Luật Sở hữu trí tuệ - sửa đổi, bổ sung sát thực tiễn

06:12, 01/12/2021

Qua hơn 15 năm thi hành và trong điều kiện phát triển mới của đất nước, việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ lần này để đáp ứng các yêu cầu, khắc phục những tồn tại, hạn chế...

Qua hơn 15 năm thi hành và trong điều kiện phát triển mới của đất nước, việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ lần này để đáp ứng các yêu cầu, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của luật hiện hành nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, chủ động, tích cực ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
 
ĐBQH Lâm Đồng, Tiến sĩ Trịnh Thị Tú Anh góp ý tâm huyết, trí tuệ về Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi
ĐBQH Lâm Đồng, Tiến sĩ Trịnh Thị Tú Anh góp ý tâm huyết, trí tuệ về Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi
 
Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005 và tiến hành sửa đổi, bổ sung vào năm 2009 và năm 2019, đã tạo lập khung pháp lý hữu hiệu, phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật và đáp ứng chuẩn mực quốc tế về bảo hộ sở hữu trí tuệ.
 
Việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV lần này cũng nhằm tiếp tục nội luật hóa các cam kết liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đã được ghi nhận trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Hiệp định CPTP - Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan và Hiệp định EVFTA - Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu
 
Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội đều bị xử phạt vi phạm hành chính. Cơ quan soạn thảo đề nghị 2 phương án. 
 
 Theo đó, phương án 1: Sửa đổi điểm a, khoản 1, Điều 211 theo hướng: Không áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Chỉ áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền đối với quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng. 
 
Còn tại phương án 2: Giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành, theo đó, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
 
Đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng ý với quan điểm của Ủy ban Pháp luật lựa chọn Phương án 1. 
 
Trao đổi với phóng viên về nội dung sửa đổi luật, ông Hoàng Bình - thành viên Tổ Tư vấn chính sách pháp luật Đoàn ĐBQH Lâm Đồng cho rằng: Việc sửa đổi, bổ sung luật cần quan tâm chuẩn bị kỹ nội dung sửa đổi, bổ sung để luật có tuổi thọ lâu dài, tránh việc xử lý không kỹ dẫn đến tình trạng 1 - 2 năm lại phải sửa đổi, bổ sung, sẽ tốn kém, gây dư luận không tốt.
 
Đi sâu vào phân tích, góp ý những nội dung của dự thảo luật, ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Trịnh Thị Tú Anh góp ý: Theo tôi, về các nội dung chính sách được quy định tại Điều 8 “Chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ” chưa thấy rõ trọng tâm chính sách của Việt Nam trong bảo hộ và khai thác quyền tác giả, nhất là gắn với lĩnh vực mà quyền tác giả đóng vai trò then chốt như công nghệ thông tin và công nghiệp văn hóa. Những tranh chấp dai dẳng về sở hữu trí tuệ (SHTT) liên quan đến bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt” là ví dụ rõ nét về vấn đề này. Nếu có những chính sách rõ ràng hơn về quyền tác giả thì việc phát triển hai lĩnh vực này sẽ có thể dễ dàng, thuận lợi và có tính định hướng cao hơn… Tương tự, để phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và kinh doanh, cần làm rõ chính sách của Việt Nam đối với xu hướng mở để cân bằng lợi ích giữa “độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả” và “quyền tiếp nhận của công chúng”, trong đó quyền tác giả là một trong những yếu tố quan trọng.
 
Liên quan đến quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý, dự thảo Luật SHTT có sửa đổi điều 88 như sau: “1. Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về nhà nước; Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức, tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý”. Quy định trên trong dự thảo là không phù hợp. Chỉ dẫn địa lý Việt Nam theo quy định của Luật SHTT là Nhà nước Việt Nam. Do đó, tôi kiến nghị loại bỏ quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý với nhóm chủ thể là tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Theo đó, chủ thể có quyền đăng ký chỉ nên giới hạn ở: tổ chức, tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. 
 
Có thể nói, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT là dự án luật có tính chuyên môn sâu và khó, vì vậy trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện văn bản, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan để triển khai các hoạt động khảo sát, hội thảo, tọa đàm nhằm lấy ý kiến thêm từ các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý để có cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm hoàn thiện các quy định của luật một cách chất lượng, trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ ba sắp tới.
 
NGUYỆT THU