Đạ Tẻh sau 10 năm triển khai Luật Phổ biến giáo dục pháp luật

02:09, 28/09/2022
Sau 10 năm Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được triển khai một cách đồng bộ, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ và người dân trên địa bàn huyện Đạ Tẻh được nâng cao, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
 
Công an huyện Đạ Tẻh tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh trên địa bàn
Công an huyện Đạ Tẻh tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh trên địa bàn
 
  NỘI DUNG PHONG PHÚ
 
Nhằm triển khai công tác PBGDPL với nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực và sát với nhu cầu thực tế của người dân, huyện Đạ Tẻh đã lồng ghép các chương trình như tổ chức hội nghị PBPL trực tiếp; cung cấp tờ rơi, tờ gấp, tài liệu pháp luật thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, loa truyền thanh, internet, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động, trang thông tin điện tử; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật thông qua xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, chương trình giáo dục pháp luật ngoại khóa, sinh hoạt Đoàn, Đội trong các cơ sở giáo dục...
 
Trong 10 năm qua, các ngành, cơ quan, đơn vị, các thành viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện, UBND các xã, thị trấn Đạ Tẻh đã tăng cường thực hiện tốt công tác này như tổ chức 12.983 hội nghị, buổi tuyên truyền miệng giới thiệu văn bản pháp luật, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho gần 2 triệu lượt người tham gia; tổ chức sinh hoạt “Ngày pháp luật” để giới thiệu đề cương pháp luật do Phòng Tư pháp biên soạn cho hơn 1 triệu lượt cán bộ, công chức, người lao động làm việc ở các cơ quan, đơn vị, các trường học, UBND các xã, thị trấn; trợ giúp pháp lý lưu động miễn phí kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật với 117 buổi cho 3.930 lượt người tham dự là thành viên Hội Nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh và Nhân dân các xã, thị trấn; 5 buổi cho giáo viên, học sinh các trường học thuộc huyện với 1.323 lượt người tham dự; 3 buổi với 132 lượt hội viên Hội Người khuyết tật tham dự. 
 
Bên cạnh đó, cấp phát 14.793 đầu sách pháp luật; biên soạn, cấp phát 262.560 tờ gấp tìm hiểu pháp luật cho Nhân dân; xây dựng 520 chương trình phát trên sóng truyền thanh huyện và hệ thống loa truyền thanh cơ sở; tổ chức biểu diễn văn nghệ kết hợp tuyên truyền miệng 68 buổi phục vụ khoảng 10.300 lượt khán giả; tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua 56 hội thi, cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật…
 
•  NÂNG CAO HIỆU QUẢ TUYÊN TRUYỀN
 
Bà Nhữ Thị Thanh Hương - Trưởng Phòng Tư pháp huyện Đạ Tẻh cho biết: Bên cạnh việc đa dạng hình thức tuyên truyền, PBGDPL, các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã tổ chức triển khai các chương trình, đề án về PBGDPL phù hợp với chức năng, nhiệm vụ công tác và tình hình, đặc điểm của cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống. Từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn huyện Đạ Tẻh đã triển khai thực hiện 15 đề án tuyên truyền, PBGDPL. 
 
Đơn cử như Đề án “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường” và Đề án “Phòng, chống xâm hại và bạo lực học đường” được giao cho Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện triển khai thực hiện. Trong 10 năm qua, Phòng đã phối hợp với Phòng Tư pháp, Công an huyện, Đoàn Thanh niên tổ chức tuyên truyền pháp luật thông qua hình thức tổ chức khác nhau như: tuyên truyền miệng; thông qua trang mạng xã hội, Facebook, Zalo... của nhà trường; qua loa phát thanh; qua sinh hoạt Câu lạc bộ pháp luật; qua xây dựng, khai thác Tủ sách pháp luật… Công an huyện cũng tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật cho học sinh và giáo viên; tổ chức Hội thi “Tìm hiểu kiến thức pháp luật về trẻ em; phòng, chống xâm hại và bạo lực học đường” tại tất cả các trường THCS trên địa bàn.
 
Trưởng Phòng Tư pháp huyện Đạ Tẻh nhận định: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền PBGDPL vẫn còn một số hạn chế như cơ sở vật chất, phương tiện làm việc chưa đáp ứng được yêu cầu; kinh phí dành cho công tác PBGDPL còn hạn chế, nhất là ở các xã, thị trấn; các đề án, chương trình PBGDPL triển khai nhiều, thiếu tính tập trung nên số đề án đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra còn ít, hiệu quả chưa thực sự đạt cao; việc đưa pháp luật đến với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, do địa bàn rộng, đi lại khó khăn, dân cư rải rác, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, một số phong tục tập quán lạc hậu chậm được khắc phục, xóa bỏ gây nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện.
 
Để công tác tuyên truyền PBGDPL được thực hiện một cách đồng bộ và có hiệu quả trong các năm tiếp theo, huyện Đạ Tẻh đã đề nghị Sở Tư pháp kiến nghị UBND tỉnh đề xuất cấp có thẩm quyền khi sửa đổi, bổ sung Luật PBGDPL, trong đó cần có quy định rõ về cơ chế phối hợp, trách nhiệm của các ngành trong việc PBPL thuộc lĩnh vực quản lý, phụ trách để thống nhất trong triển khai, thực hiện, tránh tình trạng đùn đẩy, thiếu chủ động thực hiện công tác này theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, ngành mình; đề xuất Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp xem xét có chế độ phù hợp cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật...
 
THÂN THU HIỀN