Bến xe… ''đói'' xe (bài cuối)

N.NGUYỄN - T.TRANG 01:22, 04/04/2023

Trước tình trạng các bến xe khách đìu hiu, vắng khách như hiện nay, dù chính sách để thu hút đầu tư xây dựng bến xe khách, bãi đỗ xe là rất thiết thực, nhưng việc triển khai thực hiện chưa hiệu quả, làm cho các chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống. 

Phòng vé, phòng chờ của các bến xe tiền tỷ vẫn đang “đói” khách
Phòng vé, phòng chờ của các bến xe tiền tỷ vẫn đang “đói” khách

NHIỀU LỰA CHỌN SẼ DỄ LÁCH LUẬT?

Một nhà đầu tư bến xe khách nhận định, nguyên nhân các xe khách không chịu vào bến, đơn giản vì họ còn nhiều sự lựa chọn khác để lách luật!. 

Không chỉ vậy, qua quá trình tìm hiểu chúng tôi còn nhận thấy, trong câu chuyện này còn có cả các kiểu lợi ích khác khiến tình trạng xe dù, xe hợp đồng biến tướng bao năm nay vẫn hoạt động trước mắt lực lượng chức năng. 

Không khó để nhận diện, các nhà xe thường “lách luật” bằng cách làm hợp đồng trá hình. Khi toàn bộ hành khách lên xe, nhân viên sẽ ghi tên rồi cho vào danh sách hợp đồng. Qua theo dõi, kiểm tra, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ đạo lực lượng chức năng xử lý vi phạm quy định về lĩnh vực đăng ký kinh doanh, điểm giao dịch, hành vi lập điểm đón, trả khách trái phép…, nhưng đến nay, tình trạng này vẫn tiếp diễn. 

Tình trạng các nhà xe làm hợp đồng giả, đón, trả khách ở các địa điểm theo yêu cầu của khách, hay một số vị trí di động do nhà xe lập ra. Như các nhà xe từ Đà Lạt đi tuyến miền Trung và miền Bắc thì ở đường Yersin, quanh các bãi đất trống khu vực hồ Xuân Hương, đường Ba Tháng Tư, cây xăng Thái Phiên... Vì vậy mà bến xe vắng vẻ, nhưng ở các tuyến đường lân cận, hiện tượng xe khách ngang nhiên trả khách ở lề đường vẫn được nhìn thấy tại nhiều nơi.

GIẢI PHÁP NÀO?

Cần xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, như xe bỏ bến, “xe cóc, xe dù”, xe hợp đồng chạy tuyến cố định; nhà xe đón, trả khách dọc đường để đảm bảo tính cạnh tranh hợp pháp cho hoạt động của các nhà xe chạy tuyến cố định và cho các nhà xe vào bến xe khách. Đó là ý kiến của rất nhiều các nhà đầu tư bến xe, nhà quản lý đô thị. Bởi thực tế cho thấy, vận tải hành khách theo kiểu sân nhà, hợp đồng trá hình đã tạo ra cảnh hỗn độn, “bến cóc, xe dù” biến tướng theo kiểu “sang” hơn với từ ngữ là xe hợp đồng. 

Việc không vào bến còn dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xe. Theo quy định, xe chở khách tuyến cố định phải vào bến để đón, trả khách. Nhưng, để giảm chi phí, không phải đóng phí bến bãi, phí đăng tài... nhiều nhà xe đón khách trên danh nghĩa “xe hợp đồng” đi các tỉnh, thành và xuất phát trực tiếp từ nhà xe, hoặc ghé ngang, tạt dọc để đón khách chứ không vào bến, không được cấp lệnh xuất bến. 

Thông thường, mỗi lượt đăng tài, xe khách chạy tuyến cố định sẽ nộp phí khoảng 80 ngàn đồng tại bến. Như vậy, chỉ tính một lượt chạy/xe/ngày, 10 xe núp bóng “hợp đồng” của một nhà xe đã giảm được 800 ngàn đồng, 1 tháng giảm 24 triệu đồng, chưa kể các loại phí khác; các nhà xe vì thế mà theo nhau bỏ bến. Điều đó dẫn tới các xe khách hoạt động đúng pháp luật, nộp thuế sẽ rất khó cạnh tranh.

