Trắng đêm đột kích rừng Di Linh

09:08, 12/08/2016

Trong khi tại rừng giáp ranh tỉnh Đắk Nông đang được tích cực khám nghiệm hiện trường, rừng huyện Bảo Lâm bị tàn phá nặng nề thì chúng tôi lặng lẽ xuôi tỉnh Bình Thuận vào vùng "biên giới" tổ chức truy quét lâm tặc tại rừng huyện Di Linh...

[links()] Trong khi tại rừng giáp ranh tỉnh Đắk Nông đang được tích cực khám nghiệm hiện trường, rừng huyện Bảo Lâm bị tàn phá nặng nề thì chúng tôi lặng lẽ xuôi tỉnh Bình Thuận vào vùng “biên giới” tổ chức truy quét lâm tặc tại rừng huyện Di Linh. Rừng Di Linh nhiều năm nay do đội quân lâm tặc rất hùng hậu từ các tỉnh vào tàn sát khốc liệt; và đêm nay, trong số chúng, có hơn chục đối tượng bị đánh úp bất ngờ tóm gọn…
 
Nhóm lâm tặc do Diên cầm đầu với tang vật gỗ hương, gõ vi phạm
Nhóm lâm tặc do Diên cầm đầu với tang vật gỗ hương, gõ vi phạm
Đoàn quân được… “xông hơi” suốt 150 km
 
Năm không trong công tác triển khai kiểm tra và truy quét được giữ bí mật cho đến phút cuối cùng, đó là các thành viên tham gia không được biết về địa điểm, thời gian, thành viên đoàn, kế hoạch và chỉ huy. Đúng 8 giờ 30 phút ngày 9/8, hoàn tất việc đưa các công cụ hỗ trợ và lương thực thực phẩm phục vụ đoàn cùng các đồ dùng cá nhân của 22 con người (gồm 20 cán bộ kiểm lâm, 1 công an và tôi là nhà báo) lên một chiếc ô tô tải được chế độ lại thành xe chuyên dụng. Trong cabin, ngoài anh Thành cầm lái còn có Trưởng đoàn - Chi cục phó Kiểm lâm Võ Danh Tuyên; cán bộ pháp chế Mai Thanh, một người có nhiều kinh nghiệm; 2 cán bộ thuộc Đội cơ động số 2, trước đó là 2 mũi trinh sát làm người tiếp cận mục tiêu và tôi là nhà báo. Tôi và anh Tuyên mặc thường phục ngồi hàng trước để che cho 3 kiểm lâm mặc sắc phục ngồi hàng sau. Phía sau thùng xe, 12 cán bộ kiểm lâm khác, huy động từ Chi cục, 2 Đội cơ động, 6 Hạt và chiến sĩ công an trẻ PC49 Nguyễn Hữu Chiến. Để cơ động hơn, đoàn còn bố trí 2 xe máy gồm 4 cán bộ kiểm lâm mặc thường phục bám sát ô tô của đoàn. Xe phủ kín mui, nổ máy rời Đà Lạt và sau đó đến ngã ba Tà Hine huyện Đức Trọng theo quốc lộ 28B xuôi về tỉnh Bình Thuận. Thời tiết càng nắng gay gắt, mọi người trong thùng xe chấp hành chỉ huy tuyệt đối không được thò đầu ra để không bị lộ.
 
Anh Tuyên chia sẻ sự gian khổ đó của đồng đội với tôi một cách dí dỏm: Anh em đằng sau đang được “mát xa và xông hơi” đủ độ. Qua khu vực Nhà máy điện thủy điện Đại Ninh, xe đang xuống các con dốc ngoằn ngoèo và vách vực dựng đứng thì có tin báo một xe máy bị cán đinh thủng lốp. Ô tô phải dừng lưng chừng đèo giữa nắng chói chang nhưng tuyệt nhiên chỉ huy không cho một ai xuống vì sợ bị lộ. Mất hơn 10 phút chiếc xe máy hỏng được nhanh chóng đưa lên thùng ô tô cùng 2 cán bộ kiểm lâm. Anh Võ Danh Tuyên tỏ ra khá nóng ruột vì sợ không kịp giờ tiếp cận lán của lâm tặc như kế hoạch đã vạch ra từ đầu qua tính toán xử lý thông tin từ trinh sát Nguyễn Mạnh Tiến. Khi ô tô đang chạy thì bất chợt anh Tuyên choàng tay với chiếc mũ tai bèo đội nhanh lên đầu. Một lúc sau, tôi mới hiểu đó là động tác giúp anh che mặt khi đi qua trạm kiểm lâm của tỉnh Bình Thuận để giữ vững tính bí mật. 
 
