Nâng cao hiệu quả công tác QLBV & PTR

06:03, 09/03/2022
Theo số liệu thống kê, Lâm Đồng hiện có 596.642 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm trên 60% diện tích tự nhiên của tỉnh bao gồm: Đất có rừng 540.104 ha (rừng tự nhiên 455.867 ha, rừng trồng 84.237 ha); đất chưa có rừng 56.538 ha (đất trống không có cây gỗ tái sinh 5.058 ha; đất sản xuất nông nghiệp trên diện tích quy hoạch lâm nghiệp 49.415 ha; đất khác 2.065 ha). Trong đó, rừng đặc dụng 84.224 ha (chiếm 14,1%); rừng phòng hộ 172.826 ha (chiếm 28,97%); rừng sản xuất 339.592 ha (chiếm 56,91%); tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%.
 
Một cánh rừng trồng tuyệt đẹp ở khu vực Trại Mát, Đà Lạt
Một cánh rừng trồng tuyệt đẹp ở khu vực Trại Mát, Đà Lạt
 
Trong những năm qua, thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền các cấp và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở có nhiều nỗ lực, cố gắng, thể hiện quyết tâm cao trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và đạt được những kết quả quan trọng: Kịp thời kiện toàn bộ máy các cấp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR) phù hợp với điều kiện thực tiễn; nhận thức, hành động của các cấp, ngành, hệ thống chính trị và Nhân dân có sự chuyển biến rõ nét, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về công tác QLBV&PTR; thực hiện tốt chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên theo quy định pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện xã hội hóa công tác phát triển rừng; diện tích, chất lượng và tỷ lệ che phủ rừng tăng qua từng năm; số vụ vi phạm, diện tích, khối lượng lâm sản thiệt hại giảm dần; thực hiện tốt chính sách giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng; công tác trồng rừng, chăm sóc rừng, trồng cây phân tán đạt kết quả khá tốt, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, ổn định đời sống người dân, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội.
 
Tuy nhiên, công tác QLBV&PTR đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về rừng và đất lâm nghiệp; công tác quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch còn nhiều bất cập; tình trạng khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm, tranh chấp đất rừng còn phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự ở địa phương; chưa khai thác hiệu quả tiềm năng về du lịch sinh thái rừng gắn với QLBV&PTR; việc lấn chiếm, trồng cây nông nghiệp trên đất lâm nghiệp xảy ra ở nhiều địa phương; xã hội hóa công tác QLBV&PTR còn hạn chế.
 
Những tồn tại, hạn chế cũng đã được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ ra mà trong đó phần lớn là do nhận thức, ý thức, trách nhiệm một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác QLBV&PTR chưa đầy đủ, sâu sắc, tinh thần trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước một số địa phương chưa cao; việc kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan chuyên môn chưa thường xuyên, liên tục, thiếu sâu sát, thậm chí có nơi, có lúc buông lỏng; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng với chính quyền địa phương, đơn vị chủ rừng chưa kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả thấp; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp ngày càng phức tạp, tinh vi; công tác tuyên truyền, vận động hiệu quả chưa cao; việc điều tra, xử lý vi phạm còn chậm, thiếu kiên quyết nên các vụ việc sai phạm để kéo dài, xử lý chưa dứt điểm và thiếu tính răn đe, chưa quyết liệt trong việc giải tỏa, thu hồi diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để khôi phục lại rừng...
 
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác QLBV&PTR, Bí thư Tỉnh uỷ mới đây đã ký Ban hành Nghị quyết số 10 về tăng cường lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030. Theo đó, Tỉnh uỷ đã đặt ra nhiệm vụ cụ thể yêu cầu các cấp uỷ Đảng tăng cường công tác quản lý và bảo vệ, phát triển rừng. Giai đoạn năm 2021 - 2025, phải làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng rừng và đất lâm nghiệp hiện có theo quy hoạch; cụ thể là phấn đấu giảm từ 20%/năm trở lên về số vụ vi phạm, diện tích rừng và khối lượng lâm sản bị thiệt hại; số vụ vi phạm phát hiện được đối tượng vi phạm đạt từ 85% trở lên; giải tỏa, thu hồi toàn bộ diện tích rừng mới bị phá, đất lâm nghiệp mới bị lấn chiếm để trồng lại rừng; khoanh nuôi tái sinh rừng. Song song đó, lãnh chỉ đạo công tác triển khai trồng rừng, chăm sóc rừng trồng, trồng 50 triệu cây xanh; khôi phục rừng trên đất lâm nghiệp đang canh tác nông nghiệp theo kế hoạch; phát triển rừng sản xuất, trồng cây dược liệu, cây đặc sản có giá trị cao dưới tán rừng; chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn quản lý, đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng từ 55% trở lên. Nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, thông qua thu hút các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp, khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, tăng giá trị sản xuất ngành Lâm nghiệp lên 4 - 5% giá trị sản xuất của toàn ngành. 
 
Để thực hiện các mục tiêu đặt ra, Nghị quyết 10 cũng nêu rõ, chi tiết và cụ thể nhiều giải pháp, nhiệm vụ yêu cầu thực hiện nghiêm, quyết liệt. Trong đó, yêu cầu các cấp uỷ Đảng trong năm nay và những năm tiếp theo, phải quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác QLBV&PTR, quản lý đất lâm nghiệp; trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển, tập trung nguồn lực đầu tư; đồng thời, chỉ đạo thực hiện nghiêm trách nhiệm chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã trong việc quản lý tài nguyên rừng, đất đai, khoáng sản; tổ chức quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp theo đúng quy hoạch, xem đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra vai trò, trách nhiệm của tổ chức cơ sở đảng và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ QLBV&PTR. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm trước cấp trên nếu để xảy ra phá rừng, mất rừng, cháy rừng hoặc để tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác rừng, đất lâm nghiệp thuộc địa bàn quản lý. 
 
Giai đoạn đến năm 2030, mục tiêu của tỉnh là phải tiếp tục thực hiện các biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong QLBVR; các vụ vi phạm quy định về QLBVR được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh theo quy định; nâng cao chất lượng rừng (cả rừng tự nhiên và rừng trồng); phát triển kinh tế rừng; thực hiện trồng rừng, trồng cây dược liệu dưới tán rừng, trồng 50 triệu cây xanh, trồng cây đa mục đích trên diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp còn lại theo kế hoạch; thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trong công tác QLBV&PTR; phấn đấu đến năm 2030, nguồn thu từ rừng đủ bù đắp kinh phí cho công tác QLBV&PTR, góp phần đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng đạt từ 56% trở lên.
 
NGUYỄN NGHĨA