World Cup và những trận đấu vì danh dự

09:06, 28/06/2018

Rất nhiều trận đấu trong cuối vòng bảng World Cup tưởng chừng như là thủ tục vì mọi thứ đã ngã ngũ, có đội đã phải chuẩn bị hành trang lên đường về nước. Nhưng không, dù là thủ tục nhưng những đội bóng này lại vào trận cực hay với một tâm thế đây là những trận đấu vì danh dự.

Rất nhiều trận đấu trong cuối vòng bảng World Cup tưởng chừng như là thủ tục vì mọi thứ đã ngã ngũ, có đội đã phải chuẩn bị hành trang lên đường về nước. Nhưng không, dù là thủ tục nhưng những đội bóng này lại vào trận cực hay với một tâm thế đây là những trận đấu vì danh dự.
 
Niềm hân hoan của các cầu thủ khi được chơi ở World Cup
Niềm hân hoan của các cầu thủ khi được chơi ở World Cup
Peru gặp Australia vào đêm thứ ba (26/6) vừa rồi là một trận đấu kiểu như vậy. 
 
 Cho đến trước trận đấu này, Peru trong bảng C đã phải nếm 2 thất bại với cùng một tỷ số tối thiểu, trước Đan Mạch với tỷ số 0 - 1 và trước Pháp cũng chỉ với tỷ số 0 - 1, cả 2 trận này họ không ghi được bàn thắng nào. 
 
Công bằng mà nói Peru cũng chơi không đến nỗi nào, nếu không nói là họ có khá nhiều cơ hội trong cả 2 trận đấu nói trên. Trong tổng số 2 lượt trận này họ đã tung ra 26 cú sút về cầu môn đối phương, một kết quả không hề thua kém đối phương. Nhưng vấn đề là các cầu thủ Peru đã không tận dụng được những cơ hội này, thần may mắn cũng chưa đứng bên để mỉm cười với họ.  
 
Như trong trận gặp Pháp chẳng hạn, với đấu pháp rất khôn ngoan biết người biết ta, họ hầu như cả trận đã vô hiệu hóa hầu hết các chân sút nổi danh của đội tuyển này, chỉ để thua đúng 1 bàn trong một tình huống sơ suất bất cẩn. Tuy nhiên danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu này khi kết thúc trận đấu lại không phải thuộc về Kylian Mbappe - cầu thủ trẻ ghi bàn duy nhất quyết định cho tuyển Pháp thắng cuộc mà chính là của một cầu thủ của Peru, đó là Andre Carrillo, người chơi xông xáo nhất trận.
 
Với 2 trận thua trên, coi như số phận của Peru tại World Cup 2018 tại Nga lần này đã an bài, họ sẽ phải thu xếp đồ đạc về nước sớm, trận đấu còn lại với Australia chỉ mang tính thủ tục. 
 
So với Peru, Australia trước trận đấu này lại có động lực hơn vì cơ hội đi tiếp của đội bóng này vẫn còn dù hơi hẹp. Họ đã có 1 trận thua, thua trước Pháp với tỷ số 1- 2, trận tiếp họ cầm hòa 1 - 1 với Đan Mạch. Có trong tay 1 điểm, Australia chỉ cần thắng Peru và mong Pháp đánh bại Đan Mạch là đủ để vào vòng trong.   
 
Nhưng Peru không đến với World Cup sau 36 năm chờ đợi chỉ để làm kẻ lót đường. Lần gần đây nhất họ giành quyền vào chơi World Cup là năm 1982, lần đó họ chỉ đến hết vòng bảng là phải ra về. Từng 2 lần lọt vào tứ kết World Cup vào năm 1970 và 1978, nhưng những trận đấu gần đây tại vòng chung kết FIFA Cúp bóng đá thế giới này họ cứ thua dài dài, không tìm lấy nổi một chiến thắng. Họ phải làm gì đó để thay đổi điều này, họ không đến đây để thăm nước Nga rồi ra về với 2 bàn tay trắng, huống chi đi theo họ đến Nga là cả nghìn cổ động viên nhà bất chấp nghìn dặm xa xôi chỉ để cổ vũ tinh thần cho đội nhà.  
 
Vậy thì hà cớ gì Peru lại “buông” cho Autralia đi tiếp nếu đội bóng xứ chuột túi này không xứng đáng với chiến thắng đó. Trái ngược Autralia với tâm lý cần phải thắng nên khá nặng nề trong trận, những đôi chân của Peru lại được cởi bỏ chuyện thắng thua để họ quay về với thứ bóng đá Nam Mỹ đầy tính ngẫu hứng nhưng cũng không kém phần chặt chẽ với đấu pháp hợp lý. 
 
