con đèo năm xưa!”. 
 
Vâng, không thể và không được phép lãng quên quá khứ giữ nước của những người đi trước khi mùa Xuân đang tươi thắm trở lại hôm nay. Đó là thông điệp mà nhạc sĩ Dương Toàn Thiên gửi gắm! Khau Liêu vốn đã là huyền thoại, mãi mãi được sẽ là huyền thoại anh hùng giữ nước của dân tộc Việt Nam. Sau 40 năm, đèo Liêu được san ủi để giảm bớt sự hiểm trở về giao thông, những uốn lượn, cheo leo chỉ còn trong hoài niệm, nhưng chứng tích chiến tranh thì mãi mãi còn. Bài hát “Qua đèo Liêu” càng trở nên có giá trị trường tồn.
 
Tác giả nhạc sĩ Dương Toàn Thiên dịp trở lại Tây Bắc
Tác giả nhạc sĩ Dương Toàn Thiên dịp trở lại Việt Bắc

 

Tác phẩm âm nhạc “Qua đèo Liêu” của Dương Toàn Thiên
Tác phẩm âm nhạc “Qua đèo Liêu” của Dương Toàn Thiên
PHAN TĨNH XUYÊN