Về hai nhà báo liệt sĩ đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam

06:07, 18/07/2019

Hiện, nhà báo Trần Kim Xuyến được biết đến là nhà báo liệt sỹ đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Nhưng, xét về thời điểm hy sinh thì nhà báo Nguyễn Thúc Nhuận mới đúng là nhà báo liệt sĩ đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam. 

Hiện, nhà báo Trần Kim Xuyến được biết đến là nhà báo liệt sỹ đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Nhưng, xét về thời điểm hy sinh thì nhà báo Nguyễn Thúc Nhuận mới đúng là nhà báo liệt sĩ đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam. 
 
Ai mới là nhà báo liệt sỹ đầu tiên?
 
Nhà báo Trần Kim Xuyến. Ảnh TL
Nhà báo Trần Kim Xuyến. Ảnh TL
Nhà báo Trần Kim Xuyến, sinh năm 1921 tại xã Sơn Mỹ, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Sau nhiều năm hoạt động cách mạng, ngày 22/8/1945, ông được cử giữ chức vụ Đổng lý văn phòng của Bộ, kiêm chức Phó Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam, tiền thân của Việt Nam Thông tấn xã (Thông tấn xã Việt Nam ngày nay). Chủ tịch Hồ Chí Minh còn giao ông tham gia thành lập Đài Phát thanh quốc gia cùng ông Trần Lâm, ông Chu Văn Tích. 
 
Sáng ngày 3/3/1947, khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ và các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ dời về các vùng An toàn khu (Việt Bắc trở thành Thủ đô Kháng chiến toàn quốc) thì Trần Kim Xuyến đạp xe đạp đến các nơi chỉ huy việc sơ tán di chuyển tài liệu, máy móc. Trong lúc máy bay và xe tăng Pháp ào ạt tấn công, ông tình nguyện ở lại chuyên chở tài liệu của Nha thông tin đến nơi an toàn. Ông bình tĩnh, can đảm đưa tài liệu đến chỗ cất giấu kín đáo. Vừa xong thì trúng đạn liên thanh của địch bắn, ông dũng hy sinh tại khu vực Đầm Sen, xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ, nay là thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội. Ngày 19/3/1947, Bộ Nội vụ đã làm giấy truy tặng, ghi rõ công lao của ông. “Nhà báo - liệt sĩ Trần Kim Xuyến là người có công trực tiếp xây dựng Thông tấn xã Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông nguyên là đại biểu Quốc hội khóa I, Ðổng lý Văn phòng Bộ Tuyên truyền, Phó Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam; là nhà báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng nước ta hy sinh vì Tổ quốc”, GS. Phan Huy Lê, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đã đánh giá như vậy trên Báo Tin Tức.
 
Trong một bài trả lời Báo Thể thao & Văn hóa khi Hà Nội có tuyến phố mang tên Trần Kim Xuyến vào năm 2014, ông Hà Minh Huệ, lúc đó là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nhìn nhận: “Sự kiện Hà Nội có thêm một tuyến phố mang tên Trần Kim Xuyến - lãnh đạo đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam và cũng là nhà báo liệt sĩ đầu tiên của Việt Nam theo những tư liệu hiện có - cho thấy Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn luôn ghi nhận công lao đóng góp của các nhà báo đối với sự nghiệp cách mạng”.
 
Về nhà báo Nguyễn Thúc Nhuận, trên trang thông tin điện tử của tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong đoạn giới thiệu về đường Nguyễn Thúc Nhuận có viết rằng: “Trên mảnh đất quê hương, ông đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia Hội Văn hóa cứu quốc, công tác thông tin tuyên truyền Trung Bộ, rồi Thừa Thiên - Huế. Nhưng sau đó, ông bị mất tích. Gần 50 năm sau, qua tài liệu tổng kết của Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế mới được biết ông đã bị bọn mật thám Pháp bắt giết trên đường đi công tác vào năm 1946, rồi bị ném xác ở gần ga Truồi, thuộc huyện Phú Lộc”. Năm 1995, Nhà nước đã truy tặng Nguyễn Thúc Nhuận danh hiệu Liệt sĩ với bằng Tổ quốc ghi công. Năm 1996, ông lại được truy tặng Huy chương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam”. Theo cuốn “Chân dung các nhà báo liệt sĩ” do Hội Nhà báo Việt Nam xuất bản năm 1999, Nguyễn Thúc Nhuận là nhà báo liệt sĩ đầu tiên kể từ sau ngày thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
 
