Tăng cường công tác quản lý hoạt động đối với các cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ

03:10, 19/10/2022
(LĐ online) - Sở Y tế Lâm Đồng vừa có văn bản gởi Sở Thông tin và Truyền thông và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý hoạt động đối với các cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ.
 
Trong thời gian vừa qua, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành kiểm tra một số cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ, spa trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra phát hiện một số cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi cơ quan nhà nước; cơ sở thẩm mỹ đã sử dụng thiết bị để can thiệp (đốt, tiêm) vào cơ thể người để làm thay đổi màu sắc, hình dạng trên cơ thể người cho một số khách hàng…
 
Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Sở Y tế Lâm Đồng thông báo cập nhật danh sách 22 cơ sở tự công bố đáp ứng điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại tỉnh Lâm Đồng tính đến ngày 29/9/2022. 
 
Sau khi công bố, 22 cơ sở này chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tự công bố, đảm bảo các điều kiện hoạt động, kết quả do cơ sở thực hiện và thực hiện đúng phạm vi hoạt động đã được Sở Y tế tỉnh công bố. Các cơ sở này không được để bảng hiệu quảng cáo có cụm từ: “thẩm mỹ viện hoặc phòng khám thẩm mỹ, viện thẩm mỹ” và không được phép sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.
 
Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ (hiện tại Lâm Đồng có 3 cơ sở gồm: Phòng khám chuyên khoa Phẫu thuật thẩm mỹ Emcas Đà Lạt; Thẩm mỹ viện RoSa; Phòng khám Thẩm mỹ BS Chiến - TP Bảo Lộc). Các cơ sở này được phép để bảng hiệu quảng cáo thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ.
 
Sở Y tế tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp các cơ quan, đơn vị như: Công an, UBND xã phường, thị trấn thành lập đoàn kiểm tra về cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ, spa trên địa bàn; chỉ đạo cương quyết tháo dỡ bảng hiệu đối với các cơ sở hoạt động khi chưa được Sở Y tế tỉnh cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. 
 
Lưu ý đối với các cơ sở đề bảng hiệu viện thẩm mỹ, thẩm mỹ viện khi không có bác sỹ chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và chưa được Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cấp phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh phải cương quyét yêu cầu tháo dỡ bảng hiệu quảng cáo.
 
Có biện pháp xử lý hoặc đề xuất xử lý theo quy định các hành vi vi phạm; đồng thời công bố rộng rãi các trường hợp vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Báo cáo kết quả kiểm tra, kết quả xử lý, đồng thời thống kê, rà soát lại tất cả các cơ sở trên địa bàn, gửi Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng để báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
 
 
 
AN NHIÊN