Không chỉ ở thành phố và trung tâm huyện mới có Yoga, nay Yoga đã bắt đầu về đến các xã, phường trong tỉnh với rất đông người tập luyện hằng ngày nhằm nâng cao sức khỏe...
Không chỉ ở thành phố và trung tâm huyện mới có Yoga, nay Yoga đã bắt đầu về đến các xã, phường trong tỉnh với rất đông người tập luyện hằng ngày nhằm nâng cao sức khỏe. Có một lớp Yoga như vậy vừa mở gần đây tại xã Hiệp Thạnh - Đức Trọng.
|
Cô giáo Võ Thị Thái Nguyên (áo đỏ, thứ ba từ phải qua hàng đầu tiên) cùng các học viên trong lớp buổi tối. Ảnh: Gia Khánh |
Những học viên cần mẫn
Nhà cách lớp 8 cây số nhưng tối nào những ngày trong tuần chị Dương Thị Loan, 34 tuổi, gia đình ở xã Hiệp An cũng có mặt tại lớp để tập luyện.
Hiệp An nằm dưới chân đèo Prenn, kề xã Hiệp Thạnh của huyện Đức Trọng, với đường Quốc lộ 20 nối dài từ Ngã ba Phi Nôm lên đây, nhà gần đường lộ nên chị Loan đi lại cũng rất thuận lợi, vì vậy mà dù xa tối nào chị cũng đi tập.
Chị Loan biết đến Yoga từ lúc đi học trên Đà Lạt, ngày đó tò mò theo bạn đi tập rồi mê luôn, Yoga theo chị biết có tác dụng tốt với sức khỏe của mình nên sau đó khi tốt nghiệp ra trường đi làm tại Đà Lạt chị vẫn duy trì tập luyện. Chỉ khi có gia đình, không đi làm trên Đà Lạt nữa, về nhà tại Hiệp An mở quầy buôn bán hoa lay ơn, chị mới bị ngắt quãng một thời gian không tập Yoga khá lâu.
Thế nên khi công việc gia đình và chuyện mua bán đi vào nề nếp, chị Loan cố tìm một chỗ để tập lại Yoga nhưng cả vùng trên này không có, phải đi xuống tận trung tâm huyện Đức Trọng tại thị trấn Liên Nghĩa khá xa, cả đi và về trên 30 km. Chính vì vậy khi biết tại Ngã ba Phi Nôm có lớp Yoga, nên chị đăng ký đi tập ngay.
“Thật ra mình tập ở nhà cũng được nhưng khó tập trung trong khi cả nhà làm việc. Tập tại lớp có không khí, có mọi người cùng tập, có bài mới hằng ngày vui hơn, nên có xa cũng đi” - chị Loan cho biết.
Cùng với chị Loan, trong lớp có rất nhiều người đến với Yoga vì lý do sức khỏe. Như bà Nguyễn Thị Thơi, 58 tuổi, người trong xã Hiệp Thạnh, nhà khá gần nơi tổ chức lớp nên khá thuận lợi.
“Tôi nghe nói Yoga có tác dụng rất tốt với sức khỏe nhưng không biết tìm đâu có lớp tập, chỉ biết mở mạng ra tập thử nhưng cũng không dễ tí nào. Bỗng nhiên lớp Yoga lại mở gần nhà mình, mừng ghê ” - bà Thơi tươi cười.
Với sự hướng dẫn tận tình của cô giáo đứng lớp, theo bà Thơi, bệnh xương khớp của mình trong vài tháng tập luyện đến nay đã thuyên giảm, không còn đau nhức, bớt chuyện thuốc thang, người nay vận động đã nhẹ nhàng, đi lại dễ dàng hơn trước nhiều.
Cùng với bà Thơi, trong lớp cũng có không ít học viên là những phụ nữ lớn tuổi là tiểu thương chợ Phi Nôm, quanh năm lo chuyện mua bán, ngồi lâu trong quầy, ít vận động nên cũng mắc bệnh xương khớp, như bà Trương Thị Anh 60 tuổi, bà Nguyễn Thị Thu Hà 54 tuổi…, nhiều người như thế chỉ vài tháng cần mẫn tập luyện thì nay đã chuyển biến đầy lạc quan.