Như vậy, xét về thời điểm hy sinh thì nhà báo Nguyễn Thúc Nhuận mới đúng là nhà báo liệt sĩ đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam. 
 
Nhà báo Nguyễn Thúc Nhuận là ai?
 
Nhà báo Nguyễn Thúc Nhuận.Ảnh TL
Nhà báo Nguyễn Thúc Nhuận.Ảnh TL
Nhà báo Nguyễn Thúc Nhuận, sinh ngày 17/10/1916 trong một gia đình nhà Nho yêu nước ở làng Mỹ Lam, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông có các bút danh như Thúc Tề, Lãng Tử. Vào năm 1941, các tác phẩm báo chí của ông được NXB Tân Việt tập hợp lại để ra tập phóng sự nổi tiếng có nhan đề “Nợ văn”. Đây là tác phẩm được ông viết trong những năm từ 1934 - 1940, lúc ông bỏ học cùng bạn bè từ Huế vào Sài Gòn dấn thân làm báo. Bên cạnh đó, ông còn có tập “Phù Dung và nhan sắc” nhưng bản thảo đã bị thất lạc. Tập phóng sự “Nợ văn” liên tiếp được tái bản bởi các NXB Khoa học Xã hội (1980), Hội Nhà văn (2000), Văn học (2000), Lao động (2012). GS. Đinh Xuân Lâm đã nhận xét rằng: “Nợ văn là một tác phẩm mang tính hiện thực sâu sắc về cuộc đời làm báo và thân phận người làm báo trước kia khi đất nước còn bị ngoại bang thống trị. Cuốn sách trở nên đầy đủ hơn khi được bổ sung thêm nhiều thông tin về cuộc đời và sự hy sinh thầm lặng của tác giả mà bấy lâu nay không ai biết”. Nhà văn Trần Thanh Địch, bạn của nhà báo Nguyễn Thúc Nhuận thời đó nhận xét: “Thúc Tề là cây bút có giọng điệu hài hước, đả kích rất sắc sảo. Giới chính quyền, văn nghệ, sâu mọt hại dân đều rất ngán các bài ký tên Thúc Tề”.
 
Từ một nhà báo dưới chế độ thực dân đế quốc và phong kiến, chuyên viết bài đả kích chế độ thối nát, Nguyễn Thúc Nhuận đã trở thành một nhà báo cách mạng. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông tích cực tham gia Hội Văn hóa cứu quốc. Kháng chiến bùng nổ, Nguyễn Thúc Nhuận cùng với Hải Triều, Hà Thế Hạnh thành lập Sở Tuyên truyền Trung Bộ và đầu năm 1946, ông còn được phân công cùng với ông Hoàng Thượng Khanh thành lập Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Thừa Thiên - Huế. Về hoạt động báo chí của nhà báo Nguyễn Thúc Nhuận, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc (Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương) nhận xét rằng: “Thúc Tề thấy được tình cảnh đau khổ của đội ngũ nhà báo, nhà văn, nhà thơ đương thời. Ông khinh miệt bọn chủ bút và sự bóc lột của chúng. Đôi mắt của Thúc Tề cảm thấy mệt mỏi, thấy cả một buổi chiều tà. Nhưng cũng ngay sau đó, ông cảm thấy cần có sự liên hiệp. Và ông đã tìm đến với cách mạng”.
 
NGUYỄN VĂN TOÀN