Đi qua cột số Km 20 quốc lộ 28B (cách quốc lộ 1A 20 km) khoảng 600 m thì chúng tôi rẽ phải, lần theo đường bê tông hướng rừng Lâm Đồng tiến vào. Đường bê tông kết thúc tại Công trình đầu mối thuộc Dự án tưới tiêu Phan Rí - Phan Thiết nằm ngay bìa rừng Bình Thuận. Bắt đầu từ đây vào là đường mòn dân sinh của bà con dân tộc thiểu số làng K’Lúp và đường tự mở của lâm tặc vận chuyển lâm sản. Xe máy đi trước dò đường cho ô tô, còn anh Thành phải liên tục đánh lái khi sang trái khi sang phải để điều khiển chiếc xe leo lên đá, bò xuống suối, ì à ì ạch từng đoạn tiến vào rừng. Nắng giờ ngọ như đổ lửa lên đầu, anh em mệt nhoài, nhóm ngồi sau thùng càng bị “tra tấn” mạnh bởi nóng và xe lắc lư quặt quạ… Anh Tuyên chỉ đạo các đồng đội phía sau thùng thông qua gọi điện cho anh Lê Đình Việt - phụ trách Đội cơ động số 1. Tất cả chuẩn bị tinh thần sẵn sàng tấn công tội phạm…
 
Quyết tâm truy bắt tội phạm 
 
“Lán phía trước, bên tay trái đó”, trinh sát Tiến nói và chỉ cho trưởng đoàn Tuyên. Xe đi chậm lại để thăm dò. Nhưng, chiếc lán lợp mái tôn ngay bìa rừng đã không có một ai trong đó. Một không khí căng thẳng, có chút hoang mang chợt xuất hiện trong đoàn. Anh Tuyên xác minh lại thông tin của trinh sát. Theo kế hoạch, đúng 13 giờ đoàn đã có mặt tại lán này và sẽ đột nhập tập kích bao vây bởi trước đó, anh Tiến đã cùng ăn cơm với nhóm 12 lâm tặc tại đây. Trong vai người đi đo đạc khảo cứu đất đai, 4 cán bộ kiểm lâm Đội cơ động số 2 (trong đó có anh Tiến và đội trưởng Thắng đang ngồi với chúng tôi trong cabin) chia thành 2 mũi đi trinh sát. Các anh đã thuê chính lâm tặc chở đi đường vòng từ tỉnh Bình Thuận qua với tổng chiều dài khoảng 800 km. Vì xe máy, Tiến đã phải tá túc lán này qua đêm cùng lâm tặc.
 
Trưởng đoàn Võ Danh Tuyên quyết định: Tiếp tục đi, tiến sâu vào trong theo đường mòn lâm tặc mở để vận chuyển lâm sản. Từ đây trở vào, Tiến chưa đi nên chúng tôi vừa đi vừa cảnh giác do thám. Càng vào sâu rừng Lâm Đồng cây cối càng rậm rạp, che chắn và quất vào kính chiếc ô tô tải khềnh khàng của chúng tôi. Liên tục xe không thể qua được vì cành cây, anh Tuyên lại thò đầu ra cửa chỉ đạo anh em phía sau leo lên dùng rựa chặt cành. Rồi xe ô tô phải dừng hẳn vì không thể đi qua được đoạn đường quá hẹp do một bên gốc cây bị cưa một bên cụm lồ ô xum xuê án ngự. Tất cả đồng lòng nhảy xuống, mấy người khẩn trương chặt giải phóng mặt đường cho xe, số khác nhanh chóng tổ chức đi bộ tiến sâu vào theo đường mòn. 
 
Chó sủa inh ỏi. Theo hướng đó, anh em tập kích nhanh vào chiếc lán đầu tiên. Cả 4 đối tượng chưa hết ngỡ ngàng đã bị đoàn yêu cầu giữ lại điều tra nhanh ngay. Người xét hỏi, một số người tản ra khu vực xung quanh lục soát cưa máy. Xe máy tiếp tục tiến sâu vào để trinh sát. 4 đối tượng khai báo chỉ làm than và không chịu hợp tác. Bằng nhiều nghiệp vụ đồng thời và thông tin từ trinh sát cho biết phía trong có lán dựng bên mép “sông 7” (cách gọi của các đối tượng lâm tặc và nghĩa là từ bìa rừng vào có 20 con sông, chúng tôi đã đi qua được 6 sông để có mặt tại chiếc lán thứ 2 này, cạnh “sông 6”). Trưởng đoàn quyết định hạ trại, tổ chức nấu ăn và ém quân mai phục. Thông tin thu thập được đối tượng Trần Thanh Tú (sinh 1993, thường trú tại Hồng Thái, Bắc Bình, Bình Thuận) và một đối tượng khác tên Bích cho biết tại lán “sông 7” có khoảng 3 - 4 đối tượng đang khai thác gỗ. Trưởng đoàn Tuyên quyết định một nhóm ở lại lo hậu cần, canh chừng và nhóm còn lại trong đó có anh Tuyên, Thắng và Việt là 2 đội trưởng Đội cơ động,... tôi và Chiến công an tiếp tục lên xe máy tiến vào lán “sông 7” này. Hiện trường không có người nhưng có những hộp, phách gỗ hương và gõ; lửa vẫn cháy âm ỉ trong đống củi... Lúc này là 14 giờ 55, chúng tôi phân công mai phục trong các chốt chờ đợi. Hơn 1 giờ lắng nghe tiếng cưa vọng nhưng vẫn không có động tĩnh gì của lâm tặc, anh Tuyên quyết định rút quân về lán “sông 6”. 
 
