Lợi dụng lúc chiều tối, xa khu dân cư, một số người dân đã san lấp mặt bằng, đổ đất lấn hồ thủy điện Đại Ninh…
Lợi dụng lúc chiều tối, xa khu dân cư, một số người dân đã san lấp mặt bằng, đổ đất lấn hồ thủy điện Đại Ninh…
|
Hiện trường san lấp mặt bằng trái phép tại địa bàn xã Ninh Gia |
Vụ việc xảy ra trong nhiều tháng qua, dù UBND huyện Đức Trọng đã ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo UBND các xã; các phòng, ban, đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xử lý tình trạng san lấp, cải tạo mặt bằng trái phép trên tuyến Quốc lộ 28B, đoạn qua hai xã Ninh Gia, Tà Hine, nhưng đến nay tình trạng đổ đất san lấp mặt bằng trái phép, đổ đất lấn chiếm hồ thủy điện Đại Ninh vẫn đang tiếp diễn, khiến dư luận bất bình.
Theo phản ánh của người dân, trong các ngày 8, 9/11, xuôi theo Quốc lộ 28B, đoạn khu vực cầu Đắrka nằm trên địa bàn hai xã Ninh Gia, Tà Hine (Đức Trọng), chúng tôi chứng kiến nhiều điểm san gạt mặt bằng, đổ đất tràn xuống lòng hồ thủy điện Đại Ninh, làm ảnh hưởng hành lang an toàn đường bộ của tuyến quốc lộ này. Cụ thể, tại khu vực cầu Đắrka (thuộc địa phận hành chính xã Ninh Gia), nằm ở phía hồ thủy điện Đại Ninh, người dân đã tự ý san lấp mặt bằng với diện tích hàng trăm mét vuông. Tại đây, hàng trăm xe đất được vận chuyển từ nơi khác đến san lấp, nâng cao nền đất từ 5 - 6 m so với mực nước hồ. Theo quan sát, hiện trường vẫn còn nhiều ụ đất được xe cơ giới vận chuyển đến san lấp mặt bằng chưa kịp san gạt, đã đổ tràn ra sát vệ đường Quốc lộ 28B.
Nằm cách đó không xa, bên kia cầu Đắrka (thuộc địa phận xã Tà Hine), có tới hai điểm san lấp mặt bằng, diện tích san lấp, lấn chiếm lòng hồ Đại Ninh cũng lên đến hàng trăm mét vuông. Theo người dân địa phương, khu vực này thuộc đất của bà Nguyễn Thị Thanh Mai (ngụ xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng). Gia đình bà Mai sau khi được UBND huyện Đức Trọng cho phép đào đất, hạ thấp cốt nền xây dựng công trình nhà ở tư nhân, đào đất đồi đổ sang phía hồ để nâng nền đã tự ý mở rộng diện tích san lấp, lấn chiếm lòng hồ thủy điện. Không chỉ vậy, việc vận chuyển đất giữa các vị trí đã làm ảnh hưởng đến hạ lưu cống thoát nước ngang Quốc lộ 28B tại vị trí Km 64+800. Vụ việc đã được đơn vị quản lý bảo trì đường bộ (Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng) có văn bản đề nghị UBND huyện Đức Trọng chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, nhưng trong thời gian dài chủ đầu tư vẫn phớt lờ yêu cầu khắc phục hậu quả của cơ quan chức năng.
Một cán bộ công tác tại UBND huyện Đức Trọng xác nhận có việc các hộ dân san lấp mặt bằng trái phép, đổ đất san gạt tràn xuống lòng hồ Đại Ninh, nhưng không như phản ánh của người dân. Cụ thể, tại vị trí khu vực cầu Đắrka, vào tháng 7/2021, UBND xã Ninh Gia đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3,5 triệu đồng đối với ông Nguyễn Hữu Thành (SN 1979, ngụ tại xã Ninh Gia, Đức Trọng), về hành vi hủy hoại đất, làm biến dạng địa hình do san, lấp nâng cao bề mặt của đất nông nghiệp so với các thửa đất liền kề, cao trung bình từ 1 - 6 m tại một phần thửa đất số 25, Tờ bản đồ số 108 (2013), xã Ninh Gia. Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, xã Ninh Gia buộc ông Thành phải khắc phục, trả lại nguyên trạng ban đầu với diện tích 207 m2 đất nông nghiệp san lấp trái phép tại khu vực trên.
