Bảo Lộc xuất hiện nhiều ''dự án'' bất động sản trái phép

09:10, 27/10/2020

(LĐ online) - "Dự án" bất động sản mọc lên như nấm sau mưa tại TP Bảo Lộc với hơn 30 dự án đang chào bán. Gọi là dự án nhưng gần như chỉ là tên gọi, thực tế chưa được cấp phép theo quy định.

(LĐ online) - “Dự án” bất động sản mọc lên như nấm sau mưa tại TP Bảo Lộc với hơn 30 dự án đang chào bán. Gọi là dự án nhưng gần như chỉ là tên gọi, thực tế chưa được cấp phép theo quy định.
 
Đâu đâu cũng “dự án” 
 
Chúng tôi cùng một cán bộ Công an tỉnh Lâm Đồng trong vai người TP Hồ Chí Minh đi xem đất cuối tuần được các nhóm “cò” đất chào mời nhiệt tình kèm theo những phân tích có cánh về cơ hội sinh lời, cùng những tiện ích trong mơ. Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến là một “dự án” nằm trên đường Lý Thường Kiệt (phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc). Chiếc xe biển số TP Hồ Chí Minh chưa lăn qua khỏi cổng khu đất thì nhân viên môi giới đã chào từ xa và nhanh chóng đến cửa xe để mời khách. Nhân viên môi giới giới thiệu độ hoành tráng của dự án này với 9 hecta sẽ phân thành từng lô nhỏ bán trong 2 giai đoạn, giá từ 5 đến 7 triệu/m 2 tuỳ vị trí. Thấy khách chê đắt, nhân viên môi giới phân bua: “Công ty em làm đường, làm hạ tầng cho cả dự án anh ạ nên giờ đất đẹp phải đắt thôi. Chỗ này gần cao tốc Dầu Giây – Bảo Lộc – Liên Khương với lại sắp có Sân bay Lộc Phát nữa nên giá tăng nhanh anh ạ”. Tuy nhiên, nhân viên này không thể giải thích cho khách biết khi nào cao tốc và sân bay sẽ được triển khai.
 
Chúng tôi vào xã Đam B’ri và vùng giáp ranh giữa TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Tuyến đường Lý Thái Tổ (dẫn vào thác Đam B’ri và là vùng trồng chè, cà phê, dâu tằm lớn của Bảo Lộc) đông xe hơi mang biển số tỉnh vào ra dù đang giữa trưa. Tài xế là người địa phương bảo: “Xe đi coi đất đấy, chở khách đi coi như chở mấy anh, cũng có nhiều xe chạy làm màu cho xôm tụ rồi chụp hình quảng cáo, đẩy giá. 3-4 năm nay em sống bằng nghề này nên chả lạ. Các anh đi mua cứ bình tĩnh. Có gì hội ý với em chút, may mắn thì cho em tí lộc”. 
 
Như ở những “dự án” khác, nhân viên của "dự án" trên đường Lý Thái Tổ chào bằng lời giới thiệu gợi ý tiềm năng. Tuy nhiên, khi xem qua sổ đỏ chúng tôi thấy đứng tên cá nhân chứ không phải công ty nên thắc mắc. Nhân viên bán hàng đáp: “Bên em tổ chức dự án, chủ đầu tư có đất thì góp vô. Bọn em làm đường, tách thửa rồi bán. Anh chịu là sẽ có chủ đất ra công chứng với anh”. Nhân viên này cũng cho biết đã bán nhiều khu đất ở đây chủ yếu thông qua sổ đỏ riêng lẻ chứ không có giấy phép dự án. Nhân viên này gửi cho chúng tôi tham khảo các sổ đỏ mà đa số là sổ đất nông nghiệp và hứa chỉ cần đặt mua thì sẽ chuyển sang đất xây dựng. Muốn diện tích xây dựng cỡ nào cũng có. Xây dựng thoải mái không giới hạn kiến trúc. 
 
Một “dự án” không phép trên đường Mạc Đĩnh Chi (TP Bảo Lộc), chủ đầu tư tự ý làm đường, dẫn điện vào khu đất. Ảnh: M.VINH
Một “dự án” không phép trên đường Mạc Đĩnh Chi (TP Bảo Lộc), chủ đầu tư tự ý làm đường, dẫn điện vào khu đất. Ảnh: M.VINH
 
Đa số các khu đất được quảng cáo chào bán đều được vẽ 3D, chụp ảnh flycam, có catalog, sơ đồ phân lô rất chuyên nghiệp. Thoạt nhìn rất dễ nhầm với những dự án được cấp phép, kèm theo đó là những cái tên rất kêu. Đa số các “dự án” này không có giấy phép đầu tư, “chủ đầu tư” tự làm đường nhựa, phân lô, cắm mốc, đào ao trong khu đất, có chỗ áp sát rừng thông.
 
Chúng tôi tiếp tục đến một “dự án” bán đất sào, view rừng thông. Như quảng cáo, khu đất áp vô rừng thông và đường nhựa khoảng 6 m đã làm tới tận nơi. Từng lô 1.000 m 2 đã có mốc. Người môi giới để lại số điện thoại trên một biển hiệu to nhưng không xuất hiện nếu khách chỉ hỏi thông tin và chỉ nói chuyện qua điện thoại, cam kết: “Thông tin nội bộ là tháng 4 năm 2021 sẽ chuyển được xây dựng. Giờ anh mua mà cần làm nhà thì em bao. Nước máy chưa có dùng giếng khoan cũng tốt lắm. Bọn em có 26 lô, bán hết 15 lô nhỏ rồi”. Chúng tôi thắc mắc: “Thấy đồ hoạ đẹp quá nên vào xem, vào chỉ thấy có cái đường nhựa cạnh rừng thông, sao chắc chắn mà chồng tiền”. Người bán trả lời: “Làm thế cho dễ hình dung, cái sổ đỏ quan trọng chứ quan trọng gì mấy chuyện anh nói. Đất đây cũng là đất của dân, bọn em phân lô, lập “dự án” cho dễ bán. Đất Bảo Lộc đang vào giai đoạn “hot”, anh hốt chỉ có lời thôi”. 
 
