Văn phòng Đăng ký đất đai nợ lương người lao động nhiều tháng liên tiếp

06:03, 18/03/2016

Ngày 17/3, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) tỉnh Nguyễn Phú Tuấn xác nhận: Đơn vị này đang rơi vào tình hình nguy cơ lương năm 2016 của nhiều người lao động (NLĐ) sẽ không có chi trả...

Ngày 17/3, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) tỉnh Nguyễn Phú Tuấn xác nhận: Đơn vị này đang rơi vào tình hình nguy cơ lương năm 2016 của nhiều người lao động (NLĐ) sẽ không có chi trả. Năm 2015, toàn tỉnh có 7/12 chi nhánh (CN) đã để nợ lương NLĐ nhiều tháng liên tiếp; tổng nợ lương và các khoản theo lương đến ngày 31/12/2015 tại các CN là 2,3 tỷ đồng. Kéo theo, cơ quan BHXH đã đưa các đơn vị này vào diện phải kiểm tra và có khả năng khởi kiện vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.  
 
Theo Quyết định của UBND tỉnh, từ 1/6/2015, Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh hoạt động (ảnh ký kết bàn giao)
Theo Quyết định của UBND tỉnh, từ 1/6/2015, Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh hoạt động
(ảnh ký kết bàn giao)
 
Nợ người lao động 2,3 tỷ đồng
 
Thực hiện Luật Đất đai 2013, ngày 16/4/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 917/QĐ-UBND phê duyệt đề án thành lập VPĐKĐĐ tỉnh Lâm Đồng (sau đây gọi tắt là Văn phòng) trực thuộc Sở TN&MT trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Thông tin - Đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở TN&MT và Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất các huyện, thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc từ 1/6/2015. Theo đó, đến 31/12/2015, tổng số NLĐ của Văn phòng (VP) là 327 người, gồm 05 phòng chuyên môn và 12  CN trực thuộc; trong đó, có  87 biên chế và 240 hợp đồng lao động. Trong năm 2015, tổng thu hoạt động của VP tỉnh và 12 CN là 12 tỷ đồng, tổng chi hoạt động thường xuyên là 10,8 tỷ đồng; trong đó chi lương và các khoản theo lương cho NLĐ hơn 9 tỷ đồng, chiếm khoảng 83% tổng chi hoạt động thường xuyên. Vì vậy, có 7 CN nguồn thu không đảm bảo trang trải các khoản chi phí hoạt động, thiếu kinh phí hoạt động, như CN Bảo Lộc thiếu 500 triệu đồng, CN Đức Trọng thiếu 860 triệu đồng,...
 
Ông Nguyễn Phú Tuấn cho biết, để khắc phục có lương chi trả cho NLĐ, VP đã đưa ra giải pháp kiểu “giật gấu vá vai” là làm văn bản kiến nghị các cấp thẩm quyền cho phép được tạm ứng từ nguồn kinh phí cải cách tiền lương. Tổng số tiền tạm ứng cho 7 CN gặp khó khăn về tiền lương và các khoản theo lương là 1,6 tỷ đồng, trong đó, CN Đam Rông 62,2 triệu đồng, CN Đơn Dương 54,1 triệu đồng, CN Đức Trọng 914,3 triệu đồng, CN Bảo Lộc 208,1 triệu đồng, CN Bảo Lâm 160 triệu đồng, CN Lâm Hà 140 triệu đồng và CN Đạ Tẻh 60 triệu đồng. 
 
Theo ông Tuấn, tình hình khó khăn khác chưa có giải pháp khắc phục như hồ sơ lưu trữ tại VP ngày càng phát sinh nhưng diện tích kho hạn chế nên đơn vị phải ngăn lại, chỗ làm việc rất chật vì số lượng người làm việc tăng gấp 2 lần so với thời điểm đăng ký diện tích văn phòng làm việc. Về trang thiết bị, một số CN như  Đà Lạt, Đơn Dương, Đạ Tẻh, Di Linh phần lớn đã cũ, xuống cấp, dung lượng và tốc độ xử lý thấp không đủ đáp ứng theo yêu cầu công việc.  
 
Giải quyết nợ và khó khăn bằng cách nào?
 
Theo ông Tuấn, việc giao chỉ tiêu biên chế kèm theo quỹ lương còn thấp so với số lượng lao động hiện có: 87 biên chế trong tổng số 327 NLĐ. Đặc biệt, các quy định về thu phí, lệ phí khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai hiện hành chưa phù hợp do phần lớn các trường hợp đăng ký của người dân ở nông thôn được miễn hoặc giảm thu phí và lệ phí. Mặt khác, mức thu một số khoản phí, lệ phí còn thấp và chưa đầy đủ. Trước mắt, ngay từ đầu năm 2016, nhằm khắc khục trường hợp các CN gởi hồ sơ thanh toán lên VP vượt số dự toán đã cấp trong năm 2015, Giám đốc Nguyễn Phú Tuấn cho biết VP sẽ thực hiện khoán chi hoạt động thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước tại các CN. 
 
