Trường hợp nào phải có Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hoá?

03:11, 26/11/2022
Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi muốn thực hiện hoạt động phân phối tại Việt Nam ngoài việc tuân theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp còn phải tuân theo quy định pháp luật về mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá.
 
Công ty bà Nguyễn Ngọc Trâm (TPHCM) có vốn đầu tư nước ngoài, được thành lập và hoạt động dựa trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được cấp lần đầu vào ngày 14/5/2014, cùng với Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cũng vào ngày 14/5/2022 do UBND TPHCM cấp. Sau đó, công ty thay đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào ngày 17/8/2016.
 
Trên Giấy chứng nhận đầu tư do UBND TPHCM cấp có thể hiện ngành nghề kinh doanh: Thực hiện quyền phân phối bán buôn (không thành lập cơ sở bán buôn), quyền phân phối bán lẻ (không thành lập cơ sở bán lẻ).
 
Bà Trâm hỏi, phân phối bán lẻ với bán lẻ tại trụ sở công ty có khác nhau không? Hiện, công ty bà có cần đăng ký Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa không?
 
Trường hợp nào thì doanh nghiệp bắt buộc phải đăng ký Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa? 
 
Trong trường hợp bắt buộc phải đăng ký Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa thì công ty bà sẽ phải đăng ký với Sở Công Thương nơi công ty có trụ sở. Vậy, thời điểm từ ngày 14/5/2014 đến thời điểm được cấp Giấy đăng ký giấy phép kinh doanh công ty có vi phạm quy định của Bộ Công Thương không? Trường hợp vi phạm thì hình thức xử lý như thế nào? Mức xử phạt cao nhất là bao nhiêu?
 
Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh trả lời vấn đề này như sau:
 
Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi muốn thực hiện hoạt động phân phối tại Việt Nam ngoài việc tuân theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) còn phải tuân theo quy định pháp luật về mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá được quy định cụ thể như sau: 
 
Trước ngày 15/1/2018, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải được cấp Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hoá tại Việt Nam khi thực hiện các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ theo quy định của Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12/2/2007 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
 
Từ ngày 15/01/2018, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài/doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải được cấp Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hoá tại Việt Nam khi thực hiện các hoạt động bán buôn, bán lẻ theo quy định tại Điểm a, b, c, Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (thay thế Nghị định số 23/2007/NĐ-CP).
 
Bà Nguyễn Ngọc Trâm/hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cũng cần lưu ý rằng, trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đều có ghi chú/lưu ý các trường hợp phải có Giấy phép kinh doanh theo quy định pháp luật sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
 
Theo đó, nếu doanh nghiêp có vốn đầu tư nước ngoài của bà Nguyễn Ngọc Trâm đã thực hiện trong thực tế các hoạt động phân phối trên vào giai đoạn chưa được cấp Giấy phép kinh doanh là đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
 
Hiện nay, việc xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực mua bán hàng hóa được quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Điều 70).
 
Căn cứ lập cơ sở bán lẻ
 
Cũng theo Nghị định số 09/2018/NĐ-CP quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động bán lẻ các hàng hóa không bị cấm nhập khẩu, phân phối nhưng không bao gồm sách báo, tạp chí thì phải được cấp Giấy phép kinh doanh với một trong hai cách ghi như sau:
 
- Bán lẻ (không lập cơ sở bán lẻ) khi doanh nghiệp chỉ bán lẻ bằng hình thức qua internet (trên mạng xã hội, lập trang thương mại điện tử bán hàng hóa), tham gia sàn thương mại điện tử của bên thứ 3 (Tiki, Lazada…), qua điện thoại, email, fax, nhân viên kinh doanh đến giới thiệu sản phẩm trực tiếp… (có thể hiểu đơn giản nhất là không giao dịch, giao nhận hàng hóa với khách hàng tại một địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp, ví dụ: Cửa hàng bán lẻ, gian hàng trong trung tâm thương mại…).
 
- Bán lẻ (có lập cơ sở bán lẻ) khi doanh nghiệp bán lẻ bằng các phương thức như trên đồng thời, có bán lẻ tại địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp; mà theo quy định của Nghị định số 09/2018/NĐ-CP được định nghĩa là "Cơ sở bán lẻ: Là địa điểm thực hiện hoạt động bán lẻ" (Khoản 8, Điều 3 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP). Khi thực hiện bán lẻ theo phương thức này, ngoài Giấy phép kinh doanh có nội dung: Bán lẻ (có lập cơ sở bán lẻ), doanh nghiệp phải được cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ theo quy định (Khoản 2, Điều 5 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP).
 
Tùy theo nhu cầu, doanh nghiệp có thể lập cơ sở bán lẻ tại trụ sở chính hoặc tại một địa điểm khác ngoài trụ sở chính - địa điểm đó phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ theo quy định (tham khảo Chương III của Nghị định số 09/2018/NĐ-CP).
 
Trường hợp bà Nguyễn Ngọc Trâm cần thêm thông tin, vui lòng liên hệ Phòng Thị trường và Thương nhân nước ngoài – Sở Công Thương TPHCM để được cung cấp thêm thông tin.
 
(Theo Chinhphu.vn)