Siết chặt quản lý khai thác cát tại các lòng hồ thuỷ điện tại Di Linh

06:06, 16/06/2022
(LĐ online) - Ngày 16/6, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương siết chặt công tác quản lý khai thác cát tại các lòng hồ thuỷ điện trên địa bàn huyện Di Linh. UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị phối hợp di dời máy móc, thiết bị, phương tiện… của các công ty vi phạm ra khỏi phạm vi lòng hồ thuỷ điện.
 
Một điểm khai thác cát trái phép tại lòng hồ thuỷ điện trên địa bàn xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh
Một điểm khai thác cát trái phép tại lòng hồ thuỷ điện trên địa bàn xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh
 
Theo đó, UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Di Linh, đơn vị chủ hồ thủy điện Hàm Thuận yêu cầu các tổ chức (Công ty TNHH LHP Tiến Phong, Công ty TNHH Tuấn Cát Lợi, Doanh nghiệp tư nhân Lê Tám), cá nhân có máy móc thiết bị, phương tiện cơ giới, phương tiện thủy nội địa... đang neo đậu trong khu vực thuỷ điện di dời ra khỏi phạm vi lòng hồ. Nếu các tổ chức, cá nhân trên không thực hiện thì tiến hành niêm phong phương tiện, máy móc thiết bị... hoặc cưỡng chế di dời theo quy định, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 05/7/2022.
 
Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hướng dẫn, có ý kiến đối với đề nghị của huyện Di Linh tại Văn bản số 1196/UBND ngày 6/6 để xử lý kịp thời các vi phạm của Công ty TNHH Bình Minh Lâm Đồng tại lòng hồ thuỷ điện Đồng Nai theo quy định (thực hiện trước ngày 20/6). Bên cạnh đó, xử lý nghiêm việc khai thác cát trong lòng hồ thủy điện khi không có giấy phép được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định
 
Trước đó, ngày 6/6, Sở Công thương đã chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị địa phương cùng Công ty Thủy điện Đồng Nai, Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi tiến hành kiểm tra, xác minh tình trạng nạo vét, khai thác khoáng sản có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
 
Tại lòng hồ thuỷ điện Đồng Nai, qua kiểm tra có 2 doanh nghiệp được Bộ Công thương cấp giấy phép hoạt động là Công ty TNHH Bình Minh Lâm Đồng và Doanh nghiệp tư nhân Bội Dũng.
 
Tuy nhiên, đối chiếu vị trí hoạt động của Công ty TNHH Bình Minh Lâm Đồng với giấy phép của Bộ Công thương cho thấy khu vực nạo vét, tận thu nằm ngoài phạm vi được cấp phép. Việc xác định vị trí tận thu, vị trí bãi tập kết đã được Công an huyện Di Linh tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và đề xuất Chủ tịch UBND huyện Di Linh xử lý theo quy định. Riêng Doanh nghiệp tư nhân Bội Dũng đến thời điểm hiện tại chưa thực hiện hoạt động nạo vét, tận thu.
 
Còn tại lòng hồ thủy điện Hàm Thuận, trước đây có 2 doanh nghiệp (Công ty TNHH LHP Tiến Phong và DNTN Lê Tám) được UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép nạo vét kết hợp thu hồi cát, sạn, sỏi thuộc lòng hồ thủy điện Hàm Thuận. Cả 2 đơn vị đều đã hết thời hạn hoạt động từ năm 2020. Mặc dù Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Di Linh, Công an huyện Di Linh, các phòng chuyên môn thuộc huyện, UBND xã Hòa Bắc đã nhiều lần phối hợp kiểm tra yêu cầu 2 công ty trên di dời máy móc, thiết bị ra khỏi khu vực lòng hồ Hàm Thuận nhưng đến nay 2 đơn vị này vẫn chưa thực hiện. 
 
Trước đó, Báo Lâm Đồng (ngày 1/4/2022) đã có bài phản ánh những tháng đầu năm 2022, khu vực lòng hồ Thuỷ điện Đồng Nai, đoạn chảy qua xã Đinh Trang Thượng (huyện Di Linh) xuất hiện nhiều điểm khai thác cát, hủy hoại đất trái phép. Trước thực trạng nêu trên, mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần vào cuộc kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa thể xử lý triệt để.
 
CHÍNH THÀNH