Và rồi hai bàn thắng đã đến với Peru trong cả 2 hiệp đấu, mỗi hiệp 1 bàn do công của 2 cầu thủ của mình là Carrillo và Guerrero trong sự bất lực của Australia và nỗi vui mừng đến tột độ của các cầu thủ lẫn các cổ động viên Peru trên sân. Có cảm giác nhiều người phấn khích như đội bóng của họ vừa ghi bàn trong trận chung kết World Cup chứ không phải trong một trận đấu mang tính thủ tục như vậy. Peru sau trận đấu này đã có thể ngẩng cao đầu về nước, biết đâu với chiến thắng này họ sẽ được chào đón ở quê nhà như những người anh hùng dù vẫn chưa vượt qua được vòng bảng.   
 
Và thật ra không chỉ Peru mà còn rất nhiều đội khác cũng đã phải lâm vào tình cảnh tương tự với các trận đấu thủ tục tại World Cup lần này, những tưởng các trận đấu này sẽ tẻ nhạt nhưng hoàn toàn không phải như vậy.
 
Marốc cũng là một đội phải ra về sau 2 trận thua tối thiểu trước Iran và Bồ Đào Nha với cùng tỷ số 0-1. Những ai xem 2 trận đấu này đều rất tiếc cho Marốc vì đây là một đội bóng chơi rất hay, họ hoàn toàn làm chủ thế trận khi gặp Iran nhưng rồi phải thua tức tưởi vì bàn đá phản lưới nhà của chính cầu thủ đội mình. Trận gặp Bồ Đào Nha, họ cũng phung phí nhiều cơ hội và bị chọc thủng lưới chỉ bởi Ronaldo - một siêu sao. 
 
Nhưng trận đấu đáng xem nhất của họ lại là trận gặp Tây Ban Nha, một trận đấu họ chơi cực hay dù có tỷ số hòa 2-2 nhưng họ đã làm cho đội bóng xứ bò tót hàng đầu của châu Âu phải toát mồ hôi lạnh. Công bằng mà nói, công nghệ VAR đã góp phần tước đi chiến thắng ngay trước mắt của Marốc khi chính trước đó, vị trọng tài điều hành trận đấu đã không công nhận bàn thắng của Iago Aspas - cầu thủ Tây Ban Nha những phút chót trận đấu vì cho rằng việt vị nhưng sau đó lại thay đổi quyết định vì xem lại màn hình. Nếu không vì điều này, Marốc đã làm nên một chiến công rất đáng nhớ tại World Cup lần này. 
 
Vậy thì tại sao các đội bóng trong đó có các đội bóng “nhỏ” đã chuẩn bị xách gói về nước lại có những trận đấu vào hàng thủ tục hay đến như vậy? 
 
Đơn giản vì đây là World Cup, có những đội mạnh vẫn thường xuyên có mặt trên sân chơi này nhưng cũng có những đại diện phải chờ đến vài mươi năm mới có cơ hội. Để đến được đây họ phải có một thế hệ đầy tài năng hay ít nhất là có siêu sao bóng đá xuất hiện (kiểu như Mohamed Salah của Ai Cập) để vượt qua được một vòng loại châu lục đầy cam go. Đến với World Cup, họ phải gánh trên vai sức nặng của sự kỳ vọng từ người hâm mộ quê nhà, liệu họ có xứng đáng với sự kỳ vọng này hay không nếu họ không chiến đấu hết mình vì danh dự của đất nước họ? 
 
Cũng có người cho rằng vì World Cup là sân chơi lớn nhất hành tinh nên các cầu thủ của hầu hết các đội bóng, đặc biệt là các đội bóng từ các quốc gia nghèo phải nỗ lực trổ hết tài trong mọi trận đấu ở đây, để có cơ hội lọt vào tầm ngắm của một tuyển trạch viên đội bóng lớn ở châu Âu nào đó và rồi cơ hội đổi đời sẽ đến. Trong thực tế, đã có không ít những tài năng bóng đá nhờ World Cup để đưa mình lên thành siêu sao, nhiều tên tuổi ngủ một đêm đến sáng, chơi một trận bóng và nổi tiếng khắp thế giới, được săn đón khắp nơi với thù lao chơi bóng hậu hĩnh.
 
Nhưng như Nordin Amrabat - một cầu thủ của đội Marốc sau trận thua 0-1 trước Bồ Đào Nha, khi biết ông trọng tài Mark Geiger ngay trong lúc điều khiển trận đấu này đã ngỏ ý xin áo đấu của Ronaldo nên đã phản ứng rất mạnh. Không biết vị trọng tài này vì hâm mộ Ronaldo và đội tuyển Bồ Đào Nha hay không mà từ chối cho Marốc được hưởng quả phạt 11 m và cũng chẳng buồn xem lại công nghệ VAR dù các cầu thủ Marốc khiếu nại. Chính vì vậy cầu thủ này đã phải lớn tiếng sau trận đấu: “Tôi không tin nổi là ông ta lại yêu cầu điều đó, đây là World Cup chứ không phải rạp xiếc”.
 
VIẾT TRỌNG