Giải pháp bền vững trong xây dựng nông thôn mới

NGỌC NGÀ 05:53, 24/03/2023

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nói chung và lao động nông thôn nói riêng là bước chuẩn bị quan trọng cho sự phát triển. Đồng thời, đó cũng là một trong những giải pháp bền vững trong mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới ở Di Linh.

Huyện Di Linh đã triển khai nhiều giải pháp trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động người DTTS
Huyện Di Linh đã triển khai nhiều giải pháp trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động người DTTS

NỖ LỰC CỦA ĐỊA PHƯƠNG

Ông Trần Đức Công - Chủ tịch UBND huyện Di Linh khẳng định: “Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động là chủ trương lớn của huyện”. Những năm qua, UBND huyện Di Linh đã ban hành Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo đặc điểm, tình hình và điều kiện từng năm. Trên cơ sở kế hoạch của UBND huyện, các ngành, đoàn thể có liên quan, UBND các xã, thị trấn đã phối hợp thực hiện nhiệm vụ này với những hiệu quả nhất định. 

Ông Đinh Duy Truyền - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Di Linh, cho biết: “Công tác đào tạo nghề được địa phương thực hiện chủ yếu đối với nhóm lao động nông thôn, lao động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở khảo sát kỹ đặc điểm tình hình và nhu cầu của người dân, công tác đào tạo nghề được tiến hành từng năm. Riêng năm 2022, chỉ tiêu đào tạo nghề đạt hơn 4.200 học viên, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn huyện đạt 46%. Hình thức đào tạo chủ yếu là bồi dưỡng các lớp ngắn hạn, đào tạo theo hình thức kèm cặp nghề tại các cơ sở truyền nghề. Đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn, năm qua, huyện Di Linh có 2 lớp nghề phi nông nghiệp cho 55 học viên với các nghề vận hành sửa chữa máy nông nghiệp tại thị trấn Di Linh và đan lát tại xã Đinh Lạc”.

Bên cạnh đó, huyện Di Linh đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lâm Đồng tổ chức các phiên giao dịch việc làm, các công ty tuyển dụng lao động, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện tổ chức các hoạt động tư vấn việc làm tại chỗ và lưu động.

Riêng trong hai năm 2021 và 2022, huyện Di Linh đã tổ chức 14 buổi tư vấn việc làm tại các xã: Tân Châu, Tân Nghĩa, Gung Ré, Hòa Bắc, Liên Đầm, Đinh Trang Hòa, Gia Hiệp, Tam Bố, Đinh Lạc... Đẩy mạnh thông tin về xuất khẩu lao động; đào tạo nghề và kết nối việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số; kết nối hiệu quả trang fanpage Vieclamdilinh để kết nối thông tin việc làm... Đặc biệt, huyện Di Linh đã tổ chức phiên giao dịch việc làm tại xã Đinh Lạc với hơn 300 người tham gia. Phiên giao dịch có hơn 10 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động trực tiếp, gần 100 lao động được tiếp cận và tham gia đăng ký các vị trí việc làm trong tỉnh, hơn 20 lao động tham gia tìm hiểu tại các gian hàng tư vấn xuất khẩu lao động.

“Những năm gần đây, huyện đẩy mạnh việc xuất khẩu lao động. Theo đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm, các công ty tuyển dụng, các đơn vị chiêu sinh các lớp học tiếng Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc cho các lao động có nhu cầu làm việc tại nước ngoài. Hướng dẫn quy định chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong hai năm 2021 - 2022, huyện Di Linh đã có hơn 200 lao động tham gia học định hướng và có gần 100 lao động đã xuất cảnh”, ông Đinh Duy Truyền chia sẻ thêm.

KHÓ KHĂN ĐẶT RA

Kết quả khảo sát vấn đề đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Di Linh cho thấy, vẫn còn rất nhiều những khó khăn đặt ra cho địa phương này.

Đơn cử như việc trên địa bàn huyện có rất ít doanh nghiệp quy mô lớn, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đa số là cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ nên việc thu hút lao động còn rất hạn chế, chưa khai thác được tối đa nguồn vốn đào tạo nghề cho lực lượng lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chưa hình thành được thị trường lao động. 

Vẫn còn một số lao động người DTTS, người nghèo có tâm lý đi học nghề để nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước, chưa chú trọng quan tâm đến lợi ích của việc học nghề và giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp.

Một số nghề phi nông nghiệp, nghề truyền thống trên địa bàn huyện chủ yếu là phát triển tự phát, quy mô nhỏ lẻ. Sản phẩm của nghề truyền thống và làng nghề truyền thống chỉ tự sản, tự tiêu, chưa tham gia nhiều vào nền kinh tế thị trường. Lao động làm nghề truyền thống chỉ có một số rất ít được đào tạo bài bản theo trường lớp, phần lớn là truyền nghề trực tiếp từ nghệ nhân, ông bà, cha mẹ.

Thị trường tiêu thụ kém, năng suất thấp, giá thành sản phẩm cao, mẫu mã chưa đa dạng nên hạn chế sức cạnh tranh; lợi thế so sánh với nghề nông nghiệp không lớn. Ngành nghề nông thôn chủ yếu là phát triển tự phát, quy mô nhỏ lẻ, chưa có định hướng sản xuất hàng hóa.

Trình độ văn hoá, tay nghề, tác phong lao động của người lao động còn hạn chế nên khó đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Ý thức của người lao động trong tham gia thị trường lao động chưa chuyên nghiệp nên xảy ra tình trạng chán chỗ, nhảy việc... Lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 40% dân số. Đây là lực lượng dồi dào, song chưa có việc làm ổn định. Tuy nhiên, ý thức vươn lên của nhóm lao động này còn hạn chế, tâm lý trông chờ, ỷ lại còn phổ biến nên thực sự là áp lực lớn cho chính quyền địa phương…

“Di Linh đang tập trung nỗ lực cho mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới. Bởi vậy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, lao động người đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng thực sự là trăn trở mà địa phương đang tháo gỡ”, Chủ tịch UBND huyện Di Linh khẳng định.

Năm 2023, Di Linh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề, chính sách vay vốn việc làm, thông tin việc làm, chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chương trình xuất khẩu lao động sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân. Tạo mối gắn kết hiệu quả giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp với các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm,... nhằm kết nối thị trường lao động, hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; gắn kết đào tạo với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Tư vấn việc làm tỉnh Lâm Đồng, các doanh nghiệp tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu tổ chức các buổi tư vấn việc làm trực tiếp tại các địa phương. Đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, phụ nữ và người khuyết tật, người cao tuổi có nhu cầu. Đẩy mạnh triển khai liên kết nhà trường và doanh nghiệp, các hội nghề nghiệp với thị trường lao động. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh khởi nghiệp, các cơ sở có hoạt động dạy nghề, tuyển lao động vào làm việc được vay vốn để đầu tư cho sản xuất góp phần giải quyết việc làm cho địa phương nói riêng và toàn huyện nói chung…