Nhập nhằng nguồn gốc trái cây ngoại

09:09, 05/09/2017

Nhiều loại trái cây bày bán tại chợ, cửa hàng trên địa bàn TP Ðà Lạt được giới thiệu có nguồn gốc từ Mỹ, Nhật Bản, New Zealand… Tuy nhiên, người dân gần như không thể phân biệt cũng như kiểm tra nguồn gốc hàng chục loại trái cây ngoại nhập. 

Nhiều loại trái cây bày bán tại chợ, cửa hàng trên địa bàn TP Ðà Lạt được giới thiệu có nguồn gốc từ Mỹ, Nhật Bản, New Zealand… Tuy nhiên, người dân gần như không thể phân biệt cũng như kiểm tra nguồn gốc hàng chục loại trái cây ngoại nhập. 
 
Điều đáng lưu tâm, nhiều loại trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng được hoán đổi sang trái cây Việt Nam hoặc các nước khác vì chênh lệch giá cao, tâm lý mua hàng từ người tiêu dùng.
 
Khách hàng khó khăn để nhận biết nguồn gốc các loại trái cây đa dạng trên thị trường hiện nay. Ảnh: C.T
Khách hàng khó khăn để nhận biết nguồn gốc các loại trái cây đa dạng trên thị trường hiện nay. Ảnh: C.T

Khó kiểm tra xuất xứ
 
Tại khu vực chợ Đà Lạt, chợ tạm ấp Ánh Sáng (Phường 1), chợ Phan Chu Trinh, Chi Lăng (Phường 9) sáng ngày 30/8, các tiểu thương tại đây cho biết có bán đủ loại trái cây có nguồn gốc từ nhiều nước như: cam, cherry Mỹ, táo Fuji Nhật Bản, quýt, kiwi Thái Lan, ổi, nho, bưởi Việt Nam… Tuy nhiên, khi khách hàng yêu cầu chứng minh nguồn gốc các loại trái cây, phần lớn các tiểu thương đều tỏ ra lúng túng, giải thích qua loa hàng được nhập về nguyên thùng, đặt hàng từ các bạn hàng uy tín dưới TP Hồ Chí Minh. 
 
Tại chợ Đà Lạt sáng sớm cùng ngày, chúng tôi quan sát sạp trái cây N.Q nhập hơn 7 thùng trái cây nhưng bên ngoài vỏ hộp lớn được đưa từ xe tải xuống lại là “made in China”. 
 
Một công nhân vận chuyển hàng cho sạp trái cây trên giải thích: lê, nho, táo, trái cherry là từ Trung Quốc nhưng khi bán thì để lộn xộn, dán tem hàng các nước khác bán dễ tiêu thụ hơn. 
 
Dễ nhận thấy nhất là khi hàng còn đóng nguyên bao nguyên kiện mới về chợ, việc phân biệt hàng ngoại nhập ở đâu với các loại khác không mấy khó khăn, nhưng khi hàng về sạp, một số tiểu thương đã gỡ các dải băng keo có ghi xuất xứ hàng trên vỏ hộp và bọc trái cây. 
 
Còn tại một số tiệm trái cây lớn trên đường Trần Phú, Bà Triệu, khu trước cổng Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng… chúng tôi đều rất ít thấy bóng dáng của trái cây Trung Quốc. Gần như tất cả trái cây ở đây đều được giới thiệu là hàng nhập khẩu Mỹ, Thái, Nhật, Việt Nam. Điều đặc biệt là để tạo thêm lòng tin từ người mua, rất nhiều cửa hàng đều dán các loại tem truy xuất nguồn gốc trái cây thông dụng như táo, cam, kiwi, dưa... Thế nhưng, chính các tiểu thương lại rất mù mờ, không biết kiểm tra các mã vạch, truy xuất nguồn gốc trái cây bằng cách nào. 
 
Để kiểm tra các tem được dán trên các loại trái cây trên, tại sạp trái cây chợ Phan Chu Trinh, chúng tôi đã dùng phần mềm chuyên kiểm tra trái cây icheck và Seach PLU, phần mềm MDZ dùng cho các điện thoại chạy hệ điều hành Android nhưng đều không ra kết quả. Một tiểu thương chia sẻ với chúng tôi, chủ yếu người mua tin tưởng chọn các loại trái cây nhìn bắt mắt, cuống còn tươi, không bị thâm, dập hay chọn theo kinh nghiệm hàng Mỹ, Nhật có nguồn gốc an toàn hơn hàng Việt Nam, Trung Quốc. Đồng thời, cũng có nhiều người chỉ tin tưởng mua các loại trái cây Việt Nam do dễ nhận biết và giá cả phù hợp túi tiền hơn. Riêng các các loại tem được dán vào trái cây chỉ là “cái mác” để người mua yên tâm hơn, rất khó để truy được nguồn gốc và chính bản thân chủ sạp cũng mù mờ thông tin.
 