Có những khoảnh đất nông nghiệp được chia nhỏ khoảng 100 m 2 được chào bán như Khu dân cư Nguyễn Đình Chiểu. “Cò” đất tên Phúc giới thiệu đã bán cả ngàn lô đất cho nhiều “khu quy hoạch” ở Bảo Lộc “tư vấn”: “Còn vài lô nhỏ nhỏ thôi anh, thanh khoản tốt. Anh mua thì em lo thủ tục chuyển đổi xây dựng cho anh trong vòng một nốt nhạc. Em biết anh ngại vì đất nông nghiệp mà chỉ có 100 m 2, sổ đỏ nè anh, đất có nguồn gốc tách thửa từ ngày xưa. Anh đừng lo”.
 
Không chỉ TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm cũng có nhiều đồi chè bị phá bỏ nham nhở để làm đường trước khi thực hiện thủ tục phân lô. Ảnh: MAI VINH
Không chỉ TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm cũng có nhiều đồi chè bị phá bỏ nham nhở để làm đường trước khi thực hiện thủ tục phân lô. Ảnh: MAI VINH
 
Tăng cường quản lý để kêu gọi đầu tư
 
Câu chuyện giá đất Bảo Lộc đang “sốt”, một cựu lãnh đạo Thành uỷ Bảo Lộc (đề nghị giấu tên) nhận định đó là giá sốt ảo vì mức giá tăng quá nhanh so với dòng đầu tư quá nhỏ vào Bảo Lộc. So với cách nay 2-3 năm, giá đất tại Bảo Lộc đã tăng 10 đến 15 lần đối với đất nông nghiệp. Mỗi sào đất (1000 m2) được bán khoảng 1,5 tỉ đồng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá đất tăng mạnh nhất trong một năm trở lại đây khi thông tin về Đồ án quy hoạch chung TP Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040 được đưa ra, cùng với các thông tin về dự án Sân bay Lộc Phát, có đường cao tốc Dầu Giây – Bảo Lộc - Liên Khương. Trong khi đó, đồ án mới đang trong giai đoạn góp ý và đợi Chính phủ phê duyệt. 
 
Theo Sở Giao thông Vận tải và Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Lâm Đồng: Sân bay Lộc Phát mới chỉ là ý tưởng quy hoạch dựa trên hiện trạng sân bay quân sự cũ nhằm chuẩn bị quỹ đất cho tương lai, ngắn hạn chưa có kế hoạch nào liên quan đến sân bay này. Về đường cao tốc, thực tế Bộ Giao thông Vận tải mới chỉ đưa vào quy hoạch mạng lưới đường cao tốc và có chủ trương kêu gọi đầu tư.
 
Trao đổi về những khu phân lô bán nền đất nông nghiệp đang mọc lên khắp nơi, ông Đoàn Kim Đình - Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc, cho biết có sự xuất hiện của những khu đất quảng cáo là “dự án” nhưng thực tế không phải là dự án dân cư đúng nghĩa vì không có phép. Đã có nhiều văn bản chấn chỉnh. Ông Đình thẳn thắn: “Thành phố đang hết sức quản lý để có nền tảng tốt đón những nhà đầu tư lớn có khả năng thúc đẩy kinh tế khu vực Bảo Lộc phát triển”. 
 
Ông Nguyễn Văn Triệu - Bí thư Thành uỷ Bảo Lộc, nhận định: “Giá đất tăng theo nhu cầu của thị trường, Bảo Lộc đang kêu gọi đầu tư, sắp công bố quy hoạch mới nên nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, các cấp chính quyền địa phương đã quán triệt thực hiện phương châm “xây dựng quy hoạch, triển khai quy hoạch và quản lý quy hoạch”. Với phương châm như thế chúng tôi đảm bảo được xây dựng đô thị đúng với định hướng và có đủ quỹ đất sạch để đón nhà đầu tư lớn, có tiềm lực”.  
 
Rà soát các “dự án” bất động sản ở Bảo Lộc
 
Giữa tháng 10/2020, UBND TP Bảo Lộc đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, ra soát các khu vực được gọi là “dự án” đang triển khai giao dịch bất động sản trên địa bàn toàn thành phố. Thời gian hoàn thành việc kiểm tra, rà soát trước ngày 29/10/2020. Đồng thời, UBND TP Bảo Lộc cũng yêu cầu thủ trưởng các phòng ban, đơn vị và UBND các phường, xã tiếp tục tăng cường công tác quản lý đất đai, xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố, nhất là những khu vực quy hoạch các dự án thu hút đầu tư nhằm hạn chế những vấn đề phát sinh khi các nhà đầu tư triển khai dự án.

 

Xã vùng sâu Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) cũng không thoát khỏi cơn sốt bất động sản. Trên cùng một tuyến đường ngắn có đến ba đồi chè lớn hàng chục hecta bị phá bỏ để phân lô. Ảnh: MAI VINH
Xã vùng sâu Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) cũng không thoát khỏi cơn sốt bất động sản. Trên cùng một tuyến đường ngắn có đến ba đồi chè lớn hàng chục hecta bị phá bỏ để phân lô. Ảnh: MAI VINH

GIA THỊNH