Tạo thuận lợi cho người dân

09:08, 15/08/2016

Bưu điện tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Công an tỉnh, Thanh tra Giao thông Sở Giao thông vận tải vừa ký kết thỏa thuận hợp tác về thu, nộp hộ tiền xử phạt và chuyển trả giấy tờ bị tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ tới tay công dân theo yêu cầu

Bưu điện tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Công an tỉnh, Thanh tra Giao thông Sở Giao thông vận tải vừa ký kết thỏa thuận hợp tác về thu, nộp hộ tiền xử phạt và chuyển trả giấy tờ bị tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ tới tay công dân theo yêu cầu. Điều này, góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính công về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đồng thời tạo sự thuận tiện cho người dân bị xử phạt.
 
Nỗi khổ đi nộp phạt
 
Trước trụ sở Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), anh Lý Thanh Liêm (36 tuổi, quê Nghệ An) cầm trên tay giấy phép lái xe vừa lấy ra từ Phòng CSGT. Anh Liêm kể: “Tháng 4/2016, tôi vi phạm chạy quá tốc độ tại thị trấn Madagui, bị phạt tiền và tạm giữ bằng lái xe. Tôi vi phạm thì phải chấp hành việc bị lập biên bản, xử phạt hành chính. Tuy nhiên, do tôi thường xuyên bận công việc nên khó chấp hành việc nộp phạt đúng thời hạn. Trường hợp của tôi thường trú một nơi, nhưng bị xử lý vi phạm ở địa phương khác, rất mất thời gian vì tôi bị yêu cầu nộp phạt ở nơi phạm luật”, anh Liêm nói.
 
Còn anh Nguyễn Bá Vui (26 tuổi, quê Quảng Ngãi) là nhân viên lái xe tải cho một công ty ở Gia Lai. Đầu tháng 6 này, anh Vui chở hàng từ Gia Lai qua Đà Lạt, trên đường đi bị CSGT Lâm Đồng lập biên bản vi phạm giao thông nên anh phải ở lại để chờ nhận quyết định xử phạt, nộp phạt. “Tôi ở lại chờ nộp phạt phải bỏ công ăn việc làm, nhưng nếu không ở lại chờ mà về Gia Lai rồi trở qua thì cũng mất thời gian và tốn tiền đi lại nhiều hơn”, anh Vui cho biết.
 
Đấy chỉ là 2 trong nhiều trường hợp phải bỏ thời gian công sức để hoàn thành thủ tục nộp phạt vi phạm giao thông. Theo quy trình thông thường lâu nay, khi người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đường thủy sẽ bị lực lượng CSGT hoặc Thanh tra giao thông (TTGT) lập biên bản xử phạt, nếu bị tạm giữ giấy tờ thì có thêm lịch hẹn trả giấy tờ. Người vi phạm đến Kho bạc Nhà nước nộp phạt rồi đem biên lai nộp tiền đến trụ sở CSGT, TTGT nhận lại giấy tờ xe. Mặc dù hiện nay, một số nơi, Kho bạc Nhà nước đặt điểm thu ngay tại trụ sở CSGT, TTGT nhưng quy trình trên rất phiền toái, mất thời gian chờ đợi và chi phí đi lại, nhất là đối với những người ở xa.
 
Tiện ích qua bưu điện
 
Với mục tiêu thực hiện công tác cải cách hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ và chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng nhằm mang lại nhiều lợi ích cho công dân, giảm chi phí cho xã hội, Bưu điện tỉnh và Công an tỉnh, TTGT - Sở Giao thông vận tải đã thống nhất ký kết Hợp đồng thu hộ tiền nộp phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ cho công dân vi phạm giao thông từ ngày 1/8. Qua đó, Bưu điện Lâm Đồng có trách nhiệm nhận lại giấy tờ xe, bằng lái và chuyển phát trực tiếp đến địa chỉ người vi phạm. Bà Đinh Thị Kim Phượng, Chuyên viên Phòng Kế hoạch kinh doanh Bưu điện tỉnh cho biết: “Khi người vi phạm giao thông có nhu cầu cung cấp dịch vụ nói trên, dựa vào nội dung ghi trên biên bản vi phạm hành chính, Bưu điện sẽ liên hệ với CSGT hoặc TTGT để tìm thông tin liên quan đến các khâu xử lý vi phạm sau đó. Khi quyết định xử phạt ban hành, bưu điện sẽ nộp biên bản vi phạm hành chính để nhận bản chính quyết định xử phạt vi phạm. Đồng thời, sẽ liên hệ với Kho bạc Nhà nước hay ngân hàng được chỉ định để đóng tiền phạt. Sau khi nộp phạt xong, bưu điện sẽ nộp biên lai đóng phạt cho CSGT để nhận lại các giấy tờ bị tạm giữ của người vi phạm. Khi ký nhận đầy đủ các loại giấy tờ bị tạm giữ của người vi phạm cùng với bản chính quyết định xử phạt vi phạm hành chính, biên lai đóng phạt, bưu điện sẽ chuyển phát toàn bộ đến tận nhà người dân”. 
 
Dịch vụ này được đánh giá là tạo thuận lợi cho người dân. Anh Trương Văn Phương (Tiền Giang) vi phạm lỗi chạy quá tốc độ quy định bị phạt 2,5 triệu đồng, anh đã sử dụng dịch vụ nộp phạt qua bưu điện.“Những ngày nghỉ hay ngoài giờ hành chính, bưu điện đều mở cửa làm việc. Giá cước cũng hợp lý nếu so với việc phải mất chi phí đi lại, thời gian chờ đợi. Nếu mình bỏ công sức và thời gian đi nộp thì thậm chí có thể tốn hơn chi phí nộp phạt”, anh Phương cho hay. 
 
Đại tá Hồ Văn Lai, Trưởng Phòng CSGT Công an Lâm Đồng (PC 67) cho rằng, đây là dịch vụ rất tiện ích cho những người ở xa. Có nhiều người vi phạm giao thông ở địa phương khác nếu phải đi vào Lâm Đồng nộp phạt thì sẽ rất mất thời gian. Đặc biệt, nếu thiếu sót thủ tục nào đó thì sẽ gây khó khăn trong việc nộp phạt cho cả người dân lẫn lực lượng chức năng. Dịch vụ này được hai đơn vị phối hợp triển khai nhằm góp phần thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính công về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian cho người nộp phạt, đồng thời giúp giảm tải cho cơ quan công an trong quá trình xử lý các thủ tục vi phạm hành chính cho từng cá nhân vi phạm. Việc đăng ký với cơ quan công an sẽ thực hiện thông qua hình thức ghi và ký vào mặt sau tờ biên bản vi phạm (bản cơ quan công an lưu) để chuyển tới bưu điện.
 
HOÀNG YÊN