Mọi sinh hoạt cá nhân và ăn bữa tối diễn ra khẩn trương chóng vánh. Đêm buông xuống thật nhanh. Mỗi người tự thiết kế cho mình một nơi ngủ vội. 4 đối tượng đốt than của nhóm Tú được đảm bảo mọi sinh hoạt ăn uống và thả lỏng để phát huy tính hợp tác với đoàn. Tôi không thể chợp mắt được và cũng chờ cho đến 22 giờ để uống thuốc chữa bệnh như thường lệ. Mặc dù đốt lửa xua ác thú, mặc dù bôi kem chống muỗi khắp những phần da thịt còn hở nhưng một đêm ai cũng nuôi loài muỗi no nê máu.
 
Bên cạnh tôi, chiếc võng của trưởng đoàn Tuyên cũng sột soạt lắc lư bởi trằn trọc. Gần 1 giờ sáng, anh Tuyên thò đầu ra võng kều chai nước làm mấy ngụm rồi đốt thuốc. Anh đang rất trăn trở sự thành bại của cuộc truy quét. Đêm càng về sáng càng lạnh buốt. Lửa vẫn tí tách. Thú tác gọi đàn trên cao. Dòng “sông 6” rì rào nước chảy qua ghềnh đá.
 
Đêm hoang vu và đầy sự ám ảnh đại ngàn... 2 giờ 15 phút, anh Tuyên bật dậy khỏi võng và ra lệnh: “Anh em chuẩn bị lên đường!”. Tập hợp và trưởng đoàn quyết định biên chế đội hình xuất trận. 14 người, ngoại trừ 2 người ngoài ngành là tôi và Chiến công an còn là những cán bộ kiểm lâm tinh nhuệ nhất. Súng, gậy và mỗi người 1 đèn pin cầm tay hoặc đeo trên đầu lặng lẽ nối nhau đi. Rồi ánh sáng đen được giảm bớt bằng nhiều cách để giữ bí mật. Đêm rừng càng đen mộng mị. Chốc chốc có người lại chao đảo vì dẫm vào những hòn đá to giữa đường tối. Đến gần mép “sông 7”, lệnh từ anh Tuyên chuyền tai nhau ra sau: “Tắt đèn. Tắt đèn”. Tất cả bám sát nhau, chậm rãi lội qua dòng sông mùa cạn đá trơn lổn nhổn dưới chân. Nếu không có kỹ năng thì té ngay giữa dòng, vừa tai nạn vừa sẽ bị lộ. Vượt qua sông, chúng tôi ập vào lán đồng thời bao vây vòng ngoài cảnh giới. Đèn pin đồng loạt bật lên chiếu loang loáng. Tất cả 3 chiếc võng đã được khống chế. “Tất cả nằm im, chỉ bỏ 2 tay ra ngoài”.
 