Không khó để lý giải vì sao các bến xe đầu tư theo chính sách kêu gọi xã hội hoá của Nhà nước hàng chục tỷ đồng nhưng lại đìu hiu, vắng vẻ! Cách bến xe Đức Long (TP Bảo Lộc) không bao xa, một số trạm dừng chân của các nhà xe từ lâu đã trở thành nơi đón, trả khách và giao nhận hàng hóa. Dù là hoạt động ở văn phòng giao dịch nhưng chẳng khác nào như những bến xe khách, nhưng những nhà xe này không hề bị cơ quan chức năng nào xử lý?.

TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI?

Hiện hành lang pháp lý để xử lý những vi phạm đã có, với những quy định rõ ràng về trách nhiệm của chính quyền địa phương và của các lực lượng chức năng. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý của một số cơ quan, đơn vị, địa phương không duy trì thường xuyên, nên tình trạng xe hợp đồng và du lịch hoạt động đón, trả khách không đúng quy định chỉ giảm, hoặc thay đổi địa bàn hoạt động khi có lực lượng kiểm tra, sau đó phát sinh trở lại.

Trước thực trạng trên, rất cần sự vào cuộc quyết liệt từ phía Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng để phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý dứt điểm hiện tượng vận tải khách lộn xộn trên địa bàn. Trong đó, ngành Giao thông tỉnh cần chủ trì tham mưu các địa phương giữ nguyên các bến xe hiện hữu trong nội thành, nội thị, hạn chế việc điều chuyển ra xa trung tâm để tạo sự ổn định trong hoạt động vận tải hành khách, tránh hiện tượng “xe dù, bến cóc” biến tướng.

Về giải các pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Gia - Phó Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng, cho biết: Trước hết, về cơ chế chính sách, Sở đã có những văn bản gửi Bộ GTVT và các cơ quan liên quan nhằm điều chỉnh cơ chế chính sách cũng như các biện pháp chế tài để thực hiện phù hợp với thực tế. Về mặt kinh tế, làm sao điều chỉnh mức thuế của xe hoạt động tuyến cố định có một mức thuế thấp hơn và phục vụ như một loại hình xe công cộng, còn xe hợp đồng sẽ có thuế suất cao hơn - đây cũng là một biện pháp để tuyến cố định hoạt động. Riêng mức phí của bến xe cũng cần có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo thực hiện mức phí thấp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đưa xe vào bến. Ngoài ra, về phía Sở GTVT Lâm Đồng cũng có văn bản chỉ đạo các bến xe cần phải có những biện pháp tự lực để tạo ra các dịch vụ trên bến xe, dịch vụ trung chuyển, từ đó tạo thuận lợi cho các đơn vị và hành khách vào bến. 

Phó Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng cho biết thêm, các nhà xe trốn tránh kiểm tra rất tinh vi, đối phó rất nhiều, đòi hỏi lực lượng thanh kiểm tra phải sử dụng các biện pháp nghiệp vụ. Trong đó, chú trọng khai thác thông tin hoạt động của các đơn vị xe hợp đồng hoạt động trên mạng xã hội, qua đó nắm bắt được giờ giấc hoạt động để kiểm tra đạt hiệu quả cao. Vừa qua, Sở cũng đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh triển khai đợt thanh kiểm tra đối với hoạt động xe dù, bến cóc trên địa bàn. Qua kiểm tra đã có báo cáo tổng hợp, đánh giá những vấn đề khó khăn, vướng mắc; đồng thời, quyết định sẽ tiếp tục triển khai ở các địa phương Đơn Dương, Lâm Hà và Di Linh là 3 địa bàn trọng điểm để tạo sự chuyển biến.