Lâm tặc ở Lâm Hà phải chăng đã "lờn thuốc"?

07:05, 29/05/2019

Cánh rừng thông hơn 10 hecta ở xã Tân Thanh (huyện Lâm Hà) bị kẻ xấu khoan đục, bơm thuốc độc hủy hoại có thể khiến nhiều người bàng hoàng, nhưng người dân địa phương thì chẳng mấy ngạc nhiên. Bởi trước đó, từ rất lâu cũng ở ngay tại cánh rừng này và nhiều cánh rừng ở các địa bàn khác cũng đã bị lâm tặc phá hoại với nhiều hình thức và hành vi táo tợn, ngang nhiên coi thường pháp luật. Ðáng bàn cãi là ở chỗ, hầu như chưa có đối tượng nào bị bắt hoặc bị truy xét, dư luận xã hội đặt ra câu hỏi: Phải chăng "lâm tặc" ở Lâm Hà đã "lờn thuốc"?

Cánh rừng thông hơn 10 hecta ở xã Tân Thanh (huyện Lâm Hà) bị kẻ xấu khoan đục, bơm thuốc độc hủy hoại có thể khiến nhiều người bàng hoàng, nhưng người dân địa phương thì chẳng mấy ngạc nhiên. Bởi trước đó, từ rất lâu cũng ở ngay tại cánh rừng này và nhiều cánh rừng ở các địa bàn khác cũng đã bị lâm tặc phá hoại với nhiều hình thức và hành vi táo tợn, ngang nhiên coi thường pháp luật. Ðáng bàn cãi là ở chỗ, hầu như chưa có đối tượng nào bị bắt hoặc bị truy xét, dư luận xã hội đặt ra câu hỏi: Phải chăng “lâm tặc” ở Lâm Hà đã “lờn thuốc”?
 
Theo ông Trần Quang Sáng - Trưởng Ban quản lý rừng (BQLR) nguyên liệu giấy Lâm Hà (Xí nghiệp nguyên liệu giấy (NLG) Lâm Đồng - Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai), đơn vị chủ rừng cho biết: “TK 292 với diện tích hơn 55 hecta rừng trồng luôn là địa bàn hết sức phức tạp. Từ đầu năm 2018 đến nay liên tiếp xảy ra nhiều vụ vi phạm phá rừng với mục đích chiếm và giành đất. Nhiều lần, khi phát hiện đơn vị đã kịp thời lập biên bản chuyển các ngành chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường, lập hồ sơ khởi tố điều tra vụ án, nhưng vẫn chưa bắt được các đối tượng vi phạm”.
 
Để chủ động, đơn vị đã tiến hành một số biện pháp phòng ngừa như: tiến hành múc mương bao lô toàn bộ diện tích rừng; lắp đặt container làm trạm canh gác thường trực; hợp đồng với UBND xã Tân Thanh 1 công an viên trực đêm để hỗ trợ khi tình huống khẩn cấp xảy ra; thực hiện quy chế phối hợp với Công an huyện Lâm Hà lên kế hoạch tuần tra những điểm nóng...
 
Tuy nhiên, theo ông Sáng, phần lớn diện tích rừng bị lấn chiếm đơn vị đã giải tỏa trồng lại rừng, nhưng rễ cây chưa bén đất thì đã bị kẻ xấu nhổ bỏ trồng lại cà phê. Riêng hệ thống mương múc, nhiều vị trí đã bị các đối tượng vận chuyển cả phương tiện xe cơ giới vào san lấp, di chuyển lằn ranh.
 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đa số các đối tượng chủ mưu phá rừng thường không xuất đầu lộ diện, đứng sau thuê các đối tượng có thành tích bất hảo, nghiện ma túy lợi dụng đêm tối, thời tiết mưa bão trực tiếp hành động. Tinh vi hơn, chúng còn cho người cảnh giới, để kịp thời báo cho đồng bọn tẩu thoát khi phát hiện thấy lực lượng tuần tra. Khi BQLR NLG Lâm Hà tăng cường canh gác, đặt trạm thường trực thì các đối tượng phá rừng chuyển từ cưa xăng sang dùng cưa điện để không gây tiếng động, nên rất khó phát hiện.
 
“Rất nhiều vụ vi phạm phá rừng đã được phát hiện, tiến hành khám nghiệm hiện trường lập hồ sơ điều tra khởi tố. Nhưng trong một thời gian dài không truy tìm được đối tượng, nên “lâm tặc” coi thường pháp luật, tiếp tục tổ chức phá rừng bằng nhiều hình thức tinh vi và táo tợn hơn”, ông Sáng cho biết thêm.
 
Không chỉ ở Tân Thanh, trước đó ở các xã Gia Lâm, Phúc Thọ, thị trấn Nam Ban, “lâm tặc” cũng đã ngang nhiên dùng các phương tiện cơ giới san ủi, lấn chiếm đất rừng hoặc trắng trợn chặt hạ cây ngay trước các trụ sở, cơ quan nhà nước. Nhưng gần như các sự vụ đều bị “chìm xuồng” hoặc rơi vào quên lãng.
 
Đã không ít lần, trong các cuộc họp của Thường vụ Tỉnh ủy với Lâm Hà, vấn đề phá rừng, vi phạm đất lâm nghiệp trở thành tiêu điểm trên bàn nghị sự. Đặc biệt, chính đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp phê bình lãnh đạo huyện Lâm Hà trong vấn đề buông lỏng quản lý, để lâm tặc hoành hành, tạo ra dư luận xấu trong xã hội, gây bất an đến đời sống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh tại địa phương. 
 
Đau xót, bàng hoàng, là tâm trạng của những ai chứng kiến, hoặc nghe nhìn trên các phương tiện truyền thông về những cánh rừng ở Lâm Hà bị đốn hạ trong thời gian qua, đặc biệt là mới đây có hơn 10 hecta rừng đã bị hủy hoại vì lợi ích của những đối tượng xấu. Liệu có những khuất tất nào phía sau những cánh rừng ở Lâm Hà bị “lâm tặc” ngang nhiên chặt hạ (?!). Người dân thật sự cần một câu trả lời minh bạch, rõ ràng từ tiếng nói của ngành chức năng, những người có trách nhiệm.
 
LINH ÐAN