Vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

06:09, 21/09/2020

Với vai trò là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, Bí thư Chi bộ thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà, thời gian qua, ông Lơ Mu Ha Pol đã nhiệt tình, tích cực trong công tác dân vận tại địa phương...

Với vai trò là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, Bí thư Chi bộ thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà, thời gian qua, ông Lơ Mu Ha Pol đã nhiệt tình, tích cực trong công tác dân vận tại địa phương. Ông Lơ Mu Ha Pol đã tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích.
 
Ông Lơ Mu Ha Pol (bìa phải) chia sẻ kỹ thuật nuôi tằm cho người dân trong thôn
Ông Lơ Mu Ha Pol (bìa phải) chia sẻ kỹ thuật nuôi tằm cho người dân trong thôn
 
Xã Mê Linh hiện có 9 thôn, trong đó có 4 thôn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương sinh sống. Lâu nay, người dân nơi đây vẫn gắn bó với ruộng vườn, nương rẫy và chủ yếu canh tác những loại cây trồng quen thuộc theo lối cũ, mang tính tự cung, tự cấp là chính. Vì vậy, thu nhập thấp và cái đói, cái nghèo vẫn mãi đeo bám họ. Chưa kể một số người dân địa phương còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa chủ động trong sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt là thôn Hang Hớt, nơi gia đình ông sinh sống bao đời nay và hiện nay ông đang kiêm nhiệm chức vụ bí thư chi bộ thôn, bà con nhân dân vẫn gắn bó với cây trồng truyền thống như lúa nước, bắp, cà phê… và thu nhập bấp bênh, không ổn định.
 
Là một đảng viên, cán bộ mặt trận nhiệt tình, năng nổ, ông Lơ Mu Ha Pol đã luôn tìm tòi, học hỏi để vận động bà con nhân dân chuyển sang canh tác cây trồng mới, tạo sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường. Từ đó, để nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích, nâng cao đời sống. Sau một quá trình tìm tòi, tham khảo, học hỏi, tham quan một số mô hình ở địa phương, ông Ha Pol nhận thấy hiện nay cây dâu, con tằm đang giúp nhiều nhà nông “ăn nên làm ra” và có thể áp dụng cho đồng bào trong thôn. Từ đó, gia đình ông đã tiên phong đưa cây dâu về trồng để kết hợp nuôi tằm. Từ thành công của gia đình, ông Ha Pol đã vận động người dân chuyển từ diện tích lúa nước, bắp và cà phê già cỗi kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm.
 
Ông Lơ Mu Ha Pol cho biết, do đã quen với lối canh tác cũ trên cây trồng truyền thống cộng với thiếu vốn đầu tư sản xuất nên nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây vẫn chưa mạnh dạn để chuyển đổi sang cây trồng khác. Vì vậy, ông đã thường xuyên đến từng nhà trong thôn để tuyên truyền, giải thích, phân tích cho người dân hiểu về ý nghĩa của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bên cạnh đó, ông cũng tìm các nguồn hỗ trợ từ chính quyền, đoàn thể để giúp đỡ người dân phát triển sản xuất. 
 
Năm 2018, được sự hỗ trợ về cây giống, nong, né…; 29 hộ dân thôn Hang Hớt đã mạnh dạn trồng dâu nuôi tằm. Sau khi thu hoạch cho năng suất cao, thu nhập ổn định, các hộ gia đình khác đã học tập và làm theo. Đến nay, trong thôn Hang Hớt có trên 70 hộ trồng dâu nuôi tằm thường xuyên với diện tích hơn 15,3 ha. Theo người dân Hang Hớt, hiện nay bình quân giá kén khoảng 110 ngàn đồng/1kg, mỗi sào dâu người dân nuôi 1 hộp tằm và cho thu hoạch khoảng hơn 50 kg kén. Như vậy, trên diện tích 1 sào trồng dâu nuôi tằm, mỗi lứa người dân thu nhập được hơn 5 triệu đồng và bình quân mỗi năm nuôi 9 - 10 lứa thì có thu nhập gần 50 triệu đồng. Qua đó, có thể so sánh, trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập cao hơn nhiều loại cây trồng khác. Hiện nay, không chỉ người dân thôn Hang Hớt mà nghề trồng dâu nuôi tằm đã lan tỏa sang nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số khác ở các thôn lân cận như thôn Thực Nghiệm, Cổng Trời, Buôn Chuối của xã Mê Linh... 
 
Hiện nay, ngoài cây dâu tằm, ông Ha Pol cũng đã tham khảo và vận động người dân chuyển sang nhiều giống cây trồng ngắn ngày khác như: đậu ngự, ớt, su su, bắp sữa, khoai lang, khoai môn… Qua đó, đã phá thế độc canh trong nông nghiệp và giúp người dân có thu nhập thường xuyên, ổn định, đảm bảo đời sống. Cụ thể, hiện thôn Hang Hớt có 19 hộ trồng ớt, 5 hộ trồng su su, đậu ngự, 21 hộ trồng khoai lang… Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên người dân có thu nhập ổn định, đời sống được cải thiện, hộ đói không còn, tỷ lệ hộ nghèo ngày một giảm.
 
Ngoài vận động chuyển đổi cơ cấu cấu cây trồng, là một cán bộ mặt trận, bằng sự khéo léo và uy tín của mình, thời gian qua, ông Ha Pol luôn tích cực tuyên truyền, vận động để người dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chăm lo sản xuất phát triển kinh tế cho gia đình. Ông cũng đã vận động các cặp vợ chồng nên đẻ ít con để nuôi dạy cho tốt, cho con đi học đúng độ tuổi và không để con bỏ học giữa chừng. Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, ông luôn đến từng nhà nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, sau đó phân tích, giải thích cho họ hiểu; đồng thời tiếp thu, ghi nhận để truyền đạt lại với cấp trên. Hiện nay, ông Lơ Mu Ha Pol đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân ở các buôn, làng trên địa bàn chung tay góp sức tiếp tục đóng góp xây dựng, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới tại địa phương. Qua đó, để người dân phát huy nội lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Hải - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mê Linh, huyện Lâm Hà cho biết: đồng chí Lơ Mu Ha Pol là một bí thư chi bộ mẫu mực, cán bộ mặt trận tận tụy với làng buôn. Đồng chí Ha Pol là người rất có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Qua quá trình công tác của mình, đồng chí Ha Pol đã có đóng góp rất lớn trong công tác tập hợp, vận động quần chúng trên địa bàn. Với những thành tích đạt được, đồng chí Ha Pol đã được các cấp, các ngành tuyên dương khen thưởng với nhiều hình thức khác nhau. Hiện nay, đồng chí Ha Pol được chọn là điển hình “Dân vận khéo” tại địa phương để tuyên dương trong dịp kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2020); gắn với tổng kết 5 năm phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2015 - 2020 sắp tới.
 
DUY DANH