Nhưng để giải quyết căn cơ rất cần tổ chức thẩm quyền và các ngành chức năng xem xét tháo gỡ. Đó là HĐND tỉnh ban hành nghị quyết điều chỉnh tăng phí và lệ phí trong năm 2016 để CN và là Sở Tài chính tỉnh phân tích cấp dự toán mua sắm tài sản, trang thiết bị theo đề án thành lập VP. Tỉnh cũng cần xem xét việc bổ sung quy định về thu phí đo đạc đối với trường hợp chỉnh lý biến động để phù hợp với thực tế hiện nay. Vấn đề phí và lệ phí, hiện VP đang thực hiện theo Nghị quyết số 101/2014/NQ-HĐND ngày 15/7/2014 của HĐND tỉnh Lâm Đồng và Quyết định số 40/2014/QĐ-UBND ngày 20/10/2014 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Thời điểm ban hành Nghị quyết, Quyết định trên chưa có Thông tư liên tịch số 15/2015/TTLT - BTNMT - BNV - BTC ngày 4/4/2015 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của VP và chưa thành lập VP một cấp, nên một số quy định về phí thẩm định cấp quyền sử dụng đất chưa phù hợp về cơ quan thu phí, tỷ lệ trích sử dụng, mức thu,... Cụ thể, cơ quan thu phí là VP và CN thay vì Phòng TN&MT. Giám đốc Tuấn cho biết, với tỷ lệ trích sử dụng 75% nhưng từ ngày 1/6 đến 31/12/2015, tổng số phí, lệ phí được trích lại sử dụng VP không đủ để chi trả các khoản chi thường xuyên liên quan đến công tác thu phí, lệ phí của đơn vị (gồm tiền lương, tiền công của 240 lao động hợp đồng trực tiếp, chi phí vật tư, văn phòng phẩm, khấu hao, sửa chữa máy móc, trang thiết bị,…). Năm 2015, tổng thu lệ phí địa chính bao gồm lệ phí cấp giấy chứng nhận, chứng nhận đăng ký biến động và trích lục bản đồ địa chính, văn bản, số liệu hồ sơ địa chính là 1.074.963.000 đồng, trong đó nộp ngân sách nhà nước 806.222.750 đồng, trích để lại cho đơn vị thu 268.740.250 đồng. Theo kết quả thu chi sự nghiệp của VP từ ngày 1/6 đến 31/12/2015, tổng thu các loại phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (gồm: lệ phí giao dịch bảo đảm, lệ phí địa chính, phí đo đạc, phí khai thác và sử dụng tài liệu) là 5,78 tỷ đồng, trích nộp NSNN 1,76 tỷ đồng (tương ứng 30% trên tổng thu), số còn lại được sử dụng là 4,02 tỷ đồng, tuy nhiên tổng chi phục vụ công tác thu là 5,45 tỷ đồng (nhu cầu chi phục vụ công tác thu là 94% trên tổng số phí, lệ phí thu được). 
 
Trao đổi với Giám đốc VP Nguyễn Phú Tuấn, ông cho biết thêm: Hiện nay quy định mức thu, nộp, chế độ quản lý và sử dụng Phí đo đạc, lập bản đồ địa chính; Phí thẩm định cấp quyền sử dụng đất và Phí khai thác sử dụng tài liệu đất đai trên địa bàn tỉnh chưa quy định chi tiết và cụ thể về cách thức khai thác, nội dung khai thác và mức thu theo Thông tư số 33/2013/TT-BTNMT ngày 25/10/2013 của Bộ TN&MT... Tất cả những nội dung trên đơn vị đã làm văn bản và đề án để gửi đến các cấp và ngành liên quan xem xét. Mong rằng, đội ngũ NLĐ của VP tới đây sẽ được nhận sự chia sẻ thiết thực sau khi đã có những quan tâm điều chỉnh. Bởi, sau khi thành lập VP, môi trường giao dịch giữa khách hàng và cơ quan ĐKĐĐ thực sự thông thoáng hơn hẳn, theo đó, khối lượng hồ sơ tăng lên khoảng 30%, nguồn thu ngân sách cũng theo đó tăng lên rất đáng kể. Song, như CN Bảo Lộc thu đến hơn 50 tỷ đồng nhưng tại đơn vị này lại thiếu nợ lương của NLĐ đến 4-5 tháng?!ª 
 
MINH ĐẠO