Có rất nhiều con người trong hằng nghìn câu lạc bộ thể dục thể thao (TDTT) đang hoạt động trong tỉnh như thế mà tôi - một người làm báo về thể thao, vẫn chưa có dịp gặp gỡ để viết về những câu chuyện thú vị của họ!
Có rất nhiều con người trong hằng nghìn câu lạc bộ thể dục thể thao (TDTT) đang hoạt động trong tỉnh như thế mà tôi - một người làm báo về thể thao, vẫn chưa có dịp gặp gỡ để viết về những câu chuyện thú vị của họ!
|
Xuất phát xe đạp nữ vượt rừng trong cuộc đua quốc tế tổ chức tại Đà Lạt trong tháng 3/2019. |
1 - Có một câu chuyện mà tôi nhớ mãi về một cô gái với tình yêu thể thao mãnh liệt của mình mà tôi vẫn chưa có dịp gặp lại.
Đó là vào dịp đua xe đạp Cúp Truyền hình TP HCM hằng năm vẫn thường diễn ra tại thành phố Đà Lạt. Với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, những cung đường uốn lượn nhấp nhô trên sườn đồi, với các con đèo đầy thử thách, thành phố hoa lâu nay vẫn luôn là điểm đến đầy yêu thích của giải đua xe đạp cấp quốc gia nổi tiếng này.
Tháp tùng với đoàn đua xe năm đó trên một chiếc mô tô phân khối lớn của một thành viên đoàn hộ tống rầm rộ đi trước đoàn đua để mở đường, tôi bất chợt bắt gặp một cô gái khá nhỏ nhắn cũng trên một chiếc mô tô phân khối lớn trong đoàn chạy cùng. Cũng áo quần bảo hộ của người chơi mô tô, cũng một máy hình to đùng trước ngực với chiếc áo khoác màu mang dòng chữ báo chí của Ban tổ chức cấp. Rất điệu nghệ, cô gái phóng xe đi trước, chọn góc chụp rồi ngừng xe lại, hai tay nâng máy ảnh lên chờ săn ảnh như một “nhiếp ảnh gia” thực thụ trong làng phóng viên thể thao.
Điều ngạc nhiên của tôi sau đó khi nói chuyện cùng cô gái chính là việc cô gái trẻ này là một người Đà Lạt chính tông, giọng nói nhẹ và êm của một người sinh trưởng và lớn lên tại thành phố hoa này. Do mê thể thao nên khi học đại học tại TP HCM, cô gái trẻ gia nhập và sinh hoạt tại các nhóm yêu xe đạp địa hình của thành phố này, rồi cùng các thành viên của nhóm xe đạp đạp xe rong ruổi khắp các tỉnh miền Tây trong những ngày hè.
Khi tốt nghiệp ra đi làm, từ tiền tích góp, cô gái này đã mua hẳn một chiếc mô tô phân khối lớn khá đẹp, loại thích hợp cho nữ, rồi theo bạn làm một vòng chinh phục đất nước từ Cà Mau ra đến Bắc, đến các tỉnh miền núi vùng cao Tây Bắc, sau đó xuôi dọc đất nước về lại phương Nam, về Đà Lạt. Đó chính là chiếc mô tô cô đang chạy.
Nhờ quen biết nên trong giải đua năm đó, cô gia nhập vào nhóm báo chí đi cùng, nhưng chỉ theo được vài chặng vì bận công việc. Những tấm ảnh cô chụp đoàn đua khá đẹp, cô bảo rằng có rất nhiều ảnh chụp trên chuyến đi dọc đất nước đó và mời tôi đến nhà chơi nhưng bận công việc tôi không đến được và sau đó mất luôn địa chỉ liên lạc.
Cho đến nay tôi vẫn chưa gặp lại cô gái đó, chỉ biết rằng giờ cô đã có gia đình, có con, có một công việc yêu thích hằng ngày, cô không còn đi xe mô tô nữa, và cũng không biết cô có còn đi săn ảnh như ngày nào nữa không. Nhưng tôi chắc rằng chuyến đi dọc theo chiều dài đất nước trên chiếc xe máy đó sẽ là một kỷ niệm rất đáng nhớ trong tuổi trẻ của cô ấy. Phải có một tinh thần yêu thể thao, một trái tim dũng cảm, yêu thích vận động, thêm một chút “máu phiêu lưu” trong người mà không nhiều người làm được như cô, nhất lại là một cô gái chân yếu tay mềm.
|
Thi nâng đẳng bộ môn do Liên đoàn Taekwondo Lâm Đồng tổ chức tháng 12/2019 tại Đà Lạt. |
2 - Cứ đến dịp cuối tháng 11 đầu tháng 12 dương lịch hằng năm, khi đi bộ quanh bờ hồ Xuân Hương Đà Lạt trong những buổi chiều sẩm tối tôi lại bắt gặp các thành viên Hội Người khuyết tật Đà Lạt. Họ đi xe lăn thành một đoàn trên đường quanh hồ cùng chiều đi bộ với tôi.
Họ, những người khuyết tật trên những chiếc xe lăn, xe lắc đó đi làm gì vào cuối giờ chiều khi hoàng hôn nhập nhoạng buông xuống? Hãy đặt mình vào vị trí của họ để thấy những con đường phố ở Đà Lạt và cả ở Việt Nam chẳng phải dễ đi, nếu không muốn nói là chẳng hề thân thiện gì với người khuyết tật.
