Khi mắc ca trở thành cây rừng của Lâm Đồng (Kỳ II)

05:09, 01/09/2020

"Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên có ban chỉ đạo về triển khai dự án trồng mắc ca. Với 4 ngàn ha mắc ca hiện nay đã trồng và cho năng suất tốt nhất, sản lượng cao nhất và đạt chất lượng tốt nhất...

[links()]

 
“Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên có ban chỉ đạo về triển khai dự án trồng mắc ca. Với 4 ngàn ha mắc ca hiện nay đã trồng và cho năng suất tốt nhất, sản lượng cao nhất và đạt chất lượng tốt nhất. Với đặc điểm của cây mắc ca là cây lâu năm, vừa cho lấy hạt vừa cho lấy gỗ nên Lâm Đồng đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho mở rộng phát triển thành cây lâm nghiệp. Đến năm 2018 Bộ Nông nghiệp đã đồng ý cho phát triển cây mắc ca thành cây rừng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cho biết. 
 
Định hướng lựa chọn vùng phù hợp
 
Để tiếp tục có giải pháp trước mắt và lâu dài cho cây chủ lực mắc ca, phía Hội Nông dân và các doanh nghiệp chế biến mắc ca, nông dân trồng mắc ca cũng có kiến nghị đề xuất với tỉnh về một số vấn đề còn khó khăn. Đó là nếu giao đất rừng để trồng mắc ca thì người nông dân có được vay vốn phát triển sản xuất không. Nhà nước có tạo điều kiện cho nông dân được cấp sổ thế chấp vay ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất?
 
Trước thực trạng xảy ra một số vườn mắc ca trồng không cho trái hoặc cho trái “vỏ dày - nhân nhỏ” không đảm bảo chất lượng, dẫn tới ảnh hưởng đến kinh tế của bà con. Thiết nghĩ, phía cơ quan chức năng cần có phương pháp quản lý chặt công tác cung cấp giống trên thị trường, nhất là các vườn ươm giống. Bởi nếu giống mắc ca không đạt chuẩn, không đảm bảo chất lượng sẽ cho năng suất thấp, chất lượng sản phẩm hạt không đảm bảo. 
 
Mặt khác, phía Nhà nước, tỉnh và cơ quan chức năng liên quan cần có định hướng phát triển vùng nguyên liệu mắc ca mang tính bền vững. Đây cũng là giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu cho các cơ sở chế biến mắc ca và hạn chế việc thu mua nguyên liệu không rõ nguồn gốc từ nơi khác hoặc nhập từ nước ngoài vào để chế biến và mang thương hiệu mắc ca Lâm Đồng. Từ đó, giúp nông dân yên tâm đầu tư phát triển mở rộng cây mắc ca. Biến mắc ca từ một cây đơn thuần trồng xen canh, che bóng chắn gió nay sau nhiều năm triển khai dự án đã vươn lên trở thành cây trồng chủ lực, cho thu nhập chính. Nhất là với những diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm nên tạo điều kiện và khuyến khích người dân trồng thêm mắc ca để vừa đảm bảo tăng độ che phủ rừng, vừa nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý Nhà nước không khuyến khích người dân phá bỏ cà phê hay chè mà chỉ khuyến khích trồng xen canh.
 
Xây dựng và bảo vệ thương hiệu mắc ca Lâm Đồng
 
Đây là vấn đề được người tiêu dùng, nông dân và các doanh nghiệp, cơ sở chế biến mắc ca đặc biệt quan tâm. Thực tế minh chứng chất lượng nhân mắc ca Lâm Đồng ngon hơn hẳn so với các sản phẩm mắc ca nhập ngoại trôi nổi trên thị trường. Nhân mắc ca Lâm Đồng cho vị ngọt tươi tự nhiên, bùi béo và không ra dầu. Còn với một số loại mắc ca nhập khẩu đang lưu hành trên thị trường (thậm chí có thể giả nhãn mác của mắc ca Lâm Đồng) thường có vị nhạt, không ngọt hậu, hôi mùi dầu, làm giảm chất lượng và giá trị của mắc ca Việt Nam nói chung, trong đó có mắc ca Lâm Đồng. 
 
Vấn đề đặt ra hiện nay đó là cơ quan chức năng Lâm Đồng cần khẩn trương xây dựng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Mắc ca Lâm Đồng” để tiến tới xác lập quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm thế mạnh, đặc trưng địa phương, bên cạnh các nhãn hiệu nông sản khác của Đà Lạt - Lâm Đồng. Từ đây sẽ góp phần nâng cao giá trị, chất lượng và tạo uy tín thương hiệu nông sản mắc ca Lâm Đồng trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, là cơ sở pháp lý để loại bỏ những doanh nghiệp lợi dụng địa danh các sản phẩm đặc thù địa phương để đưa sản phẩm kém chất lượng ra thị trường, giúp nhà nông ngày càng nâng cao chất lượng hàng hóa và gia tăng thu nhập, ổn định đời sống.
 
“Lâm Đồng đã có đề án phát triển cây mắc ca trồng xen canh cà phê và định hướng phát triển mở rộng thêm vùng nguyên liệu mắc ca. Trong thời gian tới, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan, các đoàn thể Hội Nông dân tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân trồng mắc ca như là cây rừng, nhất là trên các phần diện tích đất rừng bị lấn chiếm, để đảm bảo theo định hướng chủ trương chung của tỉnh trồng mắc ca vẫn đảm bảo độ che phủ rừng”.
 
Đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
 
NGUYỆT THU - DIỆP QUỲNH