Nghi ngại hàng kém chất lượng
 
Theo một số tiểu thương, thời điểm này, mùa trái cây ở miền Nam đổ về vẫn còn dồi dào thì trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan về cũng đa dạng chủng loại. Nhiều nhất là mặt hàng táo, lê, cam, quýt, đào, cả các loại trái đắt đỏ như kiwi, cherry, một số lượng nhỏ dâu tây… được nhập về các chợ đầu mối tại TP Hồ Chí Minh, sau đó được đưa lên Lâm Đồng. Ngoài trái cây ra còn có tỏi, hành tím, hành tây, khoai tây, cà rốt… đưa về TP Đà Lạt và các huyện trên địa bàn tỉnh khá nhiều. Trong đó, ở các cửa hàng lớn, siêu thị có nhiều mặt hàng nông sản, trái cây ngoại từ nhiều nước nhập chính ngạch đảm bảo về chất lượng nhưng giá khá cao so với các cửa hàng bán lẻ, chủ yếu nhập trái cây qua từ đường tiểu ngạch, không phải đóng nhiều loại thuế.
 
Hiện giá trái cây Trung Quốc, Việt Nam thường rẻ hơn đáng kể so với sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác. Như táo Mỹ bán 80.000-150.000 đồng/kg, hàng Trung Quốc cao nhất chỉ 70.000 đồng/kg. Còn nho Mỹ từ 135.000-200.000 đồng/kg, trong khi hàng Trung Quốc, Việt Nam chỉ từ 60.000-80.000 đồng/kg. Các loại lê, quýt, đào cũng cách nhau 20.000-50.000 đồng/kg so với hàng ngoại nhập khác. Một tiểu thương buôn trái cây tại chợ Đà Lạt tiết lộ, việc chênh lệch lớn giữa hai mức giá là nguyên nhân khiến các mặt hàng trái cây Trung Quốc được nhiều người buôn bán hoán đổi sang các mặt hàng của các nước khác. 
 
Nhiều người mua cũng cho biết, trường hợp nghi ngại về chất lượng nguồn gốc trái cây cũng không có cách nào biết được chính xác, ngoài việc tinh ý lựa chọn, tự trang bị kỹ năng mua hàng. “Tôi ví dụ măng cụt Thái Lan nếu mua đúng mùa sẽ mềm, ngọt nhưng măng cụt dự trữ cuối mùa rất cứng và chai, không thể ăn được. Khi chọn nếu bóp ngoài vỏ thấy cứng, chai thì không nên mua. Tương tự, với các loại nho Mỹ, nho New Zealand không nên mua trái nho cuống khô dù được giảm giá vì hàm lượng vitamin không còn. Còn truy xuất nguồn gốc thì thú thật chúng tôi không rõ” - một người dân có kinh nghiệm mua trái cây chia sẻ.
 
Ban quản lý Chợ Đà Lạt cho biết, hiện mỗi ngày tiểu thương tại chợ nhập khoảng 1 tấn trái cây từ khắp nơi đổ về, một tháng đạt từ 30-35 tấn. Các loại trái cây chủ yếu là lê, táo, nho, cam Trung Quốc, hàng Thái Lan và Việt Nam. Riêng các chợ lẻ, các cửa hàng bày bán rải rác trên địa bàn không thể thống kê được. Trước nhập nhằng của không ít loại trái cây ngập ngoại trên thị trường hiện nay, lãnh đạo Sở Công thương Lâm Đồng cho biết, lực lượng quản lý thị trường đơn vị đang tăng cường tần suất kiểm tra đối với tất cả các loại trái cây, nông sản nhập khẩu, nhất là các mặt hàng nhập lậu không theo đường chính ngạch, không có xuất xứ nguồn gốc trên bao bì. Tất cả các loại trái cây nhập khẩu khi bày bán trên thị trường đều phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Nếu ghi cam Mỹ, táo Fuji Nhật Bản... nhưng thực tế là hàng nhập từ Trung Quốc thì được xem là hành vi gian lận thương mại.
 
C.THÀNH