Đấu giá tài sản không đúng thẩm quyền

09:10, 29/10/2018

Dù tài sản đã được ngân hàng phát mãi để giải chấp hợp đồng vay nhưng Chi cục Thi hành án dân sự Bảo Lộc vẫn tiến hành đấu giá đối với tài sản trên. Hậu quả, cùng một tài sản nhưng đang có 2 chủ sở hữu và phát sinh những tranh chấp pháp lý. Vụ việc đã kéo dài hơn 5 năm nhưng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.

Dù tài sản đã được ngân hàng phát mãi để giải chấp hợp đồng vay nhưng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) Bảo Lộc vẫn tiến hành đấu giá đối với tài sản trên. Hậu quả, cùng một tài sản nhưng đang có 2 chủ sở hữu và phát sinh những tranh chấp pháp lý. Vụ việc đã kéo dài hơn 5 năm nhưng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.
 
Hiện tại, ông Tạ Hữu Bằng đã trồng nhiều loại cây trên diện tích đất ông đã mua từ năm 2012. Ảnh: Đ.A
Hiện tại, ông Tạ Hữu Bằng đã trồng nhiều loại cây trên diện tích đất ông đã mua từ năm 2012. Ảnh: Đ.A
Bất ngờ bị cưỡng chế
 
Tháng 10/2012, vợ chồng ông Tạ Hữu Bằng và bà Vũ Thị Lượt (ngụ tại Thôn 2, xã Hòa Nam, huyện Di Linh) có mua một mảnh đất tại thửa 17, tờ bản đồ 4 (xã Hòa Bắc, huyện Di Linh) với diện tích gần 16.000 m2. Thửa đất này là của vợ chồng ông Mai Văn Bình và bà Bùi Thị Thanh (ngụ tại xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc) thế chấp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh Hòa Ninh (Chi nhánh NHNo Hòa Ninh) nhưng không có khả năng trả nợ nên ngân hàng bán phát mãi. Việc mua bán này có sự thống nhất bằng văn bản giữa Chi nhánh NHNo Hòa Ninh, vợ chồng ông Bình, bà Thanh và vợ chồng ông Bằng, bà Lượt. Theo đó, vợ chồng bà Thanh đồng ý bán cho vợ chồng ông Bằng thửa đất nói trên với giá 700 triệu đồng. Vợ chồng ông Bằng có nghĩa vụ thanh toán cho Chi nhánh NHNo Hòa Ninh số tiền 700 triệu đồng để giải chấp tài sản. Sau đó, hợp đồng chuyển nhượng thửa đất đã được thực hiện và vợ chồng ông Bằng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mới vào ngày 3/11/2012. 
 
Mọi việc phát sinh khi ông Bằng đang canh tác ổn định trên diện tích đất mình mua được thì ngày 12/8/2013, Chi cục THADS Bảo Lộc tiến hành cưỡng chế thửa đất của ông để bàn giao cho người khác đã mua trúng đấu giá. Trên giấy tờ, thửa đất mà Chi cục THADS tiến hành cưỡng chế thi hành án vẫn mang tên vợ chồng ông Bình, bà Thanh nhưng trên thực tế thì thửa đất này đã được sang nhượng cho vợ chồng ông Bằng, bà Lượt. Theo hồ sơ chúng tôi có được, Chi cục THADS Bảo Lộc cho rằng do ông Bình, bà Thanh phải thi hành một quyết định của TAND TP Bảo Lộc ngày 12/12/2011 nên Chi cục THADS Bảo Lộc mới tiến hành kê biên tài sản, hợp đồng bán đấu giá và cưỡng chế thi hành án đối với lô đất nói trên của vợ chồng ông Bình, bà Thanh. Việc vợ chồng ông Bình, bà Thanh sang nhượng lô đất sau khi đã bị kê biên tài sản vào ngày 20/9/2012 là vi phạm Luật Đất đai vì “tài sản đã kê biên không được chuyển nhượng”. Hành vi của ông Bình, bà Thanh là cố tình tẩu tán tài sản, trốn nghĩa vụ thi hành án. Do đó, Chi cục THADS Bảo Lộc đã khởi kiện ông Bình, bà Thanh ra TAND huyện Di Linh yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu. 
 
Trong khi đó, ông Tạ Hữu Bằng lại khẳng định: “Trong suốt quá trình giao dịch, chuyển nhượng lô đất nói trên thì mọi thủ tục được tiến hành bình thường, không gặp bất kỳ trở ngại nào. Việc Chi cục THADS Bảo Lộc bán đấu giá tài sản thuộc sở hữu của vợ chồng tôi để thi hành án là không đúng đối tượng”.
 
Thi hành án “dài tay”
 