Điều đáng nói, vụ việc sai phạm trên chưa được khắc phục thì mới đây (ngày 3/11/2021), UBND xã Ninh Gia lại tiếp tục có biên bản kiểm tra việc đổ đất, san lấp mặt bằng trái phép ngay trên thửa đất số 25, tờ bản đồ số 108 (2013), xã Ninh Gia đối với tài xế Đặng Xuân Phương (SN 1983, ngụ tại xã Đà Loan). Thời điểm kiểm tra, diện tích đổ đất san lấp mặt bằng khoảng 300 m2, trong đó khoảng 100 m2 tác động mới, cao từ 0,5 - 2,5 m so với nền đất cũ. Khu vực đổ đất giáp với lòng hồ thủy điện Đại Ninh. Và, theo khai nhận với cơ quan chức năng, ông Phương cho biết đổ đất san lấp mặt bằng cho ông Thành.
Riêng vị trí san lấp bên kia cầu Đắrka (thuộc địa bàn xã Tà Hine), đây là khu vực đất của bà Nguyễn Thị Thanh Mai. Bà Mai được UBND huyện thống nhất chủ trương cho phép hạ thấp cốt nền tại thửa đất số 62, tờ bản đồ số 29 (nằm bên kia đường quốc lộ, phía taluy dương), và nâng cốt nền tại thửa 152, tờ bản đồ số 14 (xã Tà Hine) để xây dựng công trình nhà ở tư nhân (theo các Giấy phép xây dựng số 319, 320 được UBND huyện Đức Trọng cấp cùng ngày 20/10/2020, với diện tích xây dựng 400 m2/giấy phép), theo đề xuất của Phòng Kinh tế & Hạ tầng tại Báo cáo số 74/BC-KT&HT ngày 25/1/2021.
Cũng theo cán bộ huyện Đức Trọng, quá trình thi công san lấp mặt bằng tại khu vực trên, khoảng tháng 3/2021, bà Mai bị cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm hành chính lần đầu với diện tích lấn chiếm hồ khoảng 60 m2. Trong khi, văn bản của Công ty Thủy điện Đại Ninh đề nghị UBND huyện Đức Trọng về việc xem xét, giải quyết chồng lấn đất của công trình thủy điện, thì diện tích san lấp lấn chiếm lòng hồ cộng với diện tích vi phạm trước đó là khoảng gần 300 m2. Còn tại văn bản của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Đức Trọng trả lời Công ty Thủy điện Đại Ninh về việc giải quyết chồng lấn đất công trình thủy điện Đại Ninh thì khẳng định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các thửa đất nói trên là đúng, không có sự chồng lấn với diện tích đất công trình thủy điện. Nhưng qua kiểm tra hiện trạng cho thấy một phần diện tích các thửa 152, 153, tờ bản đồ số 14 (2013), xã Tà Hine đã được bà Mai cho đổ đất san lấp mặt bằng, có phần diện tích chồng lấn lên đất của công trình thủy điện Đại Ninh là 152 m2. Vì chưa có sự thống nhất diện tích chồng lấn, lấn chiếm nên UBND xã Tà Hine đã có biên bản tạm đình chỉ việc đổ đất, san gạt mặt bằng của bà Nguyễn Thị Thanh Mai để chờ cơ quan thẩm quyền xác định ranh giới đất.
Vụ việc xảy ra trong nhiều tháng qua, UBND huyện Đức Trọng cũng đã liên tục ban hành văn bản chỉ đạo UBND các xã; các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng san lấp, cải tạo mặt bằng trái phép trên địa bàn. Thậm chí, UBND huyện còn ban hành văn bản “hỏa tốc” yêu cầu Phòng TN&MT; Công an huyện; UBND các xã Ninh Gia, Tà Hine khẩn trương kiểm tra, xử lý tình trạng san gạt, cải tạo mặt bằng trái phép, sai phép tại các xã Ninh Gia, Tà Hine, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, khiến dư luận địa phương cho rằng có sự bao che, cả nể hay nói đúng hơn là buông lỏng quản lý, dẫn đến tình trạng lờn luật là điều khó chấp nhận.
THỤY TRANG