Đặc biệt như bà Lê Thị Hiền, 50 tuổi, cũng ở trong xã, bị viêm mũi dị ứng thời tiết, cứ trời nắng quá hay mùa lạnh đến đều rất khó chịu, đi gặp bác sỹ hoài nên được bác sỹ khuyên bà tập Yoga. Cũng như bà Thơi, bà Hiền cũng rất mừng khi ở xã có lớp Yoga mở ra như thế, gần nhà mình, không phải di chuyển xa. Không chỉ là thành viên tích cực mà bà Hiền còn vận động nhiều người trong chợ Phi Nôm và trong xã cùng đến tập với mình.
“Hợp” với Yoga
Khi nói về lý do mở lớp Yoga ở xã này, cô giáo Võ Thị Thái Nguyên đã tươi cười bảo rằng vì mình “hợp với Yoga”.
Sinh năm 1979, người xã Hiệp Thạnh, cô giáo Nguyên là giáo viên tiểu học, từng nhiều năm dạy học trong vùng sâu Đam Rông và sau đó chuyển về dạy học tại một trường tiểu học tại Hiệp Thạnh.
Là một người năng động, cô giáo Nguyên khi về dạy học ở quê buổi tối đã chạy xe máy xuống thị trấn Tùng Nghĩa để tìm chỗ tập thể dục thể thao. “Thì cũng đi tập cho khỏe thôi chứ nhiều khi cứ đứng ngồi trong lớp cả ngày thiếu vận động lắm” - cô Nguyên cho biết.
Ban đầu cô tập Aerobic, rồi dần từ Aerobic cô chuyển sang tập thử Yoga khi tại đây có lớp mới bắt đầu mở. Càng tập cô càng thấy thích môn vận động này, không nhanh quá như Aerobic nhưng cũng đầy hiệu quả. “Có cảm giác mình rất phù hợp với môn này, học và tập xong thấy rất dễ chịu, đi dạy thấy có năng lượng, có hiệu quả hơn”- cô nói.
Thế là cô giáo Nguyên đã quyết định gắn bó với Yoga bên cạnh nghề dạy học của mình. Cô đi học thêm các lớp nâng cao khi có dịp trong đó có lớp đào tạo huấn luyện viên Yoga của Liên đoàn Yoga Lâm Đồng tổ chức. Sau khi hoàn tất khóa học cô đã về mở lớp Yoga tại xã mình.
Lớp học Yoga này cũng khá đặc biệt vì mở ngay hội trường thôn gần Ngã ba Phi Nôm, như là một điểm sinh hoạt cộng đồng cho người dân xung quanh bên cạnh các hoạt động khác tại đây. Hội trường khá rộng, được cô giáo Nguyên trang bị thêm các dụng cụ dành cho các bài tập Yoga khi cần. Mỗi ngày lớp chỉ mở trong buổi sáng sớm trước khi cô giáo đến lớp và lúc chiều tối khi công việc trên trường cũng xong, trừ chủ nhật.
Đặc biệt, phòng tập nơi đây không chỉ sạch sẽ, tinh tươm và trong giờ tập phòng ngát mùi sả, mùi lá chanh do cô giáo Nguyên thu hái trong các vườn nhà nấu lên tỏa hương thơm rất dễ chịu.
Từ một số ít người ban đầu, nhờ sự vận động của các học viên trong lớp, lớp học đã đông dần, nay đã có trên 40 học viên, tất cả đều là phụ nữ, lớp buổi sáng dành cho lứa tuổi từ 45 trở xuống, buổi tối từ 45 trở lên với các bài tập nhẹ nhàng hơn nhưng nếu ai rảnh giờ nào có thể đến lớp tập bất kỳ.
Điều đáng nói, Yoga trong vài năm gần đây đã phát triển rất nhanh trong tỉnh và lớp học nơi đây chỉ là một trong những điển hình như vậy. Trước đây Yoga chỉ có ở phố thị, nay trong vùng nông thôn đã dần có những câu lạc bộ như thế hoạt động. Đây không chỉ là một bộ môn thể dục thể thao thuần túy vận động mà còn là một lối sống, một phương cách rèn luyện sức khỏe mà nhiều người đang hướng đến. Trong hằng nghìn câu lạc bộ các bộ môn thể dục thể thao trong tỉnh nay đã có mặt thêm các câu lạc bộ của bộ môn Yoga trong các cộng đồng dân cư.
Với cô giáo Võ Thị Thái Nguyên, dù tốn rất nhiều công sức, thời gian để duy trì hoạt động của lớp hằng ngày nhưng vẫn thấy rất vui, đơn giản là vì “Cho mình tập cũng như cho mọi người cùng tập” - cô nói.
GIA KHÁNH