Nếu xem xét toàn bộ hồ sơ vụ việc thì việc cưỡng chế thi hành án của Chi cục THADS Bảo Lộc bộc lộ nhiều điểm bất cập. Thứ nhất, quyết định của TAND TP Bảo Lộc về việc công nhận sự thỏa thuận của ông Bình, bà Thanh đồng ý trả cho bà Phạm Thị Hồng số tiền 350 triệu đồng và tài sản đảm bảo của việc thực hiện thỏa thuận này là một GCNQSDĐ tại huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận). Do đó, Chi cục THADS Bảo Lộc lấy một tài sản khác của ông Bình, bà Thanh (ngoài quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự của TAND Bảo Lộc) để thi hành án là không đúng. Thứ hai, Chi nhánh NHNo Hòa Ninh khi giải chấp tài sản để thu hồi nợ đã thông báo bằng văn bản nhiều lần đến Chi cục THADS Bảo Lộc để yêu cầu “hủy bỏ việc ngăn chặn tài sản đối với thửa đất 17, tờ bản đồ 4 để các bên làm thủ tục chuyển quyền và tạo điều kiện để bà Thanh trả nợ ngân hàng”. Phía Chi nhánh NHNo Hòa Ninh cũng đề nghị Chi cục THADS Bảo Lộc tiếp tục phối hợp kê biên những tài sản khác của bà Thanh để làm cơ sở trả nợ ngân hàng và thi hành án. Tuy nhiên, tất cả những đề nghị này của Chi nhánh NHNo Hòa Ninh đều bị Chi cục THADS Bảo Lộc phớt lờ. Thứ ba, Chi cục THADS Bảo Lộc cho rằng ông Bình, bà Thanh bán tài sản sau khi đã kê biên là vi phạm pháp luật. Trong khi đó, chính Chi cục THADS Bảo Lộc lại “dài tay” kê biên tài sản không đúng thẩm quyền, dẫn đến việc bán đấu giá tài sản không đúng thẩm quyền. Điều này được khẳng định trong kết luật xác minh của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Di Linh. Theo đó, “Việc Chi cục THADS Bảo Lộc ra quyết định thi hành án là chưa đúng, vì theo quy định tại Điều 55 Luật THADS năm 2008 thì khi xác định người phải thi hành án có tài sản, nơi ở tại địa phương khác thì phải ủy thác thi hành án. Cụ thể, trong trường hợp này phải ủy thác cho Chi cục THADS Di Linh để thực hiện theo đúng thẩm quyền”. Ngoài ra, kết luận của Công an huyện Di Linh cũng nêu rõ vợ chồng ông Bình, bà Thanh có tài sản khác để thi hành án thì Chi nhánh NHNo Hòa Ninh có quyền xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ theo quy định của Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch đảm bảo. Việc xử lý tài sản tại thửa 17, tờ bản đồ 4 (xã Hòa Bắc) và tài sản gắn liền trên đất thực hiện theo phương thức xử lý tài sản đảm bảo, thỏa thuận hợp đồng giao dịch đảm bảo, do đó, ông Bình, bà Thanh được quyền bán tài sản thế chấp để trả nợ cho ngân hàng. Ngoài ra, Chi cục THADS Bảo Lộc chưa xác định tài sản đang thế chấp tại ngân hàng có lớn hơn nghĩa vụ đang thế chấp hay không mà đã ra quyết định kê biên đối với tài sản đang thế chấp là không đúng quy định tại Điều 6 Thông tư 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 27/7/2010 của Bộ Tư pháp, TAND tối cao, Viện KSND tối cao. 
 
Trong quá trình diễn ra vụ việc, ông Bình, bà Thanh là người trực tiếp bị thi hành án cũng đã có đơn khiếu nại Chi cục THADS Bảo Lộc. Ông bà cho rằng, Chi cục THADS Bảo Lộc cưỡng chế thi hành án không đúng với trình tự, quy định mà cụ thể là ông bà không nhận được quyết định cưỡng chế cũng như bất cứ thông báo, văn bản nào khác của Chi cục THADS Bảo Lộc. Khi Chi cục THADS Bảo Lộc tiến hành kê biên tài sản không có mặt ông bà nên đã gây thiệt hại lớn về tài sản. Đồng thời, ông bà đang khiếu nại quyết định của TAND TP Bảo Lộc theo trình tự giám đốc thẩm đến TAND tối cao và mọi việc chưa được giải quyết dứt điểm nhưng Chi cục THADS đã cho thi hành án là không đúng và ảnh hưởng đến quyền lợi của ông bà. Quá trình thi hành án, ông Bình, bà Thanh có yêu cầu Chi cục THADS Bảo Lộc tiến hành kê biên tài sản là diện tích đất được cấp GCNQSDĐ tại huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) - là tài sản thể hiện trong quyết định của TAND TP Bảo Lộc - để thi hành án nhưng Chi cục THADS Bảo Lộc không chấp nhận mà không có lý do (?!). 
 
Theo ông Tạ Hữu Bằng, việc cưỡng chế thi hành án của Chi cục THADS Bảo Lộc có rất nhiều điểm khuất tất. Quá trình diễn ra đấu giá chỉ thực hiện trên giấy tờ, cả người mua lẫn người bán đều không xem xét thực địa lô đất trên thực tế. Thời điểm bán đấu giá, lô đất đã được sang tên cho vợ chồng ông và toàn bộ tài sản đã bị thay đổi nhưng Chi cục THADS Bảo Lộc không yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết hậu quả pháp lý mà vẫn tiến hành bán đấu giá tài sản. Tất cả những điều này được ghi nhận tại biên bản ghi nhận lời khai đối chất giữa các bên liên quan tại TAND huyện Di Linh. “Từ khi chuyển nhượng tài sản cho đến nay, gia đình tôi đã cải tạo, trồng nhiều loại cây trên diện tích đất này. Hiện, Chi cục THADS Bảo Lộc vẫn tiến hành khởi kiện với yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu. Điều này đã gây phiền hà không nhỏ đến việc kinh doanh, canh tác trên diện tích đất mà vợ chồng tôi đã mua, được cấp quyền sở hữu và sử dụng ổn định trong hơn 5 năm qua” - ông Bằng khẳng định.
 
Liên quan đến vấn đề này, Báo Lâm Đồng đã có văn bản gửi Chi cục Trưởng Chi cục THADS Bảo Lộc đề nghị trả lời các nội dung liên quan theo đơn thư bạn đọc. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng, đến nay Báo Lâm Đồng vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía Chi cục THADS Bảo Lộc (?!).
 
ĐÔNG ANH