Ghi nhận công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ Hòa Bắc, Hòa Nam

04:01, 17/01/2022
Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Hòa Bắc - Hòa Nam hiện quản lý diện tích rừng và đất rừng là 8.789,3 ha, phân theo chức năng gồm rừng phòng hộ 5.468,2 ha, rừng sản xuất 3.321,1 ha; diện tích rừng phân bố xen kẽ với các khu dân cư trên 5 xã phía Nam của huyện Di Linh, gồm các xã Hòa Bắc, Hòa Nam, Hòa Trung, Liên Đầm, Sơn Điền. Theo đánh giá, năm 2021, Ban QLRPH Hòa Bắc - Hòa Nam đã bảo vệ rừng khá tốt, kể cả ở những vị trí khó khăn.
 
Các lực lượng phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng
Các lực lượng phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng
 
Thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), ngoài triển khai công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia QLBVR, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) và chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), đơn vị còn chú trọng đến việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về QLBVR bằng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo. Công tác QLBVR là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của đơn vị. Theo đó, hàng ngày, các trạm bảo vệ rừng, các hộ nhận khoán thường xuyên tuần tra kiểm tra trên lâm phần được giao; phối hợp với Hạt Kiểm lâm Di Linh, UBND các xã tuần tra, truy quét những khu vực trọng điểm, nguy cơ xảy ra khai thác, vận chuyển lâm sản. Hàng tháng, bộ phận kỹ thuật của đơn vị xây dựng các kế hoạch tuần tra truy quét, kiểm tra công tác trực, tuần tra kiểm tra của các trạm bảo vệ rừng và các hộ nhận khoán; cùng với đó, tổ chức các đoàn cưỡng chế giải tỏa những diện tích lấn chiếm, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp. Theo báo cáo của đơn vị, trong năm 2021, đơn vị đã tổ chức được hơn 20 đợt truy quét, cưỡng chế giải tỏa những diện tích lấn chiếm, tái lấn chiếm trên lâm phần đơn vị quản lý. Trong đó, phối hợp tuần tra các khu vực giáp ranh 8 cuộc, đạt 120% kế hoạch, không để tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản vùng giáp ranh xảy ra. Thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn đơn vị quản lý, đã phát hiện 3 vụ vi phạm, giảm 40% số vụ vi phạm so với năm 2020. Thiệt hại về khối lượng lâm sản và diện tích giảm 40% so với năm 2020. Trong đó, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp làm nương rẫy trái phép chỉ có 1 vụ đã được cơ quan chức năng xử lý và thu hồi 191 m2 đất rừng, giảm so với năm 2020 là 1 vụ. Khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép 2 vụ, thu hồi 0,651 m3 gỗ đã chuyển cơ quan chức năng xử lý. Các vụ vi phạm cũng đã kịp thời ngăn chặn, lập biên bản và chuyển cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định, không có vụ vi phạm nào vắng chủ và đều được xử lý xong, không tồn đọng hồ sơ.
 
Công tác PCCCR cũng được Ban quan tâm và thực hiện tốt trong năm 2021. Đơn vị thành lập Ban Chỉ huy QLBVR-PCCCR, lực lượng chuyên trách QLBVR đơn vị và các hộ nhận khoán thường xuyên thay phiên nhau trực gác tại các trục đường ra vào rừng, nơi trọng điểm dễ cháy; tổ chức đốt làm giảm vật liệu cháy rừng trồng qua giai đoạn chăm sóc và rừng thông tự nhiên thuần loại dễ cháy; xây dựng phương án, tổ chức diễn tập PCCCR cho chính quyền địa phương cùng người dân nhận khoán QLBVR; bố trí lực lượng canh phòng 24/24 giờ tại các chòi canh để phát hiện và dập tắt ngay từ đầu, không để lửa cháy lan vào rừng, nên trong mùa khô năm 2020 - 2021, trên lâm phần đơn vị quản lý không xảy ra vụ cháy lớn nào gây thiệt hại đến rừng. 
 
Công tác phát triển rừng năm 2021 cũng được đơn vị tiến hành giao chỉ tiêu thực hiện cụ thể cho từng trạm QLBVR. Hàng tuần tổng hợp, cập nhật diện tích rà soát thực hiện Đề án 1836, và thực hiện trồng cây xanh. Đến nay, triển khai thực hiện Đề án 1836 được 105/100 ha, đạt 105% kế hoạch của năm. Thực hiện trồng được 22.900 cây xanh, đạt 104,8% kế hoạch của năm. Ngoài ra, đơn vị đã phối hợp với công đoàn cơ sở tổ chức trồng được 3.200 cây xanh trồng vành đai, trồng dải phân cách. 
 
Thực hiện công tác giao khoán chi trả DVMTR, đơn vị đã thực hiện giao khoán ổn định 7.891,18 ha cho 16 tổ với 293 hộ dân, trong đó có 192 hộ người dân tộc thiểu số, 101 hộ người Kinh nghèo. Trong số này, đáng chú ý có một phần diện tích bảo vệ rất khó khăn, bao quanh lòng hồ thủy điện Đa Mi, Hàm Thuận với diện tích khoảng 1.500 ha. Để quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng này, Ban đã ký hợp đồng khoán với 97 người, phân thành 3 tổ và 3 tổ chia thành từng tổ nhỏ với 3 người/tổ, phân công đi tuần tra ngày đêm cũng như trực tại chốt quản lý rừng 24/24 giờ. Đơn vị cũng thường xuyên rà soát, kiểm tra thực hiện theo hợp đồng giao khoán quản lý, bảo vệ rừng đối với hộ nhận khoán, kịp thời củng cố, kiện toàn, sắp xếp lại hộ nhận khoán, nhằm nâng cao chất lượng của các hộ nhận khoán. Với cách làm này, công tác quản lý, bảo vệ rừng thực hiện đạt kết quả khá tốt và đã được Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tỉnh đánh giá cao.
 
NGUYÊN THI