Các loại pháo hoa được đốt và cách phân biệt

06:01, 18/01/2021

Ngày 27/11/2020 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo (Nghị định 137), có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021...

Ngày 27/11/2020 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo (Nghị định 137), có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021 (thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý và sử dụng pháo). Nghị định 137 quy định một số điểm mới phù hợp với tình hình thực tế trong công tác quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm về pháo. 
 
Pháo hoa đêm Giao thừa do lực lượng quân đội bắn tại Đà Lạt
Pháo hoa đêm Giao thừa do lực lượng quân đội bắn tại Đà Lạt
 
Điểm mới trong Nghị định 137 được nhiều người dân quan tâm đó là việc cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật chỉ được mua của các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa để sử dụng (các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng bảo đảm các điều kiện về an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường…).
 
Khi tiếp cận thông tin này nhiều người dân bày tỏ ủng hộ vì cho rằng đây là nhu cầu thiết thực, nhưng cũng có ý kiến còn lo ngại về nguy cơ mất an toàn cháy nổ, ô nhiễm. Đáng chú ý có một bộ phận người dân đang hiểu nhầm việc cho phép đốt pháo hoa đồng nghĩa với việc được đốt tất cả các loại pháo hoa. Việc hiểu không kỹ, hiểu sai bản chất của Nghị định 137 sẽ vô tình khiến nhiều người có thể vi phạm pháp luật, nhẹ thì bị xử lý hành chính, nặng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
 
Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 3 của Nghị định 137 đã quy định rõ cách phân biệt giữa pháo hoa và pháo nổ. “Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có sự tác động của xung kích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ”. Loại pháo hoa này tuyệt đối không có thuốc pháo nổ, khi đốt không gây ra tiếng nổ và không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Ví dụ như: Pháo phụt cưới hỏi, sinh nhật, pháo que… 
 
Còn pháo nổ hay pháo hoa nổ cá nhân và tổ chức không được sử dụng khi chưa được cấp phép. Đây là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ, tiếng rít và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Các loại pháo này tại Khoản 1, Điều 5 Nghị định 137 quy định: nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt. Nếu sử dụng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ đối với các trường hợp quy định tại điều 11 Nghị định).
 
Nghị định 137 về quản lý, sử dụng pháo quy định rất rõ về các hành vi nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo, theo đó mọi hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo tùy theo tính chất, mức độ của hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Vì vậy, việc quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực khi Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến gần và cũng là thời điểm các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn để mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo nổ trái phép là kịp thời, cần thiết.
 
Được biết, trong thời gian gần đây, Công an các huyện, thành phố đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, mua bán, tàng trữ pháo trái pháp luật. Người dân cần nâng cao cảnh giác, nắm vững thông tin về các loại pháo được phép sử dụng để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình, mọi người xung quanh, cũng như không vi phạm pháp luật.
 
NGUYÊN THI - LÊ TIẾN