Ở nước ngoài, khi tôi có dịp sinh sống trong thời gian đi học khá lâu, nơi tôi ở luôn có vỉa hè dành cho người đi bộ lẫn cho người khuyết tật. Những vỉa hè dành cho người khuyết tật thường rất bằng phẳng, lát bằng những tấm bê tông để người khuyết tật có thể di chuyển xe lăn, xe lắc một cách an toàn. Còn ở Việt Nam, muốn tự mình đi đâu, người khuyết tật hầu hết phải xuống đường cùng chiếc xe lăn của mình, lưu thông cùng xe máy và ô tô. Mà xe máy, xe ô tô này thường chạy rất nhanh trên đường, bóp kèn xe inh ỏi một cách vô tội vạ. Thật sự những người khuyết tật này nếu không vì mưu sinh, vì cuộc sống của mình chắc họ không muốn xuống đường một mình để chen chúc trong tình hình giao thông đó. Chúng ta thường xuyên kêu gọi đưa người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, nhưng làm thế nào để họ hòa nhập khi mà những vỉa hè có lối đi dành cho người khuyết tật rất ít, vỉa hè dành cho người đi bộ lẫn cho người khuyết tật vẫn còn mấp mô, bị lấn chiếm để buôn bán, để xe cộ, thậm chí nhiều con đường chẳng có lấy vỉa hè.
Vậy thì họ ra bờ hồ Xuân Hương - Đà Lạt để làm gì? Để tập thể thao, để chuẩn bị thi đấu cho giải thể thao Người khuyết tật các cấp được tổ chức vào dịp Quốc tế Người khuyết tật 3/12 hằng năm được tỉnh tổ chức trong vài năm gần đây. Họ tập như thế cả tuần, chiều nào cũng tập, có lúc trên 10 người, có cả nam lẫn nữ và được tổ chức rất tốt, có người thân chở họ ra bờ hồ và chở theo xe lăn xe lắc, chở theo nước uống, khi tập họ đi thành hàng trong lề, vòng ngoài có người thân chạy xe máy theo để ra hiệu xin đường.
Là người viết thể thao, tôi biết nhiều người trong nhóm tập luyện đó, có người đã nhiều lần giành huy chương cấp thành phố và cấp tỉnh ở giải đấu này, có người chưa nhận huy chương nào. Nhưng huy chương đâu phải là tất cả. Giải đấu này dường như đã tập hợp họ lại cho cùng một mục tiêu, họ cùng tập, cùng nói chuyện, vui đùa với nhau trên đường tập. Khi bắt chuyện với họ, nhìn sâu trong mắt họ, tôi thấy sự khao khát vươn lên mạnh mẽ, một tinh thần yêu cuộc sống mãnh liệt, họ cũng muốn được khỏe mạnh, không bệnh tật, muốn được là một con người bình thường; họ cũng như tôi, như bao người đi bộ trong buổi chiều này, muốn được thả đôi bước chân thong thả ven hồ ngắm hoàng hôn. Tôi tự hỏi nếu không có thể thao, không có giải đấu này thì họ đâu có cơ hội gặp nhau trong một sự kiện vui như thế!
|
Bơi vượt hồ Tuyền Lâm - Đà Lạt trong một cuộc thi thể thao mạo hiểm xã hội hóa trong tháng 3/2019 |
3 - Thể thao, suy cho cùng, không chỉ là thể thao thành tích cao với những con số, những tấm huy chương được trao ở những giải đấu rực rỡ, mà đó còn là thể thao quần chúng, là TDTT của đại đa số mọi người dân các tầng lớp trong xã hội.
Một điều đáng mừng trong nhiều năm nay, khi đời sống trong tỉnh khá lên, nhu cầu về văn hóa, TDTT của đại đa số người dân cũng tăng cao, người đi tập TDTT ngày càng nhiều, không chỉ vì lý do sức khỏe, mà còn là nhu cầu về đời sống tinh thần.
Một con số của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết những năm gần đây mỗi năm đã có hằng nghìn giải thể thao được tổ chức trong tỉnh, từ giải cơ sở cấp xã phường, cấp huyện thành đến cấp tỉnh; nhiều giải được tổ chức từ kinh phí ngân sách, nhưng cũng có không ít các giải đấu đến từ nguồn xã hội hóa, từ sự vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm. Đã có không ít người tự bỏ tiền túi ra xây dựng các công trình TDTT, tổ chức giải đấu bài bản định kỳ hằng năm. Toàn tỉnh đến nay ước tính đã có trên 35% dân số tập luyện TDTT hằng ngày với 1.115 câu lạc bộ TDTT hoạt động ở cơ sở.
Trong ý nghĩa đó, có thể nói rằng vẫn còn rất nhiều những cá nhân cũng như tập thể trong hoạt động TDTT phong trào cơ sở chưa phản ánh hết được trên mặt báo. Đó sẽ là những nhân vật với những câu chuyện thú vị mà một người làm báo thể thao lâu năm như tôi rất muốn gặp trong một ngày thật gần...
GIA KHÁNH