Trong giấc ngủ mơ màng của kẻ phá rừng, các đối tượng bị bất ngờ đánh úp. Chúng ú ớ thò tay ra để chịu tra vào còng số 8. Đó là Nguyễn Văn Diên (sinh 1974), Lữ Văn Dực (1979), Nguyễn Văn Dôm (1977) ngụ tại xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Tang vật còn có 11 hộp và phách gỗ hương và gõ (nhóm I và II) với 0,2207 m3 cùng cưa máy và 3 xe độ chế... Đấu tranh nhanh, chúng tôi được thông tin có 2 lán phía trong vừa làm than vừa cưa gỗ, khu vực “sông 12”. Yêu cầu cả 3 đối tượng cùng đi dẫn đường, chúng tôi lại nhanh chóng tiến vào sâu. Rất nhiều đoạn sông sâu, có nơi sâu ngập hơn 1 mét nước. Nhưng không một ái ngại nào, bởi tất cả đều ý thức được câu nói của trưởng đoàn Võ Danh Tuyên chia sẻ với tôi từ ban chiều: “Không quyết tâm là không bắt được đâu anh ạ”. Chó lại sủa vọng núi rừng. Đối tượng Diên cho biết đó là lán của đối tượng làm than nên cả đoàn bỏ qua nhanh chóng hành quân khẩn trương hơn sợ bị động. Qua “sông 12” một quãng ngắn chúng tôi đã bắt gặp nhiều hộp và phách gỗ bằng lăng và căm xe (nhóm I và II) vứt ngổn ngang dọc đường. Rẽ phải lên một dốc nhỏ, lán của đối tượng xẻ gỗ xuất hiện. Tất cả lại ập vào bao vây và áp sát. Cả 5 đối tượng đều bị bắt gọn mặc dù cũng toan tính chống cự. Đó là: Sì Dìn Phu (1976), Lê Văn Ly (1997), Nguyễn Văn Năm (1974), Nguyễn Hổ (1973) và Ngô Văn Thảo (1980) cùng ngụ tại xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Đấu tranh khai thác một lúc chúng mới đồng ý cho người đi chỉ chỗ lấy cưa máy vi phạm. Một nhóm cán bộ truy quét đi theo lấy cưa, một nhóm khác dẫn dụ 7 đối tượng về lán ở “sông 6”.
 
Trên đường đoàn còn tập kích vào lán cưa cây đốt làm than, giữ 1 người và yêu cầu 1 người đi vào rừng lấy cưa máy về giao nộp. Đoàn cũng cắt cử 4 kiểm lâm viên cùng 3 đối tượng mang xe máy và gỗ vi phạm về lán để củng cố hồ sơ pháp lý. 6 giờ 37 phút, chúng tôi đã đưa toàn bộ các đối tượng về lán. Cuộc truy quét diễn ra tuy gian khó nhưng an toàn và đạt hiệu quả rất cao mà không mất một tiếng súng, không để xẩy ra một tai nạn nào cho cả lực lượng truy quét và các đối tượng. 
 
Nhóm lâm tặc do Phu cầm đầu và tang vật gỗ căm xe vi phạm
Nhóm lâm tặc do Phu cầm đầu và tang vật gỗ căm xe vi phạm
Rừng giáp ranh vẫn là hồi chuông báo động đỏ
 
Về lán, các cán bộ được phân công làm các nội dung của hồ sơ pháp lý như lấy lời khai, đo đếm gỗ, xác định tọa độ vi phạm… Đúng 13 giờ 15 ngày 10/8, sau khi sắp xếp hàng hóa, hành lý cùng các tang vật vi phạm gồm 7 xe máy độ chế, 3 máy cưa, gần 0,9 m3 gỗ xẻ thuộc các loại hương, gõ, căm xe và bằng lăng cùng 7 đối tượng (Diên, Dực, Dôm, Phu, Ly, Năm và Hổ) lên chung một xe ôtô với chúng tôi (đối tượng Ngô Văn Thảo bỏ trốn trong khi chuẩn bị đưa tang vật gỗ về lán). Số còn lại do làm than nhỏ lẻ, có dựng lán và vợ con nhỏ dại sinh sống cùng trong rừng nên đoàn quyết định không tạm giữ, yêu cầu dỡ lán rời ngay khỏi vùng rừng và cấm tái phạm. Sau khi ra khỏi rừng có sóng điện thoại, anh Tuyên hội ý và bàn bạc với Chi cục trưởng Kiểm lâm Lâm Đồng Nguyễn Khang Thiên và quyết định bàn giao 7 đối tượng cho Hạt Kiểm lâm huyện Di Linh cùng Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Tam Hiệp (đơn vị chủ rừng) để xử lý các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật ngay tại ngã ba Tà Hine. 
 
Xin kết thúc bài ký sự này bằng mấy lời vĩ thanh. Một trận đánh kiểm tra và truy quét lâm tặc rất có hiệu quả, dù khó khăn và rất gian khổ. Tuy nhiên, rừng tại nhiều tiểu khu của Lâm Đồng giáp ranh các tỉnh vẫn chưa bình yên. Vẫn còn không ít đối tượng lâm tặc tàn phá nặng nề và ngày càng tinh vi có quy mô tổ chức lớn. Một lần nữa, rất cần xem lại tính hiệu quả của quy chế phối hợp giữa các tỉnh trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Không thể chỉ ngành kiểm lâm, mà hơn hết rất cần các ngành liên quan của tỉnh, các cấp chính quyền của tỉnh và cấp huyện cùng vào cuộc thực sự thì mới góp phần quan trọng cho những cánh rừng giáp ranh trở lại bình yên!
 
Ký sự: MINH ĐẠO